Những sự việc kì lạ ấy mới đây được vị bác sĩ củng cố thêm thông tin cho y học, những trường hợp đặc biệt hoặc một sự cố không mong muốn nào đó có thể xảy ra.
Giờ đây, chúng ta không còn quá ngạc nhiên khi nghe những câu chuyện hi hữu về một người đã >ngừng tuần hoàn, không còn dấu hiệu thở, được thông báo đã qua đời nhưng bất ngờ tỉnh dậy.
Thông tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống, cụ ông ở Hải Phòng "sống lại" khi gia đình đang chuẩn bị đám tang nhờ sự kỳ diệu từ kỹ thuật "hạ thân nhiệt".
Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp và đã được đặt stent mạch vành. Trong quá trình đặt stent, người bệnh xuất hiện ngừng tim và được cấp cứu ngừng tuần hoàn trong 2 giờ.
Khi thấy tình trạng người bệnh nặng, gia đình cụ N.Đ.N đã thống nhất, xin cho người bệnh về nhà. Thậm chí gia đình còn làm xong thủ tục với công ty mai táng sẵn sàng lo hậu sự cho cụ. Sau 72 giờ tiến hành hạ thân nhiệt chỉ huy, người bệnh được ngừng thuốc an thần để đánh giá lại tri giác. Kết quả cho thấy, tri giác của bệnh nhân N.Đ.N đã được cải thiện, người bệnh có đáp ứng với kích thích, cả kip cấp cứu mừng vì bao nỗ lực đã cho kết quả tốt.
Sau 63 ngày nằm viện, cụ N.Đ.N được ra viện trong tình trạng phục hồi tri giác, vận động hoàn toàn, có thể tự phục vụ sinh hoạt cá nhân.
Ngừng tuần hoàn là tình trạng tim ngừng hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả. Tử vong và tàn tật sau ngừng tuần hoàn là những mối đe dọa cho >sức khỏe cộng đồng. Mặc dù đã có những tiến bộ trong quá trình điều trị, tỷ lệ sống sót ở người bệnh sau ngừng tuần hoàn còn thấp.
Một người phụ nữ cũng đã 'sống lại', gõ quan tài đòi ra ngoài ngay trong đám tang của mình. Theo đó, con trai của bà Bella Montoya, 76 tuổi - người được các bác sĩ đã tuyên bố qua đời 2 ngày trước đó - cho biết, mẹ anh hiện đã được đưa vào bệnh viện lần nữa và đang được chăm sóc y tế đặc biệt. Bà Montoya được đưa vào bệnh viện với nghi ngờ bị đột quỵ vào hôm 9/6. Theo Bộ Y tế Ecuador, khi nhập viện bà Montoya đã ngừng tim, hô hấp và không đáp ứng với các thao tác hồi sức, vì vậy bác sĩ trực xác nhận bà đã chết.
Anh Balberan cho biết, vì nhà nghèo nên khi nghe bệnh viện thông báo về cái chết của mẹ, anh đã phải sắp xếp xin quan tài và không thấy gì bất thường. “Họ thậm chí còn đưa cho chúng tôi giấy chứng tử”. Truyền thông Ecuador cũng đưa tin về vụ việc bất thường này, với các tiêu đề ca ngợi sự "hồi sinh" của người phụ nữ.
Riêng Bộ y tế Ecuador cho biết, họ đã thành lập một ủy ban để điều tra vụ việc và ủy ban này sẽ giám sát việc chăm sóc bà Montoya.
Tiến sĩ Stephen Hughes, giảng viên y khoa cao cấp tại Đại học Anglia Ruskin, Vương quốc Anh, chia sẻ với Insider ông đã chứng kiến 2 lần trong sự nghiệp 20 năm của mình.
Lần chứng kiến đầu tiên của Tiến sĩ Hughes là khi ông làm tại một bệnh viện nông thôn. Bệnh nhân nữ bị động kinh đã dùng quá liều một loại thuốc an thần kiểu cũ.
Bác sĩ đến hiện trường và gọi hỏi bệnh nhân nhưng không có phản hồi. Ông không thể nghe thấy nhịp tim của người bệnh, không thể cảm thấy mạch đập hay phát hiện bất kỳ hơi thở nào. Bác sĩ thông báo người này đã chết và thi thể được đưa đến nhà xác.
Tại đó, nhân viên nhận thấy chân của người bệnh co giật nhẹ. Khi kiểm tra kỹ hơn, họ thấy bà vẫn còn mạch. Bệnh nhân được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Trong trường hợp thứ 2, các chuyên gia y tế cho rằng một nữ bệnh nhân sắp chết nên đã ngừng hồi sức cho cô ấy. Sau đó, người phụ nữ được tuyên bố đã chết. Tiến sĩ Hughes và đồng nghiệp rời đi trong khi một bác sĩ khác điền vào giấy tờ. Đột nhiên, bệnh nhân tưởng đã chết bắt đầu thở lại.
Vị tiến sĩ cho biết đây là một trong những trường hợp khiến ông suy nghĩ nhiều nhất vì bệnh nhân không được kiểm tra kỹ càng. Nếu bác sĩ bật màn hình, họ sẽ thấy tim vẫn còn hoạt động.
Đồng tử giãn ra có thể là dấu hiệu của cái chết hoặc một số loại thuốc còn tồn trong cơ thể.
Tiến sĩ Hughes nói rằng đã có rất nhiều trường hợp người "chết" sống lại vào thời xưa. Nhưng khi quy trình xác nhận cái chết được chính thức hóa và giảng dạy tại trường y, khả năng đó xảy ra ít hơn nhiều.
Năm 2001, theo một báo cáo từ Hiệp hội Nghiên cứu Gây mê quốc tế, người đàn ông 66 tuổi bị ngừng tim khi đang phẫu thuật phình động mạch bụng. Sau 17 phút nỗ lực hồi sức, kết hợp hô hấp nhân tạo, khử rung tim và dùng thuốc, các dấu hiệu sinh tồn của người đàn ông này vẫn không quay lại. Ông được tuyên bố đã chết. Nhưng chỉ 10 phút sau đó, bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật phát hiện mạch của ông đập trở lại. Ê-kíp tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật và kết quả thành công hơn mong đợi.
Năm 2014, tờ The Guardian đưa tin, một người đàn ông 78 tuổi đến từ Mississippi (Mỹ) tuyên bố đã chết sau khi y tá phát hiện mạch của ông không còn đập. Ngày hôm sau, ông tỉnh dậy trong chiếc túi đựng xác trong nhà xác.
Những câu chuyện này tưởng chừng như phân đoạn trong bộ phim kinh dị, nhưng trong thế giới thực, đây là một hiện tượng có thật và được gọi là: Hội chứng Lazarus.
Hội chứng Lazarus, hay hiện tượng Lazarus là sự phục hồi hệ tuần hoàn muộn tự phát (ROSC) sau khi ngừng hồi sức tích cực. Kể từ năm 1982, khi hiện tượng Lazarus lần đầu tiên được mô tả trong tài liệu y học, ít nhất 38 trường hợp được báo cáo (thống kê tính tới tháng 5 năm 2017).
Nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng Lazarus vẫn chưa rõ ràng, một số giả thuyết được đưa ra. Vài nhà nghiên cứu cho rằng Lazarus có thể là sự tích tụ áp lực trong lồng ngực do hồi sức tích cực gây ra. Sau khi ngừng hô hấp nhân tạo, áp lực này được giải phóng dần và khiến tim hoạt động trở lại.
Một nguyên nhân khác dẫn tới hiện tượng Lazarus là tăng kali máu. Khi kali trong máu tăng khiến ROSC chậm lại. Rất ít trường hợp mắc hội chứng Lazarus được báo cáo nên việc tìm ra cơ chế chính xác đằng sau tình trạng này là rất khó.
Mặc dù vậy, hội chứng Lazarus hoặc việc tuyên bố nhầm một người còn sống đã tử vong là những điều cực kỳ hy hữu trong cuộc sống đời thực.