Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bộ Y tế nhiều lần nhắc nhở và cảnh báo về 4 nhóm đối tượng nguy cơ, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 cần được thực hiện nghiêm chỉnh.
Theo thông tin từ Báo SGGP trước đó, tổng hợp tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu từ các bệnh viện trong cả nước của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết sau lễ (từ 29-4 đến 3-5), các cơ sở điều trị đã tiếp nhận 270.031 người tới khám bệnh và cấp cứu, trong đó có 99.747 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú và 1.241 ca tử vong. Liên quan tới tình hình khám cấp cứu do tai nạn giao thông có 5.725 trường hợp phải cấp cứu, trong đó có 1.385 bệnh nhân phải chuyển viện.
Đặc biệt, đối với công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19, sau 5 ngày nghỉ lễ, có 4.618 người bệnh tới khám Covid-19, trong đó có 2.477 ca phải nhập viện điều trị nội trú và có tới 17 bệnh nhân Covid-19 nặng tử vong.
Sở Y tế TP.HCM lên kế hoạch triển khai các giải pháp cụ thể trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, các bệnh viện chủ động rà soát nguồn lực khôi phục hoạt động của khoa/đơn vị Covid-19 trên nguyên tắc 4 tại chỗ. Dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị vật tư y tế phù hợp khi có thể xảy ra diễn biến phức tạp.
Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan trong bệnh viện. Tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao, toàn bộ người ra vào bệnh viện phải đeo khẩu trang.
Sở Y tế cũng cung cấp danh sách 10 chuyên gia Covid-19 để các bệnh viện liên hệ trong tình huống cần hỗ trợ chuyên môn. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ dễ mắc bệnh nặng khi nhiễm COVID-19 bao gồm:
- Người trên 50 tuổi
- Người có bệnh nền
- Phụ nữ có thai
- Người chưa tiêm đủ vắc-xin phòng COVID-19 ở người trên 18 tuổi
Trong đó, người có bệnh nền có nguy cơ cao theo danh mục của Bộ Y tế gồm:
1. Đái tháo đường
2. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác
3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác)
4. Bệnh thận mạn tính
5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu
6. Béo phì, thừa cân
7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim)
8. Bệnh lý mạch máu não
9. Hội chứng Down
10. HIV/AIDS
11. Bệnh lý thần kinh, bao gồm sa sút trí tuệ
12. Bệnh hồng cầu hình liềm
13. Bệnh hen suyễn
14. Tăng huyết áp
15. Thiếu hụt miễn dịch
16. Bệnh gan
17. Rối loạn sử dụng chất gây nghiện
18. Sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác
19. Các loại bệnh hệ thống
20. Các bệnh nền của trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và các bệnh dịch khác trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuân thủ nghiêm các biện pháp kiểm soát lây nhiễm COVID-19, các bệnh lây nhiễm khác tại Quyết định số 2355/QĐ-BYT ngày 30/8/2022 và các văn bản hiện hành, đặc biệt tuân thủ vệ sinh tay và sử dụng khẩu trang.
Trước diễn biến của dịch bệnh, ngành y tế các địa phương khuyến cáo tất cả công dân cần thực hiện 2K. Đồng thời ngành y tế đã chỉ đạo một số đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch tại các cơ sở giáo dục, các khu công nghiệp, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan.
Cùng với phòng dịch, các cơ sở khám chữa bệnh ở các địa phương cần tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc COVID-19, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi. Các cơ sở tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng phải thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.
Tại các trường học, nơi công cộng, nhân viên y tế cũng đã phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, nhà trường để thực hiện việc đeo khẩu trang và khử khuẩn. Ngành y tế nỗ lực triển khai các giải pháp nhưng người dân cũng cần chủ động phòng dịch và tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ, đó là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ >sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Đến nay, thực tế đã chứng minh, tác dụng bảo vệ của vaccine COVID-19 là rất tốt, nhất là đối với người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch.