Khi bố mẹ cấm hút thuốc, thiếu nữ vật vã, cáu gắt, có nhiều hành vi bất thường và lén lút đặt hàng trên mạng về hút trộm. Cô gái này ngày càng hút nhiều hơn, cơ thể trong trạng thái mơ màng, mệt mỏi, đờ đẫn.
Theo thông tin từ VietNamNet, ngày 21/8, tại Hội thảo về Thuốc lá điện tử và Sức khỏe tâm thần do Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tổ chức, Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Hoài - Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, hiện nay, bệnh viện đã khám và điều trị cho nhiều trường hợp bị >rối loạn tâm thần do sử dụng thuốc lá điện tử. Thậm chí, có bệnh nhân mới 13 tuổi đã vào viện khám vì hội chứng nghiện nicotine.
Trường hợp điển hình là bệnh nhân N.T.X. (27 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) vào viện vì hút >thuốc lá điện tử quá nhiều, có các hành vi bất thường. Theo chia sẻ của gia đình, X. bắt đầu hút thuốc lá điện tử từ 8 năm trước. Ban đầu, X. giấu bố mẹ, chỉ hút vì tò mò, đi chơi cùng bạn bè. Gần đây, cô hút nhiều hơn do công việc căng thẳng, stress.
Khi bố mẹ cấm hút thuốc, X. vật vã, cáu gắt, có nhiều hành vi bất thường và lén lút đặt hàng trên mạng về hút trộm. X. ngày càng hút nhiều hơn, cơ thể trong trạng thái mơ màng, mệt mỏi, đờ đẫn. Bệnh nhân thường xuyên bỏ bữa, đặt nhiều đồ trên mạng về rồi lại vứt đi, nhốt mình trong phòng riêng, nằm hút thuốc.
Mẹ của X. phát hiện con gái hay nói chuyện không liên quan, lướt điện thoại trong vô thức. Khi mọi người gọi hay nói chuyện, cô đều không tập trung hoặc trả lời chậm. Gia đình đã đưa bệnh nhân đi khám.
Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, bác sĩ chẩn đoán X. bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng thuốc lá điện tử. Sau một thời gian điều trị, ngày 21/8, bệnh nhân được ra viện.
Dẫn tin từ Thanh Niên, theo TS - BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Sử dụng chất và y học hành vi (Viện Sức khỏe Tâm thần), thuốc lá điện tử chủ yếu chứa nicotine và một số ít các chất khác trong buồng đệm chứa dịch (glycerin, propylene, các chất dẫn), hiện chưa có nhiều nghiên cứu theo dõi dài hạn.
Thuốc lá điện tử gây tác hại trực tiếp đến người dùng do hít phải hơi. Đáng lưu ý, nicotine có khả năng gây phụ thuộc về mặt tâm thần; glycerine có thể gây viêm phổi...
Theo bác sĩ Hà, thuốc lá điện tử có các chất dẫn khác nhau tùy theo từng hãng, trong đó có thể chứa formaldehyde, acetaldehyde là các chất có khả năng gây ung thư và có thể có các chất khác do chưa được kiểm duyệt, chưa có quy định nên thường được bổ sung sai cách vào buồng đệm chứa dịch. Đó là nguyên nhân chính đến việc gây độc hoặc lạm dụng phối hợp các chất ma túy khác, tinh dầu cần sa...
"Thuốc lá điện tử có thể bị sử dụng sai cách gây độc hoặc gây lạm dụng nhiều chất phối hợp", bác sĩ Hà lưu ý.