Phương pháp phổ biến nhất hiện nay để dùng điều trị căn bệnh bạch cầu là cấy ghép tế bào gốc, tuy nhiên phương pháp này được đánh giá là gặp nhiều rủi ro. Mới đây, các nhà nghiên cứu Đại học Washington đã phát triển một kỹ thuật giúp cho quá trình điều trị an toàn hơn.
Theo Sức khỏe và Đời sống, giống như căn bệnh ung thư máu, >bệnh bạch cầu thường được bắt đầu trong tủy xương, nơi các >tế bào máu được sản xuất bởi các tế bào gốc. Để điều trị bệnh bạch cầu, người ta thường chọn phương pháp cấy ghép tế bào gốc tạo máu, tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm là dễ gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng cho người điều trị
Bệnh bạch cầu thường được bắt đầu ở tủy xương, nơi các tế bào máu được sản xuất bởi các tế bào gốc (Hình minh họa)
Để chuẩn bị cho cơ thể nhận các tế bào gốc được cấy ghép, trước tiên bệnh nhân cần được xạ trị hoặc hóa trị. Phương pháp này sẽ tiêu diệt tế bào gốc của chính họ, đồng nghĩa tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại và làm suy yếu hệ thống miễn dịch để ngăn chặn sự đào thải. Điều đó làm tăng cơ hội giữ các tế bào gốc mới nhưng cũng khiến bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng cao hoặc một tình trạng nguy hiểm được gọi là bệnh ghép đối với vật chủ, nơi các tế bào miễn dịch từ mô được cấy ghép tấn công các tế bào của chính bệnh nhân.
Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu và được thực hiện trên chuột để nhắm mục tiêu chính xác hơn vào các tế bào gốc bị lỗi của bệnh nhân bị bệnh bạch cầu, từ đó loại bỏ nhu cầu xạ trị hoặc hóa trị. Thử nghiệm trên mô hình chuột mắc bệnh bạch cầu, kỹ thuật này cho kết quả thành công.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã nghiên cứu để phát triển một kỹ thuật không cần xạ trị hoặc hóa trị. Thay vào đó, các tế bào gốc trong tủy xương được nhắm mục tiêu để phá hủy chính xác hơn bằng việc sử dụng các phân tử được gọi là liên hợp kháng thể - thuốc (ADC).
Theo đó, các chất này liên kết với các protein trên bề mặt tế bào gốc máu, giúp chúng không gây hại cho các tế bào khác. Sau khi đạt được mục tiêu, các ADC sẽ giải phóng một loại thuốc gọi là saporin để tiêu diệt các tế bào gốc.
Sau khi tế bào gốc của người hiến tặng được cấy ghép, bệnh nhân điều trị vẫn phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn chặn sự đào thải của cơ thể. Trong trường hợp này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một loại thuốc gọi là baricitinib, hiện được dùng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.
Thử nghiệm trên mô hình chuột mắc bệnh bạch cầu, kỹ thuật này đã cho kết quả cấy ghép tế bào gốc thành công. Sự kết hợp của ADC với baricitinib đã ngăn chặn các tế bào miễn dịch của động vật thử nghiệm tấn công các tế bào gốc mới và chúng không phát triển bệnh ghép vật chủ vì các chất ức chế miễn dịch đã ngăn chặn nó.
Qua đó, những con chuột được điều trị cũng duy trì số lượng tế bào máu bình thường trong suốt quá trình điều trị, loại bỏ tác dụng phụ phổ biến khác của các phương pháp cấy ghép hiện có.
Các nhà khoa học cũng cho biết, điểm khác biệt chính là bức xạ hoặc hóa trị sẽ giết chết tất cả các tế bào gốc cùng một lúc, trong khi kỹ thuật mới thay thế chúng chậm hơn.
Và điều quan trọng nhất là, điều trị chậm hơn có nghĩa là các chất ức chế miễn dịch có thể giảm dần theo thời gian và không cần thiết sau khi tế bào gốc của người hiến đã thay thế hoàn toàn tế bào gốc của người bệnh.