Ca COVID-19 có dấu hiệu tăng, một địa phương đã yêu cầu đeo khẩu trang phòng dịch, và tại TP.HCM, bệnh viện dã chiến số 13 sẽ sẵn sàng kích hoạt.

Hương Hương (t/h) 15:06 28/04/2023

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức giao ban trực tuyến về công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 với các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Theo cuộc họp, Bệnh viện Dã chiến số 13 đã sẵn sàng kích hoạt để chủ động tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 nặng khi cần thiết.

Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo ngành y tế luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến dịch, đặc biệt trong dịp lễ sắp tới, với tinh thần không lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, lo sợ quá mức.

 

Giám đốc Sở Y tế lưu ý các bệnh viện cần tập trung điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sẽ là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận những ca COVID-19 nặng từ các bệnh viện khác, sau khi đã hội chẩn đầy đủ để bảo đảm chỉ chuyển những bệnh nhân nặng do COVID-19.

Người dân chủ động phòng, chống COVID-19. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Đối với các bệnh nhân nặng do bệnh lý khác kèm mắc COVID-19 thì các bệnh viện giữ lại điều trị tại khu vực cách ly. Bệnh viện Dã chiến số 13 sẽ được kích hoạt để chủ động tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có trên 50 ca nặng.

 

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế còn chỉ đạo các bệnh viện khẩn trương rà soát tình hình trang thiết bị, vật tư, hóa chất, test xét nghiệm COVID-19… hiện tồn và có phương án mua sắm bổ sung kịp thời để phục vụ công tác chống dịch.

Cũng theo Báo Người Lao Động, Bộ Y tế cho biết số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại. Cùng đó, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài, người dân đi lại đông, du khách nước ngoài đến Việt Nam cũng có thể gia tăng số ca mắc COVID-19, vì thế sau kỳ nghỉ lễ, công tác phòng, chống dịch cần được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ hơn.

Chủ động phòng COVID-19. Ảnh: Internet

Bộ Y tế yêu cầu các Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành đã được phân công tăng cường giám sát, đánh giá thêm các ca nhập viện, ca nặng. Các địa phương cần công bố, cập nhật các địa điểm tiêm vắc-xin COVID-19 để người dân dễ tiếp cận.

Trong văn bản số 2001/UBND-VX, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu 6 trường hợp bắt buộc phải đeo khẩu trang gồm: Người có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh COVID-19.

 

Các trường hợp có mặt tại cơ sở y tế, nơi cách ly, nơi lưu trú có người đang cách ly hoặc đang theo dõi, giám sát y tế (trừ người cách ly ở phòng đơn; người bị suy hô hấp; người bệnh đang thực hiện thủ thuật y tế; trẻ dưới 5 tuổi).

Người tham gia các phương tiện giao thông công cộng, áp dụng với tất cả hành khách, người điều khiển, người phục vụ, nhân viên phục vụ, người quản lý, lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc với hành khách.

Nhân viên phục vụ, quản lý, lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; nhân viên phục vụ, quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc với khách hàng và người tham dự tại các cơ sở văn hóa, du lịch, những nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người.

 

Nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc với khách hàng tại những nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch.

Y tế tỉnh Bình Dương tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 30/4, Ngày Quốc tế Lao động 1/5, đồng thời các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục - đào tạo bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong nhà trường.

 

Hương Hương (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe