Lý do nhóm trẻ từ 10-16 tuổi (gọi tắt là thanh thiếu niên) đến khám sức khỏe tâm thần vì các dấu hiệu như ít giao tiếp, học tập giảm sút, cáu gắt, khó ngủ, thậm chí có ý tưởng tự sát hoặc tự hủy bản thân. Đặc điểm chung chiếm tỷ lệ cao nhất (23,3%) ở các em khi đến khám sức khoẻ tâm thần là cảm thấy buồn.
Theo thông tin từ VietNamNet, khảo sát tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho thấy có đến 13,8% thanh thiếu niên đến khám >sức khỏe tâm thần bị trầm cảm. Hơn 90% trong đó là học sinh có học lực khá, giỏi.
Thông tin trên được chia sẻ trong Hội nghị tâm thần toàn quốc 2023, vừa tổ chức vào tháng 8 tại TP.HCM. Khảo sát của bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Kiều Tiên và cộng sự tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đã chỉ ra những vấn đề của >trầm cảm ở thanh thiếu niên, ghi nhận từ quá trình thăm khám thực tế.
Theo đó, bác sĩ nhận thấy lý do nhóm trẻ từ 10-16 tuổi (gọi tắt là thanh thiếu niên) đến khám sức khỏe tâm thần vì các dấu hiệu như ít giao tiếp, học tập giảm sút, cáu gắt, khó ngủ, thậm chí có ý tưởng tự sát hoặc tự hủy bản thân. Đặc điểm chung chiếm tỷ lệ cao nhất (23,3%) ở các em khi đến khám sức khoẻ tâm thần là cảm thấy buồn.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán 69,8% người bệnh bị trầm cảm mức độ nặng; 25,6% mức độ trung bình và 4,6% mức độ nhẹ.
Khảo sát cũng chỉ ra có mối liên quan giữa sự gia tăng trầm cảm và một số yếu tố như giới tính, độ tuổi, học lực, tiền sử gia đình… Trong đó, giới nữ mắc bệnh nhiều hơn, độ tuổi chủ yếu từ 14-16 (đang học trung học cơ sở và trung học phổ thông). Có 69,8% người bệnh có học lực khá và 23,2% có học lực giỏi, trong khi đó, học sinh trung bình chiếm 7%.
Bác sĩ nhận định biểu hiện thường gặp của thanh thiếu niên bị trầm cảm là khí sắc trầm, giảm tập trung chú ý và cảm giác vô dụng. Đa số bệnh nhi đến khám khi triệu chứng xuất hiện hơn 12 tháng và bệnh đã ở mức độ nặng.
Các bác sĩ cũng lưu ý khảo sát trên được thu thập từ phòng khám ngoại trú chuyên khoa của Bệnh viện Tâm thần vào năm 2022, nên không mang tính đại diện cho cộng đồng. Vấn đề đặt ra là vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về trầm cảm trên đối tượng thanh thiếu niên được thực hiện tại Việt Nam, dẫn đến hạn chế trong rút ra những đặc điểm phổ quát.
Bác sĩ nhấn mạnh trầm cảm ở thanh thiếu niên là một vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến người bệnh, gia đình và sự phát triển của xã hội nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Dẫn tin từ VTV, để phòng tránh căn bệnh này, cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ mọi khó khăn cũng như niềm vui trong cuộc sống cùng con. Không nên đưa ra những nhận xét tiêu cực về những quan điểm hay vấn đề của trẻ, không nên quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi mà nên phân tích, giảng giải cho trẻ hiểu; không nên đặt ra quá nhiều kỳ vọng cũng như gây thêm cho trẻ các áp lực về thành tích học tập. Trẻ thường che giấu những vấn đề khiến chúng bị tổn thương, do vậy cha mẹ cần quan sát kỹ những biểu hiện bất thường của con để kịp thời tháo gỡ, giúp trẻ mở lòng và tự tin hơn trong cuộc sống. Khi trong gia đình có người bị trầm cảm thì khả năng trẻ mắc bệnh sẽ rất cao, do đó, bố mẹ cần theo dõi sát sao để phát hiện và điều trị kịp thời.