Các nạn nhân cho biết trong quá trình ăn lẩu đã bỏ củ ấu tàu vào nồi ninh kèm. Cơ quan chức năng nhận định đây có thể là nguyên nhân gây ngộ độc, tiếp tục đem mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm.
Theo thông tin từ VnExpress, trưa 18/12, một nhóm người tổ chức ăn lẩu tại gia đình ở thôn Thôm Mèo, xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Đang dùng bữa, 11 người đồng loạt xuất hiện tê lưỡi, choáng váng, buồn nôn.
7 người ngộ độc nặng hơn được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm, 4 người có biểu hiện nhẹ hơn được chăm sóc tại nhà.
Các nạn nhân cho biết trong quá trình ăn lẩu đã bỏ >củ ấu tàu vào nồi ninh kèm. Cơ quan chức năng nhận định đây có thể là nguyên nhân gây ngộ độc, tiếp tục đem mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm.
Hiện >sức khỏe của 11 bệnh nhân ổn định.
Dẫn tin từ Dân Trí, củ ấu tàu còn gọi là ô đầu, ú tầu, gấu tầu, củ gấu rừng là rễ của cây ô đầu, thường mọc hoang hoặc trồng ở vùng biên giới phía Bắc như các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai.
Thành phần độc tố chính của ấu tàu là aconitin (chất gây tê đầu lưỡi) và các alcalloid khác, có thể gây tử vong chỉ với một hàm lượng rất nhỏ.
Người dân thường sử dụng củ ấu tàu để ngâm rượu, chế biến thức ăn song không biết cách loại bỏ độc tố.
Khi bị ngộ độc, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nôn, buồn nôn, tê môi, lưỡi, tay, chân hoặc toàn thân, cảm giác tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim.
Các triệu chứng nặng hơn như co giật, suy hô hấp, thậm chí ngừng tim, tử vong.
Do đó khi sử dụng các chế phẩm có thành phần là củ ấu tàu cần thận trọng. Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách loại bỏ độc tố. Không được uống rượu ngâm củ ấu tàu bởi có thể ngộ độc dẫn đến tử vong. Các loại rượu ngâm củ ấu tàu dùng để xoa bóp phải được dán nhãn rõ ràng, cất giữ cẩn thận, tránh xa tầm tay trẻ em.
Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí, tuyệt đối không ở nhà tự theo dõi hoặc điều trị theo biện pháp dân gian.