“Mở vết thương ra, bác sĩ hỏi sao lại để nặng như thế này, nó chuyển thành hoại tử mất rồi”, Linh Na nhớ lại thời khắc đen tối nhất trong sự nghiệp của mình.

My My (t/h) 10:12 19/08/2022

“Mở vết thương ra, bác sĩ hỏi sao lại để nặng như thế này, nó chuyển thành hoại tử mất rồi”, Linh Na nhớ lại thời khắc đen tối nhất trong sự nghiệp của mình.

Vượt qua nỗi đau hoại tử chân, cô gái Mường "thèm thoát nghèo" xô đổ kỷ lục gần 20 năm. Ảnh: Tổ quốc

"Cuối năm 2020, em phải mổ do bị hoại tử nửa cơ đùi sau. Phẫu thuật chưa bao lâu, em ngứa chân ngứa tay nên đi lại một chút. Miệng vết thương bung ra, nhìn rõ chân mình bị khoét mất một lỗ. Lúc đấy em nghĩ chắc nghiệp thể thao của mình sẽ phải dừng ở đây", nhà vô địch 7 môn phối hợp ở> SEA Games 31 >Nguyễn Linh Na nhớ lại quãng thời gian đen tối nhất trong sự nghiệp.

Nhà vô địch 7 môn phối hợp ở SEA Games 31 Nguyễn Linh Na. Ảnh: Tổ quốc

7 môn phối hợp là một trong những nội dung thi đấu khắc nghiệt nhất của điền kinh. Trong vòng 2 ngày, các nữ VĐV sẽ phải tranh tài ở 7 nội dung, gồm: chạy 100m rào, nhảy cao, đẩy tạ, chạy 200m, nhảy xa, ném lao và chạy 800m. Thành tích từng môn sẽ được quy đổi ra điểm, tính tổng để xếp hạng chung cuộc.

Cần biết rằng khi Linh Na tham dự SEA Games 31, không nhiều người nghĩ VĐV này có thể giành được huy chương vàng, dù cô đã liên tục vô địch quốc gia từ năm 2017 tới 2021. Ở giải VĐQG năm 2021, Linh Na đạt 5.096 điểm. Tới SEA Games, ban huấn luyện đặt chỉ tiêu 5.200 điểm cho học trò và kỳ vọng Linh Na có thể chạm tay vào tấm huy chương bạc.

Ấy vậy mà ngay trong lần đầu dự SEA Games, nữ VĐV cách đó không lâu còn phải vật lộn trên giường bệnh với chấn thương hoại tử cơ đùi đã khiến tất cả phải ngỡ ngàng. Không chỉ mang về huy chương vàng, cô gái người Mường còn phá luôn kỷ lục quốc gia đã tồn tại suốt 17 năm.

"Bước vào nội dung thi đầu tiên (chạy 100m rào - PV), em cảm thấy rất run bởi ít khi được thi đấu giải quốc tế. Lúc vào xuất phát, cảm giác tay em muốn khuỵu xuống, không chống nổi bàn đạp", Linh Na kể.

Nhưng rồi vượt qua những áp lực tâm lý ban đầu, nữ VĐV sinh năm 1997 càng thi đấu càng cho thấy sự ổn định. Linh Na không chơi xuất sắc ở tất cả các môn, nhưng nội dung nào cô cũng hoàn thành từ mức khá trở lên. Và chính sự đồng đều này đã giúp Na chiếm được lợi thế.

"Thi xong nội dung thứ sáu (ném lao), trong đầu em bắt đầu lóe lên suy nghĩ về tấm huy chương vàng. Em cảm thấy rất tự tin, cảm giác như mình chắc chắn có thể chạm được vào nó. Cộng thêm sự cổ vũ từ khán giả trên sân Mỹ Đình giúp em càng thi đấu càng tự tin", nữ VĐV quê Hòa Bình nhớ lại.

Tới nội dung cuối cùng là chạy 800m, Linh Na về đích ở vị trí thứ 4. Nhìn thông số của học trò, các thành viên ban huấn luyện tuyển điền kinh Việt Nam vội lôi điện thoại và sổ tay ra tính toán. Sau vài giây, một tiếng hô bỗng vang lên: "Phá kỷ lục rồi!". Tất cả như vỡ òa trong sung sướng!

Từ một VĐV ít ai biết đến, thậm chí không nằm trong số những kỳ vọng giành huy chương vàng SEA Games, Linh Na bỗng vụt sáng và khiến tất cả phải nhắc đến tên mình.

Cô gái người Mường giành được 5.415 điểm, đoạt huy chương vàng. Ngay lần đầu dự SEA Games. Ảnh: Tổ quốc

Cô gái người Mường giành được 5.415 điểm, đoạt huy chương vàng. Ngay lần đầu dự SEA Games, Linh Na đã thắng những VĐV giỏi nhất Đông Nam Á. VĐV Noveno của Philippines, người từng giành HCV SEA Games 30, năm nay chỉ đoạt huy chương bạc với 5.381 điểm. Còn VĐV Malaysia giành huy chương đồng với 5.262 điểm.

Thành tích nói trên cũng giúp Linh Na phá sâu kỷ lục quốc gia (5.350 điểm) do vận động viên Nguyễn Thị Thu Cúc (Cần Thơ) lập nên tại SEA Games 23. Sau 17 năm, điền kinh Việt Nam mới lại có một VĐV giành được ngôi vị số một ở nội dung này.

"Thành tích đó cũng thực sự quá ngưỡng của em rồi. Về đến đích, em khóc không được, mà cười cũng không nổi. Lúc đấy em biết chắc chắn mình giành được huy chương vàng rồi, tuy nhiên không biết phải diễn tả cảm xúc ra sao nữa bởi vì vẫn còn thấy bất ngờ với những gì mình làm được. Người mình lúc đấy vừa vui vừa mệt nên cảm giác vô cùng lẫn lộn (cười)", Linh Na hồi tưởng.

Trong khi đó, HLV Vũ Văn Huyện bày tỏ sự nể phục với nỗ lực của cô học trò. Nhà vô địch 4 kỳ SEA Games liên tiếp (từ SEA Games 23 tới SEA Games 26) chia sẻ:

"Tôi nhìn Na thi đấu mà hồi hộp và run còn hơn lúc tôi thi đấu ngày xưa. Lo lắng kinh khủng. Nhưng Na giỏi, thật sự giỏi. Tôi thấy Na có năng lực phi phàm. Nội dung nào Na cũng thực hiện trơn tru, không mắc lỗi. Có nội dung xuất sắc, có nội dung khá nhưng không nội dung nào bị kém cả.

Na bị chấn thương cơ đùi sau nhưng chưa bao giờ muốn bỏ cuộc. Bạn ấy bước vào thi đấu mà thể lực mới chỉ 70%, nhưng sự nỗ lực của Na quá tuyệt vời".

 

Na bị chấn thương cơ đùi sau nhưng chưa bao giờ muốn bỏ cuộc, cố gắng vì ước mơ giúp gia đình thoát nghèo. Ảnh: Tổ quốc

Ngay sau khi biết tin mình giành huy chương vàng SEA Games, cầm trên tay lá cờ Tổ quốc, Linh Na lao lên khán đài để chia vui với bố mẹ. Lặn lội từ Hòa Bình xuống Hà Nội để cổ vũ cho con gái, cả gia đình như vỡ òa với những gì Linh Na làm được. Những giọt nước mắt hạnh phúc cứ thế tuôn rơi.

"Linh Na xa nhà đi tập luyện và thi đấu từ năm lớp 8. Tôi và gia đình rất nhớ con nhưng cũng mong con có thể thi đấu thành công, trở thành người có ích cho đất nước. Hôm nay, Na đoạt huy chương vàng, thật sự tôi rất hạnh phúc", bà Nguyễn Thị Thủy, mẹ VĐV Nguyễn Linh Na, xúc động chia sẻ ngay tại sân Mỹ Đình.

Hồi tưởng lại hành trình của mình, cô gái dân tộc Mường cho biết mình đi theo điền kinh với một mục đích rất đơn giản: giúp gia đình thoát nghèo.

Nguyễn Linh Na tâm sự. Ảnh: Tổ quốc

"Em theo thể thao được 10 năm rồi. 2 năm đầu em chỉ tập các môn đơn thôi. Tuy nhiên do đi thi không đạt kết quả tốt nên các thầy quyết định hướng cho em theo 7 môn phối hợp. Kể từ đó em bắt đầu có huy chương. Nếu chuyển hướng mà không có thành tích, chắc em nghỉ thể thao lâu rồi.

Em tập 7 môn phối hợp đến nay đã là năm thứ 8. Những ngày đầu thực sự rất mệt và em đã muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi em đã hứa với các thầy rằng mình sẽ cố gắng quyết tâm.

Nhà em ở vùng cao, có 4 chị em gái, nghèo lắm. Bố mẹ nuôi bọn em rất vất vả. Ở vùng cao biết làm gì để ra tiền được. Gia đình khi ấy phải đi vay ngân hàng để đóng tiền học cho các chị. Còn em đi học về lại đi lấy củi, chăn trâu, hái rau lợn… Nhiều việc lắm. Nhưng cũng nhờ thế mà mình rèn luyện được sự kiên trì, chịu đựng khó khăn.

Về sau em cố gắng để đi thi đấu đạt được thành tích, tích góp hỗ trợ bố mẹ, và cũng là để gia đình có thể tự hào về em", Linh Na trải lòng.

Đã có lúc Linh Na nghĩ rằng mình sẽ phải bỏ cuộc. Ảnh: Tổ quốc

Tuy vậy, đã có lúc Linh Na nghĩ rằng mình sẽ phải bỏ cuộc. Đó là thời điểm chấn thương quái ác ập đến, khiến cô phải lên bàn mổ. Nằm trên giường bệnh, suy nghĩ về việc phải nghỉ thi đấu cứ bám lấy Linh Na.

Nhưng rồi nhờ sự động viên của gia đình, cũng như sự kèm cặp tỉ mỉ của các HLV, Linh Na đã trở lại một cách vô cùng mạnh mẽ.

"Trước khi giải VĐQG 2020 diễn ra, em bị một nốt nhỏ xíu trên đùi, có lẽ là viêm chân lông. Nhưng rồi vết đấy cứ sưng dần lên. Trước khi thi đấu 3, 4 ngày, em cảm thấy vết sưng lớn dần lên, căng ra và khiến em đi lại cũng thấy đau. Nhưng vì sắp thi đấu rồi nên em cũng không dám điều trị thuốc gì cả, cứ băng lại và cố hoàn thành xong nội dung thi trước đã.

Tới hôm thi đấu xong, vết thương ấy vỡ ra. Em sốt cao và phải nhập viện luôn. Nhưng khi tới bệnh viện tỉnh Hòa Bình, bác sĩ bảo nặng quá không xử lý được. Em được chuyển ra bệnh viện 108", Linh Na nhớ lại.

Nhờ sự động viên của gia đình, cũng như sự kèm cặp tỉ mỉ của các HLV, Linh Na đã trở lại một cách vô cùng mạnh mẽ. Ảnh: Tổ quốc

Nữ VĐV này kể tiếp: "Mở vết thương ra, bác sĩ hỏi sao lại để nặng như thế này, nó chuyển thành hoại tử mất rồi. Em phải mổ, moi ra cả một cục thịt bị hoại tử đó, rồi phải để vết thương hở khoảng 1 tuần để vệ sinh. Mỗi lần vệ sinh đều phải "lau sống" (không có thuốc tê - PV). Đau lắm, nhưng nghĩ lại thấy em chịu đau cũng giỏi đó chứ (cười).

Bác sĩ bảo để thêm vài ngày thì vết thương còn nặng nữa. Bên chân trái của em giờ chỗ đùi đấy không còn cơ nữa. Dùng tay ấn sẽ lõm sâu vào bên trong. Để vết lõm này đầy lại được chắc sẽ mất tầm vài năm nữa.

Lúc ấy em đã nghĩ sự nghiệp của mình chắc phải dừng ở đây luôn. Nhưng rồi gia đình, bố mẹ, những người thầy và bạn bè đã động viên em rất nhiều. Mọi người nhắc đến SEA Games, và thực sự đó cũng là ước mơ bởi em chưa một lần được tham dự đại hội này".

Dần hồi phục sau ca phẫu thuật, Linh Na được triệu tập vào đội tuyển quốc gia. Và ở đó, dưới sự chỉ bảo của HLV Vũ Văn Huyện (huyền thoại 10 môn phối hợp của điền kinh Việt Nam), cô gái quê Hòa Bình đã có những bước tiến mạnh mẽ để tiến gần hơn tới giấc mơ SEA Games.

"Linh Na bị chấn thương hoại tử đùi sau, chững lại mất khoảng 6 tháng. Đó là quãng thời bạn ấy nản và cũng có ý định xin nghỉ. Tuy nhiên lãnh đạo động viên Linh Na cố gắng, đồng thời xây dựng chương trình tập luyện phù hợp để bạn ấy vừa chữa trị vừa hồi phục", HLV Vũ Văn Huyện nhớ lại.

Cô gái quê Hòa Bình đã có những bước tiến mạnh mẽ để tiến gần hơn tới giấc mơ SEA Games. Ảnh: Tổ quốc

Nói về người thầy, đồng thời cũng là thần tượng của mình kể từ khi chọn nội dung 7 môn phối hợp, Linh Na bày tỏ:

"HLV Vũ Văn Huyện đã giúp đỡ em rất nhiều. Thầy chia sẻ rất nhiều về cách tập luyện, phân phối sức, điều chỉnh tâm lý để hoàn thành được nhiều nội dung. Thầy Huyện luôn cố gắng truyền cảm hứng, lan tỏa năng lượng cho học trò.

Các bài tập do thầy đặt ra được thay đổi liên tục, không bị nhàm chán hay dập khuôn. Thầy luôn thay đổi liên tục giáo án để em có thể cải thiện được những thiếu sót của mình.

Còn về kỹ thuật thì không còn gì để nói nữa rồi. Em nghĩ nếu không được lên tuyển để tập cùng thầy Huyện thì mình cũng không thể phát triển được như bây giờ".

Linh Na tiếp tục bước vào guồng quay chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc diễn ra vào cuối năm nay. Ảnh: Tổ quốc

Sau kỳ SEA Games thành công, Linh Na tiếp tục bước vào guồng quay chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc diễn ra vào cuối năm nay, và xa hơn là SEA Games 32 tại Campuchia vào tháng 5/2023.

Tuy nhiên khi được hỏi về tiềm năng của Linh Na, HLV Vũ Văn Huyện tin rằng học trò của mình có thể nghĩ tới mục tiêu ở cấp châu lục:

"Tôi đánh giá Linh Na có khả năng tranh chấp được huy chương đồng ASIAD nếu như tích cực và tiếp tục cải thiện thành tích của mình.

Còn với SEA Games, khoảng cách giữa Linh Na với hai VĐV xếp sau vừa rồi chỉ là vài chục điểm thôi. Bởi thế, cơ hội giành huy chương vàng ở SEA Games 32 có lẽ là 50/50. Tuy nhiên Linh Na có lợi thế về tuổi tác so với đối thủ. VĐV của mình sinh năm 1997, còn các bạn kia sinh năm 1991 và 1994, đều lớn tuổi hơn".

HLV Vũ Văn Huyện tin rằng học trò của mình có thể nghĩ tới mục tiêu ở cấp châu lục. Ảnh: Tổ quốc

Về phía Linh Na, mục tiêu trước mắt của cô trung úy 25 tuổi là mang về huy chương vàng cho đoàn Quân đội, đồng thời tiếp cận kỷ lục Đại hội do đàn chị Nguyễn Thị Thu Cúc đang nắm giữ (5.277 điểm). Và để làm được điều đó, Linh Na sẽ không để chiến thắng ở SEA Games khiến đôi chân mình rời khỏi mặt đất.

"Em vẫn cần phải cải thiện thêm rất nhiều. Như ở SEA Games vừa rồi, đẩy tạ và ném lao là hai môn thi em khá hài lòng. Tuy vậy, môn nhảy xa em làm chưa thực sự tốt. Đặc biệt chạy vượt rào tưởng như là sở trường nhưng lại trở thành môn thi khiến em không thực sự hài lòng. Đó sẽ là những điều khiến em cần rèn luyện và cố gắng hơn rất nhiều.

Với SEA Games, tâm lý em thoải mái hơn vì đó là lần đầu mình tham dự, chưa có áp lực gì. Còn Đại hội thể thao toàn quốc, bây giờ đang có nhiều VĐV trẻ đang có chỉ số tốt, thành ra mình sẽ phải cố gắng rất nhiều để duy trì được vị thế trong những năm tới", Linh Na kết lại.

 VĐV trẻ đang có chỉ số tốt, thành ra mình sẽ phải cố gắng rất nhiều để duy trì được vị thế trong những năm tới. Ảnh: Tổ quốc

 

Theo Linh Đan, Như Đạt/Tổ quốc