Cũng giống như các thủ tục cấy ghép khác, cấy ghép giác mạc vẫn tồn tại nhiều nguy cơ bị đào thải và nhiễm trùng. Tuy nhiên, điều này có thể được ngăn ngừa với sự xuất hiện của công nghệ nano.
Theo Sức khỏe và Đời sống, trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều lý do và nguyên nhân ảnh hưởng tới >giác mạc và gây ra các tình trạng như loạn dưỡng giác mạc, sẹo và cấu trúc bất thường của giác mạc khiến cho >mắt bị giảm thị lực, kèm nhiều triệu chứng nguy hiểm khác... Trong nhiều trường hợp, cách tốt nhất để chữa trị là cần tiến hành >cấy ghép giác mạc.
Mới đây, trên tạp chí JAMA Ophthalmology các nhà khoa học đã sử dụng một phân tử chống viêm là celastrol kết hợp với các hạt nano tích điện dương để khuyến khích sự sống sót của giác mạc được cấy ghép.
Thí nghiệm được thực hiện trên loài động vật là chuột được cấy ghép giác mạc và được chia thành hai nhóm: Một nhóm đối chứng và một nhóm điều trị. Nhóm điều trị được nhỏ thuốc nanomedicine tích cực có chứa celastrol (CPNM). Các giác mạc ghép được đánh giá trong 40 ngày sau khi cấy ghép.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, không giống như nhóm đối chứng (có sự từ chối mạnh mẽ các mảnh ghép), thì các mảnh ghép trong nhóm điều trị sống sót đến 40 ngày. Như vậy cho thấy, nanomedicine có tác động tích cực tăng cường các đặc tính chống viêm của celastrol thông qua nhiều cơ chế, bao gồm tăng khả năng lưu trú của thuốc và tính thấm của thuốc.
Mặc dù mới được chứng minh trên các mô hình động vật, nhưng kết quả này được đánh giá là một giải pháp thay thế tiềm năng cho việc nhỏ thuốc vào mắt ngày nay.
Rộng hơn, nghiên cứu này cũng cho thấy rằng nanomedicine có thể được sử dụng để tăng cường tác dụng của thuốc chống viêm bằng cách tận dụng các đặc tính vật lý và cho phép chúng vượt qua các rào cản đối với sự xâm nhập và hòa tan của thuốc.
Trong tương lai, trọng tâm là làm thế nào để công nghệ này có thể được điều chỉnh giảm sự đào thải qua trung gian miễn dịch trong các loại cấy ghép khác.