Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 xuất hiện tại 13 tỉnh, thành, mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã đưa kịch bản cho tình huống khẩn cấp khi dịch bệnh bùng phát, dù ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất đã kiểm soát.

Tường Vy (TH) 18:58 20/02/2021

Dù ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được kiểm soát nhưng với tình hình dịch bệnh khó lường ở hiện tại, Sở Y tế TP.HCM đã lên sẵn kịch bản về tình huống TP.HCM xuất hiện 500 ca bệnh mới.  Điều này nhằm đảm bảo được tính chủ động trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 đang hoành hành.

Cụ thể, các tình huống như sau: 

- Tình huống 1:

Đặt tình huống, thành phố ghi nhận dưới 100 ca dương tính, kèm tối đa 870 trường hợp nghi nhiễm, có triệu chứng cần cách ly điều trị và tối đa 32 trường hợp bệnh nặng cần hồi sức.

Lúc này, có 4 cơ sở trực chiến để điều trị gồm các Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tổng số giường được chuẩn bị là 970, trong đó, 32 giường hồi sức, 37 giường đặt trong buồng áp lực âm và 42 máy thở.

Sở Y tế TP.HCM đưa ra nhiều kịch bản chống dịch - Ảnh: Báo Nhân Dân

- Tình huống 2:

Lực lượng y tế giả sử TP.HCM ghi nhận 100-200 ca dương tính với SARS-CoV-2 kèm 1.244 người nghi nhiễm, tối đa 86 bệnh nhân nặng cần hồi sức.

4 cơ sở trên tăng số giường lên tối đa. Bệnh viện Nhi đồng 2 tham gia hỗ trợ. Số giường được huy động được tổng cộng 1.444 giường, trong đó có 86 giường hồi sức, 59 giường đặt trong buồng áp lực âm và 86 máy thở. Theo đó, lực lượng chống dịch có sự hỗ trợ của Bệnh viện Nhi đồng 1. 

- Tình huống 3:

Đây là kịch bản được xây dựng trong tình huống dịch bùng phát lớn tại thành phố với số ca nhiễm lên 200-500 người. Trong tình huống này, thành phố có 2.785 trường hợp nghi nhiễm, có triệu chứng cần cách ly điều trị và tối đa 172 trường hợp bệnh nặng cần hồi sức.

Lúc này, khi thành phố đã sử dụng hết cơ số giường tại 5 bệnh viện được phân công điều trị Covid-19, Sở Y tế TP.HCM sẽ huy động tất cả giường tại khu cách ly của các bệnh viện và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

Tổng số giường được nâng lên 3.258, gồm 172 giường hồi sức, 82 giường đặt trong buồng áp lực âm và 192 máy thở.

Điều Sở Y tế cần lưu ý đó là Bệnh viện dã chiến Củ Chi và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ là 2 cơ sở chủ lực, được phân công điều trị các bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ (không cần hỗ trợ hô hấp) với quy mô 900 giường.

Nhân sự chủ yếu của 2 cơ sở này từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và luân phiên bởi các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế TP.HCM do sở này điều phối.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẵn sàng 10 giường hồi sức tích cực, kỹ thuật ECMO để tiếp nhận bệnh nhân nặng. Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm vận chuyển này.

Hiện thành phố có Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, 7 bệnh viện công lập và 3 cơ sở tư nhân được phép thực hiện rRT-PCR. Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2. 

Giai đoạn tiếp theo, TP.HCM yêu cầu các bệnh viện đa khoa hạng 1 còn lại nhanh chóng chuẩn bị cơ sở vật chất, sinh phẩm xét nghiệm..., gửi hồ sơ đến Viện Pasteur TP.HCM để thẩm định, công nhận xét nghiệm trong năm nay.

Về nhân sự chuyên môn, Sở Y tế TP.HCM phối hợp Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập Tổ chuyên gia điều trị bệnh viêm đường hô hấp do SARS-CoV-2.

Các cơ sở y tế cũng chủ động đào tạo cho bác sĩ, điều trị về khai thác dịch tễ, phác đồ điều trị, nâng cao năng lực hồi sức trong hô hấp, kiểm soát nhiễm khuẩn, diễn tập tình huống khi đơn vị tiếp xúc người nghi ngờ, phong tỏa một khoa...

Được biết, trong các đợt dịch trước, TP.HCM đã lên kịch bản cho những tình huống tương tự, song chưa khi nào cần dùng tới.

 

Tường Vy (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe