Các nhà khoa học đã có bước thử nghiệm vượt trội để tạo ra các cơ quan nội tạng có thể cấy ghép vào bất kỳ bệnh nhân nào mà không phân biệt nhóm máu. Cụ thể, các nhà khoa học đã lần đầu tiên thay đổi nhóm máu A của phổi người sang nhóm máu O.
Tiến sĩ Marcelo Cypel - bác sĩ >phẫu thuật ghép phổi tại Trung tâm ghép tạng Ajmera ở Canada cho biết, ông thường đối mặt với những bệnh nhân lâm vào nguy kịch nhưng không nhận được những lá phổi phù hợp. Nguyên nhân chính là do cơ quan nội tạng này không cùng nhóm máu với bệnh nhân. Hơn thế, Cơ quan Quản lý tài nguyên và dịch vụ y tế Mỹ báo cáo rằng trung bình có 17 người chết mỗi ngày trong khi chờ được cấy ghép nội tạng cũng do cùng nguyên nhân.
Năm 2019, các nhà nghiên cứu do nhà hóa sinh học Stephen Withers dẫn đầu đã dùng một loại enzyme để loại bỏ các kháng nguyên, hoặc các phân tử đường đặc trưng khỏi nhóm máu A. Điều đó có hiệu quả biến máu A thành máu O. Tiến sĩ Cypel cùng nhóm nghiên cứu của ông Withers thiết kế một thí nghiệm để kiểm tra xem liệu enzyme này có thể hoạt động tương tự đối với các cơ quan nội tạng hay không.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn được một số nhà khoa học đặt ra: sau khi được cấy ghép, các cơ quan nội tạng đã được chuyển đổi nhóm máu có bất ngờ trở lại nhóm máu ban đầu không. Nếu có, lúc này cơ thể bệnh nhân có thể từ chối nội tạng đã được cấy ghép. Nếu không có nội tạng khác thay thế ngay, họ có thể chết.
Vì thế, tiến sĩ Alyssa Burgart - nhà gây mê cấy ghép và nhà sinh lý học tại Đại học Stanford (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu, nói với tạp chí Insider rằng “Các nhà khoa học cần phải thử nghiệm cấy ghép cơ quan nội tạng đã được thay nhóm máu trên động vật trước khi cấy ghép cho con người”.
Tiến sĩ Cypel cho rằng nhóm của ông có thể bắt đầu cấy ghép các cơ quan nội tạng đã chuyển đổi từ nhóm máu A sang >nhóm máu O vào cơ thể bệnh nhân trong khoảng một năm nữa nếu các nghiên cứu trên chuột diễn ra tốt đẹp.
Tuổi Trẻ đưa tin, tại Trung tâm ghép tạng Ajmera của Mạng lưới y tế Đại học Toronto (Canada) - nơi tiến sĩ Cypel là giám đốc phẫu thuật, nhóm nghiên cứu đã lấy 3 cặp phổi từ những người hiến tặng đã qua đời, tổng cộng là 6 lá phổi. Các nhà khoa học đã bơm rửa ba lá phổi bằng enzyme và sử dụng một máy bơm chất lỏng qua các lá phổi để duy trì trạng thái hoạt động của chúng.
Tạp chí Science Translational Medicine đã công bố phát hiện của nhóm nghiên cứu. Mỗi cặp phổi của người hiến tặng có một lá phổi được điều trị bằng enzyme và một lá phổi không được điều trị. Sau 4 giờ, enzyme đã quét được 97% kháng nguyên A trong các mạch máu của phổi được điều trị.