Khán giả vỗ tay không ngớt trong sự dữ dội, cuồng nhiệt lẫn thanh thản, dịu êm của Thanh Lam. Nhìn cảnh tượng ấy, ai dám nói “thời diva đã hết”.
Đúng 20h, màn nhung được kéo ra, >Thanh Lam xuất hiện giữa sân khấu, tự tin và lộng lẫy. Trước micro chân đứng, Thanh Lam dang hai tay, cất tiếng hát Giọt nắng bên thềm, một trong những bản hit đình đám nhất trong sự nghiệp.
Khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô gần như không còn chỗ trống. Trước đó, cánh phe vé không ngừng hỏi khán giả “Có ai thừa vé không?”. Đủ thấy, Thanh Lam vẫn có sức hút riêng biệt với đối tượng công chúng của riêng mình.
Khi Lam cởi bỏ chiếc áo “nữ hoàng”
Thanh Lam hát hay, điều ấy không phải bàn cãi. Có người từng ví cổ họng của diva là “báu vật”, còn nhạc sĩ Phú Quang, người nổi tiếng khó tính mới đây cũng quả quyết “Thanh Lam là ca sĩ hát hay nhất Việt Nam hiện tại”.
Nhưng, vài năm gần đây, một bộ phận công chúng, trong đó có cả người hâm mộ Thanh Lam tỏ thái độ phàn nàn về cách hát của ca sĩ. Không ít ý kiến đồng tình rằng, Thanh Lam ngày càng trưng trổ kỹ thuật, ngông cuồng trong cách thể hiện. Do vậy, vô tình, thiếu tinh tế, cảm xúc khi hát dù ngọn lửa vẫn nhiều.
Chẳng thế mà trước đêm diễn, Quốc Trung khuyên Thanh Lam, thẳng thắn và thật lòng “Chị Lam hát vui vẻ thôi, đừng quằn quại quá”. Dường như, diva đã lắng nghe những góp ý đó. Hoặc, Quốc Trung với vai trò giám đốc >âm nhạc trong live show đã kiểm soát được “núi lửa” trong Thanh Lam. Và, nữ ca sĩ đã có một đêm diễn tròn trịa, tiết chế và tinh tế hơn thường thấy.
Ngay sau Giọt nắng bên thềm, Thanh Lam hát lại một loạt ca khúc làm nên tên tuổi bản thân như Em và tôi, Hoa tím ngoài sân, Đi trong hương tràm. Cách hát đầy thanh thản, nhẹ nhàng nhưng vẫn chuyển tải được những tình tự của ca khúc.
Càng về sau, Thanh Lam càng đẩy thêm lửa, nhưng vẫn dừng ở mức vừa phải với Đợi chờ, Khát vọng và Thị Màu. Đặc biệt, ca khúc Thị Màu,sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Cường gần như khiến khán phòng bùng nổ.
Thanh Lam hát lẳng lơ, hát như mời gọi, vừa mạnh mẽ, dữ dội vừa có những nét diễn rất đàn bà. Cách biểu đạt của diva khiến khán giả say sưa, hút hồn. Những tràng pháo tay, những tiếng hú hét, khiến Thanh Lam càng thêm bùng cháy. Nữ ca sĩ thậm chí bỏ guốc để hát chân trần. Lam đong đưa, nhún nhẩy và làm chủ hoàn toàn sân khấu.
Khi Thanh Lam đi chân trần, chẳng còn “gác tía lầu son”, chẳng còn diva chị cả, chỉ còn một “người đàn bà hát”, một "người đàn bà yêu" trên sân khấu. Hát như thể chưa bao giờ được hát, hát cho qua hết những buồn vui, đau khổ. Âm nhạc như cứu rỗi tất cả.
Sau tất cả, Quốc Trung vẫn là "mây trắng bay về"
Bình Minh gần như là những ca khúc cũ. Nhưng tất cả đều được phối mới. Quốc Trung khoác chiếc áo mới, thậm chí rất mới lên những bài hát quen thuộc của giọng hát Thanh Lam.
Âm thanh chỉn chu, trọn vẹn không một vết gợn. Ban nhạc tuyệt nhiên không nhìn bản nhạc. Quốc Trung, Lưu Hà An, Thanh Phương và những cộng sự làm chủ hoàn toàn ca khúc. Ca sĩ không một nốt phô chênh. Sự tròn trịa không khác âm thanh của phòng thu.
Trong phần chia sẻ, chính ê-kíp đã “tố” về sự khó tính của Quốc Trung. Theo đó, nam nhạc sĩ đã “ép” tất cả ban nhạc phải thuộc bản nhạc, làm chủ giai điệu. Ca sĩ và ê-kíp đã mất tới 2 tháng ròng rã tập luyện. Quả thực, công sức mà họ bỏ ra đã không phí hoài. Âm nhạc của Bình Minh thuyết phục cả những tai nghe khó tính nhất với kỹ thuật, ánh sáng sắc nét.
Chính cách chơi nhạc đã giúp Thanh Lam trở nên tươi mới hơn, đúng tinh thần của chủ đề “Bình Minh”. Thấp thoáng đâu đó, người hâm mộ thấy Thanh Lam của thuở đôi mươi, với những năng lượng xuân xanh, tươi trẻ.
Sau những phút dữ dội, phần cuối chương trình là những lãng mạn, sâu lắng với Lời tôi ru, Tre xanh ru, Tiến thoái lưỡng nan. Giọng hát đàn bà, nội lực, trung trầm căng tràn của Thanh Lam được phát huy tối đa.
Thanh Lam khuất phục người nghe với cách hát đầy màu sắc. Lối hát thông minh, kết hợp giữa kỹ thuật nhạc nhẹ với dân ca được vận dụng hài hòa.
Không khó để nhận ra, trong đêm nhạc của mình, Thanh Lam đưa cả cách hát "vang rền nền nảy" của quan họ, một chút đổ hột của ca trù, đâu đó có cả sắc vị của chèo và dân ca miền Trung. Tất cả tạo nên những e ấp trữ tình, quyến luyến và mê hoặc đến từng thanh âm, nốt nhạc.
Điểm nhấn đặc biệt của chương trình là màn hòa ca Thanh Lam và những cộng sự trong bài hát Gió đưa bài hát bay đi. “Người đàn bà hát tình ca khi giấc mơ về, hát cho những lời yêu thương”, Thanh Lam cất tiếng hát, như hát về chính mình, như những lời tự lòng dành để tri ân khán giả. Hát cho bạn bè tôi, hát cho những người thân yêu…
Hà Trần là khách mời duy nhất của đêm nhạc. Nữ ca sĩ nhận xét đàn chị là người bạn ấm áp, luôn quan tâm và chăm sóc mọi người. Trước đó, hai diva có màn kết hợp ăn ý trong Bài hát ru cho anh.
Không phải ngẫu nhiên Thanh Lam lại lựa chọn Hà Trần. Rõ ràng, chỉ có Lam và Hà mới có những cộng hưởng cảm xúc hòa hợp trong một bài hát ru tình yêu như vậy.
Thanh Lam đã có một đêm nhạc đúng thật là mình. Diva gần như chẳng chia sẻ gì, chỉ hát, hát và hát. Âm nhạc đã nói thay tất cả mọi thông điệp, mọi điều gửi gắm.
Bích Hồng, một nữ khán giả 32 tuổi, khi được đề nghị nhận xét về đêm nhạc chỉ nói ngắn gọn “Tôi mãi yêu Lam”. Lam là vậy, nếu đã không yêu thì thôi, đã yêu rồi thì nghiện. Sự dữ dội, cuồng nhiệt lẫn thanh thản, dịu êm ấy dễ mê hoặc người nghe.
Không phải ngẫu nhiên, người ta định danh Thanh Lam là “nữ hoàng nhạc nhẹ”. Đó có thể là một mỹ từ, nhưng Lam xứng đáng đón nhận những tình cảm và sự tôn vinh ấy. Nhìn sự lỗng lẫy trong giọng hát của Lam với đêm nhạc kín khán giả, ai dám nói “thời diva đã hết”?