Theo nhận định của chuyên gia, hành vi của nghi phạm là rất manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật, đe dọa đến tính mạng sức khỏe của nhiều người và cướp đi số tiền giá trị lớn của ngân hàng.
Sau 12 tiếng khẩn trương điều tra, truy xét, Công an tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Phòng phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm có tổ chức, tội phạm gây án đặc biệt nghiêm trọng (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) đã bắt giữ đối tượng cướp ngân hàng tại TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
Đối tượng bị bắt giữ là Phạm Đức Anh (SN 1989) trú tại xóm Vũ Chấn, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, hiện đang tạm trú tại Tổ dân phố Giếng, phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), lẩn trốn tại xã Thượng Đình (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).
Hình ảnh camera an ninh ghi lại cảnh nghi phạm xông vào ngân hàng, khống chế nhân viên và cướp đi 700 triệu đồng.
Trước đó, khoảng 14h chiều 14/11, một đối tượng đã xông vào Chi nhánh ngân hàng Vietinbank Thái Nguyên tại Phố Cò, khống chế nhân viên và cướp đi 700 triệu đồng. Theo clip từ camera an ninh ghi lại, thời điểm trên, tên cướp mặc đồ đen, trùm kín đầu, dùng súng khống chế nhân viên tại ngân hàng, yêu cầu đưa tiền vào túi. Sau đó, tên cướp trên đã lên xe mô tô để sẵn tại sảnh của ngân hàng và bỏ chạy khỏi hiện trường.
Khám xét khẩn cấp nơi ở tạm trú của đối tượng, Cơ quan Công an thu giữ gần 394 triệu đồng, 01 súng ngắn bằng nhựa, đối tượng khai dùng để đe doạ nhân viên phòng giao dịch và một số vật chứng liên quan khác. Đấu tranh khai thác, đối tượng Phạm Đức Anh khai nhận đã sử dụng số tiền 290 triệu đồng đã cướp được của ngân hàng để chuộc xe ô tô do đã cầm cố trước đó.
Nghi phạm cướp ngân hàng đối diện mức án nào?
Trao đổi với Gia đình Việt Nam, TS. LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt tài sản là hành vi cướp tài sản. Người thực hiện hành vi cướp tài sản sẽ phải chịu chế tài theo quy định của bộ luật hình sự.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, thời gian qua không ít những vụ cướp tài sản tại ngân hàng đã xảy ra và gần như tất cả các đối tượng thực hiện hành vi cướp ngân hàng đều bị bắt giữ ngày sau đó. Vụ việc cướp ngân hàng xảy ra tại Thái Nguyên làm một vụ cướp manh động, táo tợn, qua clip cho thấy đối tượng đi một mình và thực hiện hành vi cướp tài sản bằng việc sử dụng một vật giống như súng quân dụng.
Nghi phạm Phạm Đức Anh bị lực lượng chức năng bắt giữ.
"Hành vi của đối tượng thể hiện qua clip là rất manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật, đe dọa đến tính mạng >sức khỏe của nhiều người và cướp đi số tiền giá trị lớn của ngân hàng", Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.
Chuyên gia pháp lý này cho biết, theo quy định của pháp luật thì hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó được xem là cướp tài sản.
Người thực hiện hành vi Cướp tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự. Nếu tài sản chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng vũ lực như thế này sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất được quy định tại khoản 4, Điều 168 Bộ luật Hình sự là phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài hình phạt chính thì người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tang vật của vụ án được lực lượng chức năng thu giữ.
"Trong nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản thì tội cướp tài sản là tội danh có hình phạt cao nhất bởi hành vi này được đánh giá là nguy hiểm nhất. Trước đây tội cướp tài sản có hình phạt cao nhất là tử hình, tuy nhiên khi sửa đổi Bộ luật Hình sự thì Bộ luật Hình sự 2015 đã bỏ hình phạt tử hình ở tội danh này nên hình phạt cao được pháp luật quy định hiện nay là tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản từ 500.000.000 đồng trở lên", Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Do đó, theo Luật sư Đặng Văn Cường, với số tiền chiếm đoạt trên 700.000.000 đồng như trong vụ việc này thì đối tượng cướp ngân hàng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ ngoài đối tượng gây án thì còn có đối tượng nào đồng phạm hay không.
"Tất cả các đối tượng giúp sức, xúi giục, chủ mưu, cùng ý chí với đối tượng này để thực hiện hành vi cướp ngân hàng thì cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản với vai trò đồng phạm. Với các đối tượng tuy không cùng ý chí cướp tài sản nhưng sau khi biết được đối tượng đã cướp được tài sản mà vẫn chứa chấp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có thì cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có", Luật sư Đặng Văn Cường nói .