Lý, tay cầm cây đàn ukulele hát giản dị, tự nhiên như tâm tình với bè bạn. Lý vẫn thế dù trong đêm nhạc có Thanh Lam và Tùng Dương đầy nổi loạn, lên đồng.
Đêm nhạc Mùa yêu, đúng như tên gọi, được diễn ra vào tối 14/2, ngày Valentine, tại không gian Nhà hát Lớn, Hà Nội. Có lẽ, đây cũng là chương trình đầu tiên vào dịp lễ tình nhân của Thanh Lam, Tùng Dương nhưng có sự góp mặt của >Lê Cát Trọng Lý.
Sự xuất hiện của một nghệ sĩ indie thực thụ kiểu như Lý trong một đêm nhạc với hai giọng ca diva, divo là một bất ngờ không nhỏ.
Sự khác lạ của Lê Cát Trọng Lý
Lý xuất hiện không nhiều, đó là một sự thật, nhất lại là trong một đêm nhạc có không gian sang trọng tại "thánh đường nghệ thuật" Nhà hát Lớn. Lý vẫn quen với những đêm nhạc nho nhỏ của mình, có lẽ là một trường học, hoặc ở một nơi ngẫu nhiên, trong một chuyến đi đâu đó.
Nhưng Lý không lạc lõng trong Mùa yêu. Giọng ca Chênh vênh xuất hiện ở phần giữa của chương trình, ngay sau màn giới thiệu của Tùng Dương: "Và bây giờ là sự xuất hiện của ca sĩ, nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý". Khán giả vỗ tay nhiệt thành. Lý được đón nhận.
Lý cầm trên tay cây đàn ukulele, đứng hát trước cây micro với sáng tác của chính mình - Vì ta không hát như lúc xưa. Ca khúc không quá xuất sắc, nhưng nhẹ nhàng, chân thành như Lý vốn dĩ vẫn vậy. Không màu mè thể hiện, Lý vẫn là Lý, và... vẫn hát như lúc xưa.
Sau ca khúc, Lý chia sẻ dăm ba câu. Cách nói chuyện của Lý không gãy gọn, rõ ràng như không gian đêm nhạc cần phải thế. Nhưng cái duyên dáng thì không thể phủ nhận. Lý cũng e mình lạc lõng giữa đêm nhạc với Tùng Dương, Thanh Lam nên khi vừa hát xong, Lý đùa, thành thật "Em sợ mọi người ngủ rồi chứ".
Ngay sau đó, là một sáng tác nữa của Lý - Vì sao cố giấu đi thật thà. Ca khúc giản dị và chân phương như chính tựa đề của nó. Lý hát say sưa và tự nhiên, trong tiếng piano hỗ trợ của Lưu Hà An. Lý mang đến những êm ả cho một đêm nhạc 14/2, sự êm ả ấy cũng đầy tình cảm.
Rất lâu mới thấy Lý, nhưng điều đáng mừng là Lý vẫn luôn là chính mình, chẳng thay đổi. Vẫn dễ thương trong cả >âm nhạc và biểu cảm như thế. Lý khác biệt trong sự nổi loạn, lên đồng của Thanh Lam, Tùng Dương. Nhưng Lý không lạc lõng, đó cũng là một điều thú vị.
Sự lên đồng của Tùng Dương, Thanh Lam
Dù xuất hiện với vai trò đặc biệt, Lê Cát Trọng Lý đã không có màn kết hợp chính thức với Thanh Lam, Tùng Dương, có lẽ đó cũng là một điểm đáng tiếc. Sự mạo hiểm đã không xảy ra, tuy nhiên, Lý có màn đệm đàn cho Tùng Dương hát.
Tùng Dương hát Mang thai, Lý ngồi bên cạnh đệm đàn. Màn acoustic tương đối thú vị. Divo nhạc Việt cho biết, 8 năm trước, anh từng được kết hợp với Lý trong chương trình Không gian âm nhạc của đạo diễn Việt Tú, thời điểm đó cả hai đều chưa lập gia đình. Nam ca sĩ tếu táo bảo giờ mình đã "tần ngần một con", và mong năm sau gặp lại Lý cũng như vậy. Khán phòng cười.
Màn kết hợp "người đàn kẻ hát" tương đối thú vị, dù Mang thai không hẳn là ca khúc phù hợp để thể hiện với phiên bản như vậy. Và Lý, cũng thường chỉ hay và làm chủ được nhất khi đàn ca khúc của chính mình, thay vì đàn cho một giọng ca nào đó.
Trở lại với hai nhân vật chính, Tùng Dương và Thanh Lam có một đêm nhạc ấn tượng. Dù nhiều lần kết hợp với nhau, cả hai vẫn mang đến cho khán giả những cảm nhận mới mẻ.
Tùng Dương thể hiện nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau với những ca khúc như Mùa xuân bên cửa sổ, Cỏ và mưa, Thu cạn, Thiên thân, Trời và đất,... Trong đó, ca khúc Thiêu thân đặc biệt nhận được sự tán thưởng của khán giả.
Trong khi đó, Thanh Lam hát Nơi gặp gỡ tình yêu, Bụi trời, Đôi mắt xanh, Đá trông chồng, Gió mang bài ca bay đi,... Sự "điên" của Thanh Lam được tiết chế phần nào, nhưng lửa âm nhạc vẫn như hừng hực, nội lực khó ai có thể chê bai được. Gió mang bài ca bay đi là một sáng tác mới, từng được thể hiện trong live show Bình minh của ca sĩ. Riêng với ca khúc này, Lam hát nhẹ nhàng, thủ thỉ như chính ca từ, giai điệu của sáng tác.
Ngoài những màn solo, Tùng Dương và Thanh Lam song ca trong các ca khúc như Huyền thoại Hồ núi cốc, Hồ trên núi, Mây, Đỉnh núi lãng quên. Trong đó màn kết hợp với Mây, một sáng tác của Đỗ Bảo, thuyết phục hoàn toàn người nghe.
Đêm nhạc kết thúc với màn hòa giọng của Thanh Lam, Tùng Dương trong Độc đạo, và sau đó là Em và tôi - Ngôi sao cô đơn. Đêm nhạc diễn ra tương đối vừa vặn, không quá dài. Ban nhạc cũng không quá đông nhân sự. Thiết kế sân khấu được giản lược, sân khấu gần như không để lại ấn tượng, tuy nhiên, âm nhạc và lối chơi của ban nhạc cho thấy sự hiệu quả và để lại dư âm.