Gần ba năm về trước, Công Phượng đến châu Âu với tâm thế "ngôi sao lớn" của bóng đá Việt Nam. Trong khi đó, Quang Hải khiêm tốn hơn nhiều, như cái cách Hùng Dũng tạo lập tên tuổi.
Năm >Công Phượng sang châu Âu đầu quân cho Sint-Truidense với lời khẳng định hùng hồn của bầu Đức: "Có ai ở Việt Nam làm được như HAGL không? CLB Việt Nam phải mất tiền mới cho cầu thủ sang châu Âu thi đấu. Đằng này HAGL không mất, thậm chí còn nhận được tiền từ các đội Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Thế thì tốt quá đi chứ", thì Hùng Dũng "lặng lẽ" đoạt Quả bóng Vàng Việt Nam đầy xứng đáng.
Đúng là HAGL của bầu Đức nhận được tiền từ các đội bóng nước ngoài từ các bản hợp đồng của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, song có điều tất cả các bản hợp đồng ấy đều kết thúc trong sự thất vọng của cả ông bầu phố Núi lẫn các đội bóng chi tiền để có được những ngôi sao sáng của HAGL trong khoảng thời gian ngắn ngủi, trước khi nhận ra mình "hớ".
Khác với sự hào nhoáng của lứa cầu thủ mới 18, 19 tuổi đã được lên chơi V.League của bầu Đức, đội trưởng hiện tại của đội tuyển Việt Nam từng 3 lần xin không lên chơi V.League vì sợ phải ngồi dự bị, 20 tuổi chỉ chơi được 60 phút vì quá yếu, để rồi cái sự "biết mình, biết người" ấy đã đưa cầu thủ từng tự nhận mình "chẳng có tài năng gì đặc biệt" này đến đỉnh cao.
Rời Việt Nam sang châu Âu, chắc hẳn Quang Hải và đội ngũ tư vấn của mình biết rõ hơn ai hết sự khốc liệt của môi trường mới. Nó thậm chí còn khốc liệt hơn những gì mà Hùng Dũng từng phải trải qua để có được ngày hôm nay. Quả bóng Vàng Việt Nam 2019 từng tâm sự: "Lứa tôi 60 đứa, chỉ 4 người lên được chuyên nghiệp".
Mùa bóng 2015 là mùa bóng bầu Đức "chơi lớn" khi đôn toàn bộ lứa U19 với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn... lên chơi V.League với sự kỳ vọng lớn lao. Đấy cũng là năm thứ tư Hùng Dũng chơi ở... giải hạng Nhất.
Hùng Dũng từng nhớ lại: "Bốn năm dài lắm. Năm đầu tiên lên hạng Nhất, tôi gần như không tập với đội. Lúc đội tập thì mình chạy biên (làm trọng tài cho các anh lớn). Lúc đội đi xa thi đấu thì mình phải ở nhà đá phủi. Một năm ấy, đội coi như không có tôi. Còn tôi coi mình như không đá bóng".
"Khi đội lớn gọi tôi về đá V.League cuối năm 2015, tôi giãy đành đạch. Tôi đang đá chính ở đây, gọi về kia dự bị là cái chắc rồi. Đội lớn lúc ấy toàn sao, tôi làm sao có cửa gì. Tôi nhất quyết không về. Ba lần, tôi gõ cửa phòng HLV Đức Thắng, xin ở lại đội. Tôi bảo chú cho tôi vào Sài Gòn. Ba lần, chú Thắng đều bảo tôi cứ tự tin, đừng lo sợ gì hết", Hùng Dũng kể với Zing về quyết định lần đầu tiên lên chơi V.League.
Ông thầy từ thuở nhỏ của Công Phượng - HLV Guillaume Graechen, từng nói rằng điều tiếc nuối nhất trong đời huấn luyện của mình, ông dành cho Công Phượng khi bầu Đức không nghe lời ông, đưa "cậu con cưng" của mình sang Bỉ theo bản hợp đồng nặng tính thương mại, đem tiền về cho HAGL, thay vì cân nhắc về mặt chuyên môn mà đưa Công Phượng sang chơi ở giải hạng 2 Pháp.
Giờ đây, sự lựa chọn của Quang Hải lại chính là giải đấu mà bầu Đức cùng Công Phượng "chê" ngày nào. Phải chăng đây là bước xuất phát quá thấp cho ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại ở trời Âu, làm "mất mặt" bóng đá Việt Nam?
Từ V.League bước sang châu Âu, khoảng cách còn lớn hơn nhiều so với việc Hùng Dũng gần bảy năm về trước bước từ giải hạng Nhất lên chơi V.League. Để chơi được ở V.League, Quả bóng Vàng Việt Nam 2019 từng phải tập cực nặng để có thể chơi được đủ 90 phút, thay vì chỉ 60, 70 phút như năm hai mươi mấy tuổi, phải tập miệt mài những miếng đánh mới để "mình phải có bài gì mới để người ta không bắt được đây".
Ở CLB mới, Quang Hải sẽ phải lặp lại những gì Hùng Dũng từng làm nhiều năm về trước, khi sự khác biệt về mặt trình độ giữa hai môi trường cũ và mới là cực kỳ lớn. Có thể Quang Hải sẽ thành công bước đầu, song một khi đối thủ đã "để ý", khó khăn thực sự sẽ chờ đón ngôi sao của bóng đá Việt Nam ở trời Âu.
Điều đó, chắc hẳn Quang Hải không lạ gì, bởi nó là kinh nghiệm của chính Hùng Dũng - người đồng đội của anh ở CLB Hà Nội: "Năm đầu tiên ở Hà Nội, tôi chơi kiểu ngẫu hứng, chạy không biết trời đất gì, gần như là đi lung tung. Nhưng đó lại là năm tôi ghi nhiều bàn nhất (4 bàn). Cuối năm, anh Quyết có gặp tôi nói chuyện. Anh bảo năm đầu tiên em tỏa sáng vì người ta không để ý tới mình. Nhưng sang năm thứ hai, thứ ba, người ta sẽ tìm hiểu và phân tích, mọi thứ chắc chắn khó hơn".
Và trên hết, đội trưởng của đội tuyển Việt Nam từng tâm sự: "Nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn có cơ hội được ra nước ngoài. Tuổi tôi lớn hơn các bạn khác nhưng tôi vẫn muốn đi. Tôi nghĩ mình ra nước ngoài không chỉ để giành cái gì đó cho bản thân, tôi đi còn để giúp đỡ CLB, để mang kinh nghiệm của mình về cho đội, để hỗ trợ các em trẻ".
Cũng như Hùng Dũng nghĩ, Quang Hải ra đi cũng mang trên mình trọng trách với bóng đá Việt Nam, với những thế hệ kế cận, không chỉ là truyền cảm hứng mà còn là kinh nghiệm thực tế để giúp bóng đá Việt Nam nâng tầm. Đấy sẽ là động lực lớn nhất cho tiền vệ người Đông Anh quyết tâm để thành công.