Trong căn nhà 1 tầng 3 gian giản dị đã treo kín các bằng khen, giấy khen của VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh, nhưng theo bố mẹ Oanh “không treo được hết, còn một sấp bằng khen và huy chương trong tủ nữa”.
Những ngày qua, Nguyễn Thị Oanh trở thành cái tên được tìm kiếm nhiều nhất của đoàn thể thao Việt Nam, bởi cách cô gái nhỏ này vượt "chướng ngại vật" thật khó tin và đáng khâm phục.
Cụ thể, Oanh đã giành được 2 HCV ở nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật với thời gian chỉ cách nhau… 20 phút. Tình yêu và quyết tâm "cháy" hết mình cho Tổ Quốc đã khiến cô gái này biến những điều tưởng không thể trở nên phi thường.
Theo lịch ban đầu, Nguyễn Thị Oanh sẽ thi đấu nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật lúc 17 giờ 50 chiều ngày 9/5, nội dung 1.500 m thi đấu ngày 11/5, lúc 16 giờ 50 phút. Tuy nhiên, sáng 9/5, Ban Tổ chức đã bất ngờ đổi lịch, thông báo nội dung 1.500m nữ sẽ được đẩy lên thi đấu vào lúc 17 giờ 30 phút chiều cùng ngày, thay vì ngày 11/5 như lịch ban đầu.
Như vậy, Nguyễn Thị Oanh sẽ phải thi hai nội dung căng thẳng và tốn sức với thời gian chỉ cách nhau vỏn vẹn… 20 phút. Cô phải đấu 1.500m lúc 17 giờ 30 phút, và sau đó lúc 17 giờ 50 phút sẽ bước vào nội dung khó khăn hơn là 3.000m chướng ngại vật.
Đây là 2 nội dung cô từng đoạt HCV ở SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam năm 2022. Trước đó, vào chiều tối 8/5, cô xuất sắc giành HCV nội dung chạy 5.000m, thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức không nhiều.
Đây thực sự là trở ngại, khó khăn rất lớn cho mục tiêu bảo vệ HCV của Nguyễn Thị Oanh bởi với thời gian thi đấu 2 nội dung gần nhau, VĐV thi đấu dễ bị rơi vào trạng thái kiệt sức.
Hậu phương của “Cô gái không phổi” điền kinh Nguyễn Thị Oanh.
Hậu phương vững chắc của VĐV Nguyễn Thị Oanh: "Chúng tôi phấn khởi và tự hào, song cũng thương con"
Sau những kỳ tích mà "cô gái không phổi" điền kinh Nguyễn Thị Oanh giành được, chúng tôi đã tìm về xã Mỹ Hà (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) để được trò chuyện với hậu phương vững chắc của Oanh. Từ xa, chỉ cần hỏi về nhà vận động viên (VĐV) Nguyễn Thị Oanh, người dân nơi đây ai cũng biết và nhiệt tình chỉ dẫn.
Con đường dẫn vào nhà VĐV Nguyễn Thị Oanh ngoằn ngoèo, có phần khó đi. Bố mẹ và Oanh đang sống trong căn nhà cấp 4 đã cũ, rộng khoảng 40m2. Thời điểm chúng tôi đến thăm, gia đình và người thân đang dùng bữa cơm tối. Thấy chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chuyền (67 tuổi, bố của VĐV Oanh) vui vẻ mời vào dùng bữa.
Bước vào nhà, ai nấy đều đặc biệt ấn tượng bởi không gian đơn sơ, giản dị, ấm cúng cùng những tấm huy chương và bằng khen của Oanh treo kín các bức tường.
Trong cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Văn Chuyền (67 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hưởng (68 tuổi), bố mẹ của vận động viên Nguyễn Thị Oanh cho biết, vợ chồng ông sinh được 8 người con (7 con gái, 1 con trai), Oanh là người con thứ 7. Sáu chị gái của Oanh đã đi lấy chồng, người em trai đang làm cơ khí ở Hà Nội. Vợ chồng ông làm nghề nông, hiện kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nông nghiệp.
Những ngày vừa qua, 2 vợ chồng vô cùng xúc động khi được người dân địa phương liên tục chúc mừng và động viên về nỗ lực cũng như thành công của con gái. "Chúng tôi phấn khởi và tự hào, song cũng thương con. Khi con đạt được thành tích bằng sự nỗ lực như vậy, người dân địa phương ai nấy cũng mừng, chúng tôi đi đến đâu cũng được hỏi han: "Làm sao mà Oanh có thể làm được điều phi thường như vậy". Chúc mừng con gái yêu, điều này thật tuyệt vời!", bố mẹ Oanh chia sẻ.
Nhớ lại ngày con gái giành được thành tích đặc biệt, ông Chuyền cho biết chỉ đến khi nhìn thấy con gái khoẻ mạnh, ăn mừng chiến thắng thông qua màn hình ti vi, vợ chồng ông mới thở phào nhẹ nhõm. "Ngày 9/5, vợ chồng tôi xem Oanh thi đấu tại >SEA Games 32 và rất hồi hộp cũng như lo lắng cho >sức khỏe của con vì hai nội dung thi đấu rất sát thời gian. Khi con về nhất an toàn và đoạt huy chương vàng ở cả hai nội dung thi đấu, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Thấy con khỏe là chúng tôi vui rồi", ông nói.
Trong suốt quá trình con gái đi thi đấu, do lo lắng sẽ làm ảnh hưởng đến lịch thi đấu hoặc tập luyện của con nên ông bà Chuyền không dám gọi điện cho con nhiều. Chỉ có ngày lên đường sang Campuchia thi đấu SEA Games 32, Oanh mới tranh thủ gọi điện về nhà. Lúc này, ông Chuyền chỉ dặn con gái đúng một điều: "Con hãy giữ gìn sức khỏe và cố gắng. Nếu không đạt được thành tích như mong đợi, cũng không sao". Chính câu nói đó đã tạo tâm lý thoải mái, góp phần hun đúc một Nguyễn Thị Oanh bản lĩnh và kiên cường của hôm nay.
"Hôm trước, sau khi về nhất nội dung 5.000m với tấm huy chương vàng đầu tiên tại SEA Games 32, Oanh cũng vội gọi về chia sẻ niềm vui với bố mẹ. Tôi vô cùng hạnh phúc, còn bà nhà tôi cứ rơm rớm nước mắt, dặn con giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị tốt cho những ngày thi tiếp theo."
Ngày 12/5, "cô gái không phổi" Nguyễn Thị Oanh sẽ bước vào thi đấu chung kết nội dung điền kinh 10.000 mét. Ông Chuyền chờ đợi giây phút nghỉ ngơi của con gái, 21 giờ tối, ông gọi điện nghẹn ngào động viên: "Cạnh con lúc nào cũng có bố mẹ, gia đình, người thân. Cố gắng con nhé!..."
Đáp lại lời động viên của bố, Nguyễn Thị Oanh giọng xúc động trả lời: "Hôm nay con nghỉ ngơi để tập trung cho buổi thi đấu, ngày mai sau khi hoàn thành con sẽ gọi về. Con yêu bố mẹ…."
Câu chuyện "cổ tích" mang tên Nguyễn Thị Oanh
Nguyễn Thị Oanh quê Bắc Giang, mảnh đất nổi tiếng sản sinh ra nhiều VĐV trụ cột của các môn điền kinh, cầu lông, đá cầu. Thời học sinh, cô giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, dành phần lớn thời gian cho học hành và phụ giúp bố mẹ việc nhà.
Bà Hưởng chia sẻ, từ ngày còn học tiểu học, Oanh đã yêu thích điền kinh. Các thầy giáo dạy thể dục là những người sớm phát hiện ra khả năng chạy của Oanh. Ngày còn nhỏ, Oanh và các anh chị thường thức dậy từ sớm chạy bộ đường làng.
Khi 9 tuổi, ngay từ lần đầu chứng kiến một cuộc thi điền kinh đúng nghĩa, cô học sinh tiểu học lập tức dán mắt vào những bước chạy của người chị ruột trên đường đua. Từ đó, tại quê hương Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, cô học sinh lớp 4 lúc này đã nung nấu tinh thần sẽ trở thành vận động viên điền kinh.
Thầy cô ở trường tạo điều kiện cho Oanh tham dự các giải điền kinh cấp huyện, tỉnh và giành những tấm huy chương đầu đời. Cô nhanh chóng bộc lộ tố chất của một vận động viên triển vọng. Oanh chỉ cao khoảng 1m50 và nặng chưa tới 40kg, tuy nhiên cô gái lại nhanh hơn và mạnh hơn đối thủ cùng tuổi dù thua về ngoại hình. Từ đó, Oanh đã lọt vào mắt xanh của những tuyển trạch viên đoàn thể thao Bắc Giang.
Năm 15 tuổi, Nguyễn Thị Oanh xuống Trường năng khiếu thể dục thể thao Bắc Giang để theo đuổi con đường trở thành vận động viên chuyên nghiệp.
Kể về giai đoạn này, mẹ của Oanh cho biết: "Những tuần xa nhà, Oanh nhiều lần bật khóc và đòi về. Tuy nhiên, nhiều lần bố mẹ xuống thăm và động viên, Oanh lại đổi ý ở lại." Bằng ý chí kiên cường và sự động viên từ hậu phương, khi những người được triệu tập cùng đợt với cô dần bỏ cuộc, "cô bé hạt tiêu" vẫn quyết tâm trụ lại, tạo được nhiều thành tích đáng nể.
Hai năm sau, cô được gọi lên đội tuyển Quốc gia dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Văn Sỹ.
Nhớ lại ngày Oanh kiên định với giấc mơ thể thao chuyên nghiệp, bà Hưởng không phản đối, chỉ khuyên nhủ con "con đường này vất vả, tuổi đời vận động viên thường ngắn ngủi".
"Khi được đề cập đến lựa chọn tương lai của con, tôi từng hy vọng con gái vào Đại học, sau làm nghề bác sĩ hoặc giáo viên. Nhưng, tất cả nỗi niềm đó không thể chiến thắng được niềm đam mê mãnh liệt của con. Oanh dõng dạc nói "con thích chạy", câu nói này đã hoàn toàn chinh phục tôi. Từ đó, tôi để con gái thoải mái tự chạy trên đường đua sự nghiệp lẫn cuộc đời mình", bà Hưởng nói.
Những tưởng thành công từ đây sẽ trải rộng thì bất ngờ cuối năm 2014, Oanh gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Sau tấm huy chương bạc 3.000m vượt chướng ngại vật giành được tại Myanmar, Oanh "mất tích" khỏi làng điền kinh khá lâu.
Kết thúc Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VII, Oanh xuất hiện triệu chứng phù nề đột ngột. Nhập viện, cô được chẩn đoán mắc bệnh viêm cầu thận cấp, buộc tạm rời xa đường pitch để tập trung điều trị, lỡ hẹn với SEA Games 28 ở Singapore năm 2015.
Oanh bị cấm vận động suốt 3 tháng, kể cả những hoạt động nhẹ nhàng nhất, đã có lúc Oanh nản chí. Bà Hưởng bỏ mấy sào ruộng ở quê, xuống Hà Nội >chăm sóc con gái. Nghe Oanh nói muốn giải nghệ, người mẹ liên tục động viên, giải thích căn bệnh chỉ mới chớm nở, còn cơ hội chữa trị.
Nhờ ý chí kiên cường, năm 2017 khi sức khỏe ổn định, Oanh quay lại >luyện tập và ở SEA Games 2017 tổ chức tại Malaysia, Nguyễn Thị Oanh giành 2 tấm HCV. 1 năm sau tại ASIAD 2018, Nguyễn Thị Oanh về đích thứ ba ở đường chạy 3.000m vượt chướng ngại vật nữ, đồng thời vượt xa kỷ lục quốc gia tồn tại gần chục năm của đàn chị Nguyễn Thị Phương. Đến kỳ SEA Games 2019, "cô gái ốc tiêu" của điền kinh Việt Nam lập nên kỳ tích.
Bà Nguyễn Thị Hưởng nhắc lại giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp của cô con gái thứ 7 trong số 8 anh chị em: "Thời gian Oanh bị bệnh, gia đình cũng lo lắm, nhưng vẫn động viên Oanh theo đuổi sự nghiệp thể thao mà con đã chọn. Đạt được thành công là nhờ sự phấn đấu của Oanh chứ gia đình, bạn bè chỉ biết động viên để tiếp thêm sức mạnh cho Oanh".
Trong căn nhà 1 tầng 3 gian giản dị đã treo kín các bằng khen, giấy khen, nhưng theo bố Oanh là ông Nguyễn Văn Chuyền, thì "không treo được hết, còn một sấp bằng khen trong tủ nữa".
Từ lâu, mong ước của Oanh là xây dựng nhà mới khang trang cho bố mẹ, thay thế căn nhà 3 gian cấp 4 lợp ngói. Nhưng người mẹ chỉ mong con gái dành đủ tiền để lo cho các dự định trong tương lai: "Chúng tôi già rồi, sống thế nào cũng được, chỉ mong con gái "chân cứng, đá mềm" luôn giữ được tinh thần và phong độ như hiện tại".
Dù đã có tuổi, nhưng cuộc sống của vợ chồng ông vẫn còn vất vả. Hằng ngày, ông và vợ vẫn bám vào mảnh vườn, đàn lợn và vài sào lúa để lo cho cuộc sống. Điều khiến vợ chồng ông băn khoăn là thu nhập của Oanh vẫn chưa đảm bảo được cuộc sống riêng của con.
Tuy vậy, theo tiết lộ của bà Hưởng, cô con gái đã chia sẻ dự định sắp tới sẽ xây lại ngôi nhà 3 gian cho bố mẹ…