Hãng Bharat Biotech đang tập trung nghiên cứu, sản xuất một loại vaccine Covid-19 có thể nhỏ vào mũi, không phải tiêm vào máu nhằm tạo ra biện pháp ngăn chặn coronavirus trong đường thở.
Sức khỏe và Đời sống thông tin, không thể phủ nhận, các loại vaccine hiện có đang tạo ra khả năng miễn dịch mạnh mẽ, lâu dài chống lại bệnh tật nặng. Nhưng khả năng bảo vệ của chúng chống lại sự lây nhiễm từ coronavirus chỉ là thoáng qua và có thể bị chùn bước khi các biến thể mới xuất hiện.
Do đó, >vaccine nhỏ mũi đang được kì vọng là cách tốt để ngăn ngừa lâu dài. Theo nghiên cứu, loại vaccine này cung cấp sự bảo vệ chính xác để chống lại virus: lớp niêm mạc của đường thở - nơi coronavirus tiếp cận đầu tiên.
Ngoài ra, nếu tiêm chủng vaccine theo đường nhỏ mũi hoặc uống sẽ nhanh hơn là tiêm – vốn đòi hỏi kỹ năng và thời gian để thực hiện. Vaccine nhỏ qua đường mũi có thể giúp cho nhiều người (kể cả trẻ em) cảm thấy thoải mái hơn so với những mũi tiêm gây đau đớn, và tránh được tình trạng thiếu kim, ống tiêm và các vật liệu khác.
Chủ tịch, giám đốc điều hành của >Bharat Biotech (nơi nghiên cứu phát triển vaccine này) - Bà Krishna Ella - cho biết: "Có thể dễ dàng sử dụng vaccine nhỏ mũi trong các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt và giảm lây truyền bệnh".
Được biết, tháng 1 vừa qua, hãng này đã được chấp thuận để bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 của vaccine nhỏ mũi ở Ấn Độ như một liều thuốc tăng cường cho những người đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19.
Về nguyên tắc hoạt động, các loại vaccine Covid-19 hiện tại được tiêm vào cơ bắp và có tác dụng "đào tạo" các tế bào miễn dịch vượt trội để đối phó với virus sau khi nó xâm nhập vào cơ thể. Chúng tạo ra các kháng thể gọi là IgG lưu thông trong máu và có thể được tạo ra khi cần thiết. Nhưng một trong số những kháng thể này khi đi đến mũi và cổ họng đã nhanh chóng bị suy yếu.
Ngược lại, vaccine nhỏ mũi tạo ra một bộ kháng thể đặc biệt, được gọi là IgA, phát triển mạnh trên các bề mặt niêm mạc như mũi và cổ họng. Và những kháng thể này có thể mất đi chậm hơn. Vaccine được cung cấp cùng với máy phun sương có thể bao phủ toàn bộ đường thở, bao gồm cả phổi, bằng các kháng thể IgA.
Vaccine nhỏ mũi đã được chứng minh là bảo vệ được chuột, chồn, chuột đồng và khỉ chống lại coronavirus. Đó là lý do vì sao nhà miễn dịch học Jennifer Gommerman tại Đại học Toronto (Canada), cho biết vaccine nhỏ mũi có thể là "cách duy nhất để thực sự ngăn ngừa sự lây truyền từ người sang người".
Tuy nhiên, việc phát triển vaccine nhỏ mũi rất phức tạp. Bởi việc đo kháng thể trong niêm mạc khó hơn nhiều so với định lượng kháng thể trong máu. Cụ thể, chỉ cần mùi thơm của một bữa ăn ngon có thể tăng lượng nước bọt có trong miệng, gây loãng nồng độ kháng thể của niêm mạc. Dù vậy, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực phát triển loại vaccine nhỏ mũi vì những ích lợi mà chúng hứa hẹn mang lại.