Noo Phước Thịnh vừa tung ra MV "Những kẻ mộng mơ". Nam ca sĩ cũng thừa nhận đây là ca khúc kén người nghe.
Sau những ồn ào, >Noo Phước Thịnh chính thức phát hành MV Những kẻ mộng mơ vào tối 19/10. Đây là ca khúc pha trộn giữa chất liệu ballad và dàn nhạc giao hưởng.
Sản phẩm lần này có thể sẽ không trở thành hit. Trước hết, bài hát kén người nghe khi sử dụng chất liệu "hàn lâm", "bác học", và việc cạnh tranh với nhiều ca sĩ trong cùng thời điểm cũng là hạn chế.
Tuy nhiên, Noo Phước Thịnh chứng minh anh đã trưởng thành hơn trong gu >âm nhạc và sản phẩm ngày càng có chiều sâu. MV cũng như một lời tuyên bố của riêng anh, rằng đã đến lúc Noo Phước Thịnh bước đi trên con đường riêng, khác biệt thay vì chạy theo thị hiếu khán giả. Với cá nhân anh, đây có thể xem như một chiến thắng. Chiến thắng chính bản thân mình.
Chuyển mình từ âm nhạc tới phong cách
Có thể thấy ấn tượng đầu tiên ở Những kẻ mộng mơ chính là sự lột xác hoàn toàn từ hình ảnh tới âm nhạc. Lần đầu tiên, anh xuất hiện với ngoại hình nam tính, phong trần.
Hình ảnh mới, khác lạ, nam tính của một ca sĩ vốn trung thành với phong cách lãng tử, điển trai có sức hút đặc biệt. Sự nam tính, nổi loạn được lột tả từ sâu bên trong, từ thần thái, mọi cử chỉ, ánh nhìn chứ không đơn thuần là tạo hình, trang phục. Đa số ý kiến đều khen ngợi tạo hình mới của Noo.
Về phần âm nhạc, Noo Phước Thịnh trở lại thể loại ballad nhưng pha trộn chất liệu giao hưởng. Ballad là thể loại không mới, trước hết với cá nhân anh. Nếu nhìn ra thị trường âm nhạc Việt, dòng nhạc này cũng đã phổ biến.
Nhưng, điểm nổi bật, khác biệt ở ca khúc chính là bản phối mang hơi hướm giao hưởng được thực hiện bởi nhạc sĩ Hồ Hoài Anh. Trong bối cảnh Vpop bão hòa ballad, một ca khúc hơi hướm giao hưởng là làn gió mới mẻ.
Phải nói rằng, quyết định đưa âm nhạc giao hưởng vào bài hát mới là một "nước cờ" mạo hiểm.
Nhạc giao hưởng thường được tôn vinh là “Bà chúa của vương quốc âm nhạc” với hàm ý về sự cao siêu và biểu cảm phong phú, đa dạng. Thể loại nhạc bao hàm chất trữ tình nhưng hùng ca, chất bi thương nhưng cũng lạc quan… Đây là thể loại xưa nay vốn không dễ gần với khán giả, thậm chí khá kén người nghe.
Nhưng, Noo Phước Thịnh không ngại điều đó. Đến lúc này, khi đã có một chỗ đứng, anh muốn đi theo con đường khác biệt, của riêng anh chứ không chạy theo thị hiếu số đông.
"Ngay cả nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cũng hỏi tôi có chắc chắn muốn thêm những nhạc cụ trong dàn giao hưởng vào ca khúc hay không. Cả hai anh em phải ngồi với nhau và thay đổi tư duy của nhau để hợp với mạch cảm xúc ca khúc. Có thể bài hát sẽ hơi khó nghe với mọi người vì có quá nhiều điều cao siêu trong đó", anh nói.
Ca từ mang tính ẩn dụ
Những kẻ mộng mơ không phải sản phẩm bắt tai, nếu không muốn nói khá kén người nghe. Nhưng thêm một điểm cộng ở ca khúc chính là ca từ không “sến” như nhiều bài hát thuộc cùng thể loại mà vẫn lột tả sự đau buồn của chàng trai ôm trong tim mối tình đơn phương đầy day dứt, khốn khổ.
“Đừng mộng mơ nữa hỡi biển ơi/ Chân trời xa lắm chẳng có ai đợi/ Phía bên kia đại dương/ Cũng chỉ có bờ cát nâng niu biển thôi”, “Đừng mộng mơ nữa hỡi kẻ mộng mơ/ Mặt trời tận nơi góc vũ trụ bao la/ Hoàng hôn đó chỉ là từng tia sáng mong manh từ nơi xa/ Và chỉ có anh bên em khi gục ngã”, lấy câu chuyện của biển, của bờ cát, của mặt trời, vũ trụ... để nói lên nỗi lòng. Mỗi câu từ cũng chính là điều mà chàng trai luôn tự nhắc nhở bản thân về mối tình vô vọng.
Cả phần giai điệu lẫn ca từ của bài hát đều mang lại nhiều cảm xúc đan xen, có buồn đau, mơ hồ nhưng cũng có tích cực, nhung nhớ, bình yên.
Câu hát “đừng mộng mơ nữa hỡi kẻ mộng mơ” gây ám ảnh kiểu hiệu ứng “sâu tai” – earworm. Thuật ngữ “sâu tai” ám chỉ việc bộ não lặp đi lặp lại một đoạn nhạc trong thời gian dài.
MV phô diễn khả năng diễn xuất
Bối cảnh Jeju - đảo du lịch nổi tiếng Hàn Quốc – hiện lên tuyệt đẹp dù được lột tả qua màu phim trầm buồn, ảm đạm. Lần này, những lời giới thiệu của ê-kíp không sai. MV thực sự mang những góc máy, màu sắc rất điện ảnh.
Trong MV, phân đoạn Noo Phước Thịnh cùng cô gái bước ra biển khơi nhưng rồi, chỉ một mình anh quay lại để lại nhiều thắc mắc cho khán giả. Tất cả khung cảnh lãng mạn trước đó là do anh tự mình tưởng tượng, do anh nhớ về quá khứ? Hay thực chất, chàng trai đã giết chết cô gái để rồi một mình trở về với bộ dạng bất cần, trên môi nở một nụ cười bí hiểm, khó hiểu.
Nhiều khán giả băn khoăn về nội dung MV. Và như thế, ê-kíp đã đạt được mục đích của họ.
Nội dung MV là câu chuyện mở. Ở đó, khán giả có thể hiểu tính cánh nhân vật và mạch câu chuyện theo cách của riêng mình. Mục đích chính ở MV là khai thác khả năng diễn xuất.
Chi tiết Noo Phước Thịnh tự cắt đi mái tóc lãng tử, nhìn vào trong gương với ánh mắt sắc lạnh là phân cảnh mấu chốt trong MV. Một ca sĩ nhưng diễn xuất tự nhiên biểu cảm, ánh mắt của một kẻ điên tình. Nhiều khán giả thừa nhận họ cảm thấy sợ khi cảm nhận được sự tuyệt vọng, cuồng si trong điệu bộ của nam ca sĩ. Ngay tại buổi họp báo, ngay khi được xem lại MV hai lần, nhiều câu hỏi được gửi tới Noo là "hãy đóng phim điện ảnh đi".
Thông qua diễn xuất ngày càng “chín”, đặc biệt là những ánh mắt, nụ cười bí hiểm, mỗi khán giả sẽ có nhận định riêng về tính cách nam chính. Anh có thể là tên sát nhân máu lạnh, có thể là bệnh nhân tâm thần phân liệt hoặc đơn giản là kẻ mộng mơ bị tình yêu ruồng bỏ...
Nội dung không đặt nặng chi tiết kịch tính, thay vào đó khai thác diễn xuất đầy tính điện ảnh của Noo. Có thể Những kẻ mộng mơ sẽ không chiều theo sở thích của số đông khán giả. Tuy vậy, qua đây, công chúng nhìn nhận một khía cạnh khác của Noo Phước Thịnh ngoài sở trường ca hát, đó chính là khả năng diễn xuất.