Nếu sớm được nhận tấm huy chương đồng Olympic 2012, sự nghiệp của Trần Lê Quốc Toàn có thể sẽ được phát triển tốt hơn.
Tại Olympic London 2012, lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn tranh tài ở hạng cân 56kg và xếp hạng 4 khi đạt tổng cử 284 kg, kém 2 kg so với người đạt HC đồng Valentin Hristov. Lúc đó, Quốc Toàn rất sốc, vì mới 8 tháng trước, anh còn bỏ cách Hristov hơn 20 kg.
Ngã rẽ cuộc đời của đô cử Quốc Toàn từng buồn tủi vì nhận huy chương đồng Olympic muộn 9 năm
Tuy nhiên, tháng 7/2021, Ủy ban Olympic quốc tế đã ra thông báo về việc tước huy chương tại Olympic 2012 với một số VĐV xe đạp và cử tạ, và người đứng trên Quốc Toàn là Valentin Hristov cũng nằm trong danh sách này.
Theo thông báo của Uỷ ban Olympic quốc tế, mẫu thử tại Olympic London 2012 của lực sĩ người Azerbaijan đã dương tính với chất cấm. Và vì thế, Trần Lê Quốc Toàn được đôn từ hạng tư lên hạng ba, qua đó giành được HCĐ Olympic London 2012 sau 9 năm.
Như vậy, Trần Lê Quốc Toàn cũng trở thành VĐV giành được tấm huy chương duy nhất cho đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic London 2012. Đây đồng thời cũng là tấm huy chương thứ 2 trong lịch sử tham dự các kỳ Thế vận hội của cử tạ Việt Nam (trước đó là HCB của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn), và là tấm huy chương thứ 5 của thể thao Việt Nam ở các kỳ Thế vận hội.
Ít ai biết rằng, tấm huy chương danh giá này lại khiến cuộc đời Toàn thay đổi và nếu không có 2 từ "giá như" thì giờ đây, cuộc sống của anh có lẽ sẽ khác. Quốc Toàn cho biết, anh vẫn nhớ như in lúc thi đấu với Valentin Hristov.
"Thời điểm đó tôi đã cố gắng hết sức và có thời gian tập luyện cùng vận động viên Hristov. Tôi rất bất ngờ khi thành tích của bạn ấy lại vượt quá xa lúc tập luyện cùng. Tôi nhận thấy mình chưa chuẩn bị tốt chuyên môn cũng như chiến thuật chưa tốt dẫn đến thành tích chưa được như mong muốn.
Sau 9 năm nhận tấm huy chương này giờ chỉ còn là kỷ niệm dĩ vãng. Giá như nhận huy chương ngay lúc thi đấu, cảm xúc của tôi, ban huấn luyện và cả đoàn thể thao Việt Nam sẽ khác bởi chúng ta rất khát huy chương tại đấu trường này.
Tôi cũng sẽ có thêm tinh thần, động lực để phấn đấu. Khi đó, sự nghiệp của tôi có thể đã rẽ sang một hướng mới tươi sáng hơn", anh Quốc Toàn nhớ lại.
Việc không có thành tích ở thời điểm đó khiến Toàn thất vọng về bản thân. Thời gian sau, phong độ của anh đi xuống cộng thêm chấn thương rất nặng, rách sụn gối...
"Năm 2014 là thời kỳ đỉnh điểm tôi bị chấn thương sau khi thi Olympic xong. Tôi bị chấn thương còn dài hơn thời gian tập luyện, nhiều khi đi tập luyện mà toàn mang thuốc men để uống", Quốc Toàn kể.
Trong những lúc bế tắc, Quốc Toàn luôn nhận được sự động viên của gia đình, người thân và HLV nên anh đã cố gắng tập luyện để phục hồi chấn thương. Đến năm 2015 chấn thương đỡ dần, Toàn trở lại thi đấu đỉnh cao và đoạt huy chương vàng, bạc, đồng ở giải vô địch Châu Á, 2 vàng 1 đồng vô địch thế giới, nhiều giải ở Đông Nam Á anh cũng đạt huy chương.
Khi được hỏi có hối hận vì dành cả thanh xuân cho thể thao không, Quốc Toàn khẳng định là không bởi thể thao đã cho anh quá nhiều thứ.
Quốc Toàn kể, anh bắt đầu sự nghiệp cử tạ khi mới 14 tuổi. Trước đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mất sớm, một mình mẹ nuôi 5 anh em trai. Quốc Toàn là con thứ 3 trong gia đình.
Để phụ giúp mẹ và gia đình anh xin nghỉ học sớm đi bốc vác đá thuê. Chính sau những ngày làm việc gian khổ là bước đệm để Quốc Toàn sức khoẻ và bén duyên với bộ môn cử tạ.
Đến với cử tạ, anh hăng say tập luyện và thi đấu ở nhiều giải đấu lớn nhỏ trong nước. Việc giành được những tấm huy chương, thành tích tốt khiến anh được thưởng nhiều hơn, qua đó giúp phần nào cho anh và gia đình trang trải cuộc sống.
Năm 2009, Toàn vượt qua đàn anh Hoàng Anh Tuấn (người giành HCB môn cử tạ tại Olympic 2008) để lần đầu thống trị nội dung 56 kg, với tổng thành tích 258 kg.
Một năm sau, Tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc anh lần thứ 2 đánh bại đàn anh với tổng thành tích 261 kg, qua đó giành quyền tham dự SEA Games 2011.
Ở giải đấu này, anh khiêm tốn đặt mục tiêu giành HCĐ nhưng ngỡ ngàng thay, Toàn vượt hơn cả sự mong đợi với tấm HCV hạng cân 56kg. Đối thủ này chính là người mà đàn anh Hoàng Anh Tuấn chưa từng vượt qua.
"Huấn luyện viên luôn nói tôi rằng 'cậu này trên cơ thể cái gì cũng đau hết chỉ có cái đầu không đau mà thôi'. Tôi quyết tâm tập luyện, thực hiện thành công động tác. Tôi luôn nghĩ đến thành tích cao nhất của mình chứ không quan trọng mình có huy chương hay không, làm sao đạt được thành tích đó.
Trong lần chinh phục phải đạt cái gì đó về cho mọi người thấy được sự cố gắng của bản thân và mình có thể làm được những gì. Tôi muốn cho mọi người biết không thất bại như những năm trước nữa, mình sẽ thành công hơn", anh Quốc Toàn chia sẻ trước mỗi lần tham gia giải đấu.
Ngoài thành tích, kinh tế, thể thao còn mang lại cho Quốc Toàn một người sẽ đồng hành với anh cả cuộc đời. Quốc Toàn kể, trong một lần đi thi đấu ở Hải Dương, anh gặp một nữ VĐV cử tạ Đỗ Thị Thu Hoài và trúng "tiếng sét ái tình". Thế nhưng, do còn quá nhỏ nên anh không dám thổ lộ ra mà chỉ thầm thương trộm nhớ.
Vài năm sau, cũng trong một lần đi tập huấn, Quốc Toàn gặp lại VĐV đó, lúc này cả hai đã lớn. Thời gian sau, họ yêu nhau và nên duyên vợ chồng.
"Vợ tôi ở Đông Anh, Hà Nội còn tôi ở Đà Nẵng, khi lấy vợ, tôi chuyển ra Hà Nội ở và tập luyện ở đây luôn. Tôi rất may mắn khi gặp cô ấy, vợ tôi luôn là người đồng hành, ủng hộ mọi quyết định của tôi, nhất là khi tôi gặp chấn thương liên miên", Quốc Toàn cho hay.
Đến nay, dù không còn thi đấu đỉnh cao nhưng Quốc Toàn được làm công việc mà mình yêu thích, đó là công tác huấn luyện cho các em nhỏ tại TP Đà Nẵng giúp thầy mình.
Ngoài ra, hai vợ chồng anh cũng mở phòng tập thể hình với mong muốn có sức khoẻ cho mọi người, đồng thời muốn chia sẻ những kinh nghiệm tập luyện của mình để giúp cho học viên không mắc lỗi chấn thương kéo dài hàng năm như mình đã từng mắc.
Đô cử Quốc Toàn là một trong 8 vận động viên xuất sắc nhất trong lịch sử thể thao hiện đại tham gia lễ rước đuốc đại hội SEA Games 31 diễn ra tối 12/5. Đại hội có sự góp mặt của 11 đoàn thể thao khu vực Đông Nam Á, tổ chức 40 môn thi với 526 nội dung.