Sau nhiều ngày được thở máy ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, tình trạng bệnh nhân chuyển nặng đột ngột, phổi bị xơ và tử vong.
Theo thông tin từ báo Pháp luật Việt Nam, ngày 23/3, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, bệnh nhân B.T.Đ. (SN 2003), sinh viên Trường Đại học Nha Trang, người bị mắc >cúm A/H5, đã >tử vong trước đó sáng cùng ngày, sau nhiều ngày phải thở máy.
Bệnh nhân Đ. bắt đầu có triệu chứng sốt, ho từ ngày 11/3 và tự mua thuốc điều trị nhưng không hiệu quả.
Trước đó, ngày 9/3, bệnh nhân có về thăm nhà ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Sau khi có triệu chứng cúm, ngày 15/3, bệnh nhân tới Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa khám, được chẩn đoán viêm họng, theo dõi sốt xuất huyết, được điều trị ngoại trú.
Đến ngày 16/3, bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu- BVĐK khu vực Ninh Hòa trong tình trạng sốt cao, đau bụng quanh rốn, đi ngoài và được chẩn đoán nhiễm khuẩn ruột, nhiễm trùng huyết.
Ngày 17/3, bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân được chuyển tuyến tới BVĐK tỉnh Khánh Hòa và được chẩn đoán viêm phổi, nhiễm trùng tiểu.
Chiều 18/3, bệnh nhân khó thở, thở nhanh, SpO2 80%, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực- BVĐK tỉnh Khánh Hòa điều trị. Tại đây, bệnh nhân thở máy qua nội khí quản, huyết áp phụ thuộc vận mạch. Bệnh nhân được lấy dịch trong nội khí quản gửi đi xét nghiệm.
Đến chiều 20/3, kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang cho thấy, bệnh nhân Đ. bị viêm phổi nặng do bị cúm A/H5. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa điều trị.
Sau nhiều ngày được thở máy ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, tình trạng bệnh nhân chuyển nặng đột ngột, phổi bị xơ và tử vong.
Dẫn tin từ VnExpress, cúm A/H5 là bệnh truyền nhiễm do virus cúm gia cầm gây ra và lây cho người. Nhóm virus này gồm kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase). Có 15 loại kháng nguyên H, ghi nhận H1 đến H15 và 9 loại kháng nguyên N, ghi nhận N1-N9. Tùy nhiễm chủng H kết hợp N nào, bệnh nhân được ghi nhận mắc chủng đấy. Thông thường Việt Nam ghi nhận H5N1 hoặc H1N1.
Cúm gia cầm ở người có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp, nhẹ như sốt và ho, nặng như viêm phổi nghiêm trọng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (khó thở), sốc, thậm chí tử vong. Bệnh nhân cũng có thể viêm kết mạc (mắt đỏ), các triệu chứng đường tiêu hóa, viêm não ở các mức độ khác nhau.