TikToker Lý A Huân (Huân Huân, SN 2001) và Hoàng Thị Thu Điểm (Đậu Đậu, SN 2004) "gây sốt" cộng cộng đồng mạng thông qua việc chia sẻ những tình huống chân thực, hài hước về đời sống sinh hoạt của người dân tộc Dao tại Sapa (Lào Cai).
Theo thông tin từ Tạp chí Tri thức và Cuộc sống, Huân Huân (tên thật là Lý A Huân, SN 2001) và Đậu Đậu (tên thật là Hoàng Thị Thu Điểm, SN 2004) là 2 anh em dân tộc Dao (ngụ Sa Pa, Lào Cai). Cả 2 thời gian gần đây trở thành hiện tượng trên TikTok nhờ những clip chất lượng về quê hương Lào Cai xinh đẹp. Với nhiều ý tưởng độc đáo, tình huống chân thực, hài hước về >đời sống sinh hoạt của người dân tộc Dao, các clip đã tạo sự thích thú cho cộng đồng mạng, rất nhiều bình luận ngợi khen về hướng xây dựng kênh của 2 anh em.
Trước khi bỏ phố về quê để xây dựng kênh TikTok cùng anh trai, Đậu Đậu từng đi làm với mức lương 5 triệu/tháng, Sau một vài sự cố xảy ra, cô quyết định nghỉ làm và loay hoay tìm hướng phát triển cho bản thân. Vượt qua khoảng thời gian chênh vênh chẳng biết làm gì, cô gái người Dao bé nhỏ đã tìm tới mạng xã hội TikTok như một cái duyên.
Nghĩ đến việc có thể bán hàng trên TikTok, sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, Huân Huân và Đậu Đậu quyết định sẽ thực hiện giấc mơ đổi đời.
“Lúc ấy tụi em bàn nhau thì đều nhận thấy Sa Pa có quá nhiều nguyên liệu để có thể quay, từ nền văn hoá, cuộc sống thường ngày của người dân cho đến cảnh đẹp đều thu hút những anh chị miền xuôi nên đã quyết định kể lại những câu chuyện đó thông qua video”, Đậu Đậu chia sẻ về ý tưởng nội dung của mình.
Nghĩ thì dễ nhưng thực hiện đâu có đơn giản, đặc biệt là khi hai anh em Huân Đậu không biết gì về công nghệ, cũng chẳng hiểu nghề sáng tạo nội dung phải làm như thế nào. Từ việc lên ý tưởng cho tới cách quay dựng, họ đều tự tìm hiểu từng li từng tí.
Đậu Đậu chia sẻ: “Có khi những video chỉ dài 1-2 phút mà bọn em phải mất cả tuần mới xong. Bọn em cứ như những con gà mờ công nghệ vậy, tự mày mò từng tí một. Lúc đó, bố mẹ em còn ngăn cản vì cho rằng đi quay như vậy là trò lố lăng. Em phải mất cả tháng trời để thuyết phục và chứng minh cho bố mẹ rằng đây là công việc nghiêm túc”.
May mắn là từ những video đầu tiên đăng tải, Huân Đậu đã được nhiều người đón nhận. Đây chính là động lực lớn nhất để họ tiếp tục theo đuổi ước mơ làm TikToker.
Những video trên kênh của Huân Đậu chủ yếu là giới thiệu về công việc của người nông dân tại quê nhà. Từ chăn trâu, cuốc đất, cho đến khi chăn nuôi, thu hoạch cá hay hình ảnh tắm suối, trải nghiệm trên rừng,... tất cả đều hiện lên với những hình ảnh mộc mạc, chân phương. Rất nhiều video đạt view khủng, có khi lên tới hơn 7 triệu lượt xem cùng vô vàn bình luận khen ngợi.
Thành công trên nền tảng sáng tạo nội dung thôi chưa đủ, hai TikToker nông dân tiếp tục lập kế hoạch khởi nghiệp. Với số vốn 500 triệu đồng vay từ bố mẹ, họ đã đầu tư 100 triệu vào sản xuất mặt hàng ruốc cá hồi và 400 triệu cho việc kinh doanh homestay.
Bước ngoặt kinh doanh đến khi Huân Huân và Đậu Đậu cùng tham gia một phiên livestream lớn. Trong thời gian ngắn thông qua nền tảng bán hàng online, doanh số mà họ đạt được lên tới 540 triệu đồng cùng rất nhiều phản hồi từ khách hàng. Ngoài ra, họ còn có các đơn hàng từ nền tảng Facebook có thể đạt tới doanh số 100 triệu đồng nhanh chóng.
Không phủ nhận sự nổi tiếng mang đến nhiều may mắn và những cơ hội tốt hỗ trợ cho việc kinh doanh, tuy vậy Huân Huân cho biết không cổ xúy mọi người bỏ học, bỏ làm để trở thành TikToker.
Lý A Huân nói trên Tạp chí Người Đưa Tin: "Trong quá trình mở lớp chia sẻ về những kinh nghiệm mình đã trải qua, mình luôn nói về cả những trường hợp không thành công, đổ nhiều công sức nhưng không đạt được kết quả như mong muốn. Mình không cổ xúy cho mọi người có công việc tốt, bỏ công việc, bỏ học tập trở thành TikToker".
Thực tế, công việc sáng tạo nội dung không hẳn luôn thành công một cách dễ dàng, đằng sau những video "triệu view" lên xu hướng là những nỗ lực không ngừng nghỉ. Đặc biệt là với hai anh em A Huân và Thu Điểm - những bạn trẻ Gen Z này bắt tay vào lĩnh vực sáng tạo khi cả hai đều là con số 0 tròn trĩnh.
"Đợt đầu bọn em làm cũng gặp rất nhiều khó khăn, không biết quay như thế nào, không biết lên ý tưởng, dựng video như thế nào. Một phân đoạn phải quay đi quay lại tận mấy chục lần, đứng trước điện thoại rất ngại, không thể nói lên được", Hoàng Thị Thu Điểm nhớ lại.
Thu Điểm cũng cho biết ban đầu khi mới đăng tải video lên TikTok hai anh em bị gia đình ngăn cấm, coi đây như trò lố bịch. Khoảng 2-3 tháng đầu là mốc thời gian khó khăn nhất, rồi sau đó các video dần lên xu hướng, cán mốc 50 nghìn người theo dõi thì cả hai lại rơi vào tình trạng bế tắc như đứng giữa "ngã ba đường".
Mãi khi bắt đầu nhận quảng cáo của các nhãn hàng, rồi tự đăng bán một số sản phẩm, cả hai mới mon men nghĩ xa xôi về việc kinh doanh riêng.