Mới đây, Việt Nam đã ghi nhận 3 ca tử vong vì COVID-19, trong đó 2 ca bệnh đều có điểm chung đáng lo ngại.
Cụ thể, theo thông tin từ VietNamNet, 2 bệnh nhân tử vong liên quan Covid-19 sau 4 tháng đều chưa đến 60 tuổi, lại có bệnh nền nặng.
Thông tin từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ngày 27/4, những tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng trở lại, đã ghi nhận các ca tử vong sau gần 4 tháng không có trường hợp tử vong nào.
Hai trường hợp đều có bệnh lý nền nặng. Một người 47 tuổi, nữ, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Chị đã tiêm đủ mũi vắc xin, mũi cuối tiêm hồi tháng 11/2022. Cách đây 2 tháng, chị bị bệnh viêm phổi thùy, tràn dịch màng phổi.
Trường hợp còn lại là nam giới, 54 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), có loạt bệnh lý tim mạch như cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim, suy tim, rối loạn sinh tủy (một dạng bệnh lý tiền ung thư huyết học). Thông tin từ Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch do Bộ Y tế tổ chức chiều 26/4 cho thấy bệnh nhân này chưa tiêm vắc xin Covid-19.
Theo Bộ Y tế, mặc dù trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể so với một năm trước đây, tuy nhiên một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh. Số này bao gồm nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai. Do đó cần tập trung ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng này.
Các dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm... cũng có nguy cơ gia tăng số mắc dẫn đến gây nguy cơ dịch chống dịch.
Vì thế, để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát tình hình dịch, không để dịch bùng phát trở lại, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Bộ Y tế nhấn mạnh các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo nghị quyết số 38 ngày 17/3/2022 của Chính phủ và Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023.
Đồng thời, các đơn vị cần thúc đẩy tiêm vaccine phòng Covid-19 đạt mục tiêu đề ra, huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao.
Các địa phương cần chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Song song với đó, cần tổ chức đánh giá cấp độ dịch theo nghị quyết số 128 ngày 11/10/2021, quyết định 218 ngày 27/1/2022.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị...
Đồng thời, tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ >sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.