Phản ứng phản vệ thì cơ thể mỗi người một khác nhau. Với người có cơ địa dị ứng sau tiêm, khi uống bất cứ một loại thuốc hay vitamin nào cũng có thể gây phản vệ, do vậy tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng không nằm ngoài điều này.
Có nhiều loại vaccine, trong đó có vaccine phòng >COVID-19 yêu cầu phải tiêm ít nhất 2 mũi. Nếu không được tiêm mũi thứ 2, cơ thể sẽ không được kích hoạt đủ chức năng miễn dịch để bảo vệ khỏi tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều người tỏ ra lo ngại vì xuất hiện trường hợp> sốc phản vệ sau khi tiêm mũi 1, điều này khiến một số người e dè về việc tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Lý giải về vấn đề này, trả lời trên Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh - Trưởng bộ môn Y học gia đình, Trưởng điểm tiêm vaccine COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: Nếu bị sốc phản vệ khi tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 thì sẽ không tiêm mũi 2 nữa. Những trường hợp chỉ tiêm vaccine COVID-19 mũi 1, hiệu quả bảo vệ đạt được 50%, BS Kim Thanh nhấn mạnh.
BS cho biết thêm phản ứng phản vệ thì cơ thể mỗi người một khác nhau. Với người có cơ địa dị ứng sau tiêm, khi uống bất cứ một loại thuốc hay vitamin nào cũng có thể gây phản vệ, do vậy tiêm vaccine cũng không nằm ngoài điều này.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu tỷ lệ sốc phản vệ do tiêm vaccine rất thấp, ở các điểm tiêm luôn có các loại thuốc, các đội cấp cứu để xử lý cấp cứu kịp thời.
Trên thực tế ghi nhận cho thấy, cũng có những phản ứng tức thì không phải do vaccine, mà là bị hạ đường huyết do đói. Một số trường hợp tiêm xong bị ngất, kiểm tra đường huyết giảm do không ăn, để bụng đói trước khi tiêm.
Còn lại là phản ứng sau khi đưa vaccine vào trong cơ thể, khi đó vaccine sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch trong cơ thể, nhận diện tạo ra kháng thể cho cơ thể để chống lại virus SARS-COV-2. Có thể có phản ứng đau tức nhẹ tại chỗ tiêm, nhức mỏi người, sốt nhẹ, hơi đau đầu, nhưng rất nhẹ, trong vòng 24 - 48 giờ là hết. Sau khi tiêm, chúng ta nên uống nhiều nước, tăng cường nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh, uống thuốc hạ sốt nếu bị sốt cao. Không đắp bất cứ thứ gì lên chỗ tiêm, vì có thể gây nhiễm khuẩn vết tiêm.
Theo cổng thông tin điện tử của Bệnh viện 175, có 8 dấu hiệu bị phản vệ sau tiêm vắc xin Covid-19 được chuyên gia khuyến cáo
- Ở miệng: cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi.
- Ở da: phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.
- Ở họng: cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.
- Về thần kinh: triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.
- Về tim mạch: dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.
- Đường tiêu hóa: dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
- Đường hô hấp: dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái. Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Có 4 mức độ phản vệ nhanh diễn tiến nặng. Phản vệ độ 2 có thể nhanh chóng chuyển sang độ 3, 4 nhưng cũng có khi mức độ phản vệ nặng lên rất nhanh và không theo tuần tự, cần phải khẩn trương xử trí.
- Mức nhẹ (độ I): chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.
- Mức nặng (độ II): có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan: mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh; khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, tiêu chảy; huyết áp có thể tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
- Mức nguy kịch (độ III): biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn gồm: đường thở (tiếng rít thanh quản, phù thanh quản), thở (nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở); rối loạn ý thức (vật vã, hôn mê, co giật); tuần hoàn (sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp).
- Mức độ IV với biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.