Bà Lệ cho biết sau khi bị hành hạ trên tàu cá, một tai con trai bà đã bị điếc. Người phụ nữ này muốn cơ quan điều tra xử lý nghiêm những người gây ra sự việc.
Tối 17/11, Công an huyện Trần Văn Thời (>Cà Mau) phối hợp cùng cơ quan chức năng tại thị trấn Sông Đốc để yêu cầu bà Phạm Thị Hà (còn gọi là Năm Bộ, ngụ khóm 3, thị trấn Sông Đốc) đưa >tàu cá BT 97993-TS vào đất liền để xử lý các nghi can hành hạ 2 thuyền viên. Một phương tiện khác đang chở nạn nhân Trương Văn Trung (47 tuổi) vào đất liền.
Theo lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời, ông Trung quê xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang, nhưng tạm trú tại khóm 6B, thị trấn Sông Đốc. Người bị các nghi can hành hạ còn lại là anh Lê Văn Bình (30 tuổi, ngụ huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), thuê nhà ở nên không có nơi tạm trú cố định tại thị trấn Sông Đốc.
Nói với Zing tối cùng ngày, bà Võ Thị Lệ (66 tuổi, mẹ ông Trung) cho biết khoảng 3 tháng trước, một người thu mua thủy sản báo tin con trai bà bị nhiều người đánh gây thương tích. Theo hướng dẫn của người thu mua tôm, bà Lệ đến một cơ sở y tế ở Sông Đốc thì thấy con trai mặt đầy sẹo.
“Tôi bị sốc khi nhìn con trai mặt đầy thương tích. Tai phải bị kìm bấm kẹp đứt thịt, phải khâu lại nhưng sẹo to lắm. Trung bị nhiều người đánh đập nên tai trái bị điếc”, bà Lệ kể.
Theo người phụ nữ này, hơn một tháng, Trung nằm viện, bà thường xuyên thuê xe ôm chở đi lại giữa 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Bà Lệ dùng 2 từ "đau đớn" để miêu tả cảm xúc khi thấy con trai thương tích đầy mặt vì bị những đồng nghiệp cùng tàu cá hành hạ.
“Con tôi bị thương tích nặng nên phía chủ tàu bồi thường 150 triệu đồng. Cậu Bình bị thương nhẹ hơn, được bồi thường 50 triệu. Gia đình tôi nghèo nên Trung muốn có tiền để trị bệnh, nhưng tôi nhất quyết phải yêu cầu cơ quan điều tra xử lý nghiêm, đến nơi đến chốn đối với những người hành hạ con tôi”, bà Lệ nói.
Bà Lệ cho biết việc anh Trung được bồi thường thông qua đầu mối đưa con bà đi làm ngư phủ, gia đình không trực tiếp chứng kiến. Sau khi xuất viện, anh Trung tiếp tục theo tàu cá đi đánh bắt hải sản và gửi cho mẹ 3 triệu đồng.
“Nhà tôi nghèo nên 5 đứa con trai đều đi làm thuê, trong đó Trung và một đứa em của nó đi biển. Chồng tôi đã mất, Trung thì ly hôn vợ, nó nhận nuôi 2 đứa con một trai, một gái. Con gái của Trung đã lấy chồng, con trai thì theo cha đi biển mấy tháng nay không thấy về nhà”, người mẹ kể.
Trao đổi với Zing, bà Dương Thúy Hằng, Chủ tịch UBND xã An Minh Bắc, cho biết gia đình anh Trung thuộc diện cận nghèo. Do sự việc xảy ra ở Cà Mau nên sáng 17/11, bà Hằng mới biết được việc người đàn ông này bị hành hạ qua phương tiện truyền thông.
“Tôi đã kêu cầu lực lượng của công an xã đến nhà anh Trung để động viên, chia sẻ khó khăn với gia đình. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ anh Trung về mặt pháp lý để đòi lại công bằng”, lãnh đạo UBND xã An Minh Bắc nói.
Theo bà Hằng, tàu cá chở ông Trung đang trên đường về đất liền nhưng do đánh bắt xa bờ nên khoảng 3 ngày mới đến Sông Đốc. Thông qua người môi giới đưa ông Trung đi làm, chính quyền địa phương tiếp nhận thông tin với nội dung chủ tàu cá BT 97993-TS đã bồi thường cho ông Trung 150 triệu đồng.
“Người đầu mối đưa anh Trung đi biển nói rằng chủ tàu bồi thường 150 triệu đồng nhưng anh Trung không nhận được. Họ nói rằng bạn anh Trung nhận tiền rồi mang đi đâu không rõ. Chúng tôi chờ anh Trung về và liên lạc với phía Sông Đốc để xác minh rõ vụ việc”, bà Dương Thúy Hằng nói.
Chiều 17/11, Công an tỉnh Cà Mau nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh này về việc khẩn trương phối hợp cùng UBND huyện Trần Văn Thời và các cơ quan chức năng để điều tra vụ ngư dân bị hành hạ trên tàu cá.
Nói với Zing, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết quan điểm của lãnh đạo địa phương là xử lý nghiêm vụ việc theo quy định pháp luật.
“Những người có liên quan đến vụ hành hạ ngư dân vẫn còn đánh bắt hải sản ngoài biển. Công an tỉnh phải vào cuộc, phối hợp cùng UBND huyện Trần Văn Thời và các cơ quan chức năng để sớm đưa tàu cá và các ngư dân liên quan vào bờ để điều tra, xử lý nghiêm”, ông Huỳnh Quốc Việt nói.
Cùng ngày, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, chỉ đạo công an huyện này phối hợp với Đồn biên phòng Sông Đốc yêu cầu bà Phạm Thị Hà (còn gọi là Năm Bộ, ngụ khóm 3, thị trấn Sông Đốc) đưa tàu cá BT 97993-TS vào đất liền để xử lý các nghi can hành hạ 2 thuyền viên. Vụ việc đang gây xôn xao dư luận khi mạng xã hội xuất hiện 2 clip vào ngày 15/11 với nội dung thuyền viên tàu cá bị đồng nghiệp hành hạ dã man.
Theo lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời, 2 nạn nhân bị hành hạ trên tàu cá BT 97993-TS là anh Lê Văn Bình (30 tuổi, ngụ huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) và Trương Văn Trung (47 tuổi, ngụ xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang). Ba nghi can là Nguyễn Công Toàn (còn gọi là To, 34 tuổi), Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi) và Nguyễn Văn Hùng (38 tuổi). Trong đó, Toàn là con trai ruột của bà Hà, Tỵ ở xã Khánh Hải và Hùng ở khóm 7, thị trấn Sông Đốc.
Kết quả xác minh ban đầu cho thấy ngày 4/1, tàu cá Bcủa bà Hà làm chủ đã xuất bến tại cửa sông Ông Đốc, trên tàu có 7 thuyền viên do Nguyễn Công Toàn làm thuyền trưởng. 6 thuyền viên khi tàu xuất bến là Nguyễn Văn Hùng (38 tuổi), Đoàn Văn Hùng, Trương Văn Trung, Phạm Chí Cường, Nguyễn Văn Của và Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi). Làm việc trên tàu một thời gian, Đoàn Văn Hùng thấy công việc không phù hợp, nên đi nhờ tàu cá khác vào đất liền. Bà Hà sau đó đưa anh Bình ra biển hoạt động cùng 5 thuyền viên khác.
Ngày 23/5, ông Trung bị Tỵ, Toàn và Nguyễn Văn Hùng dùng kềm bấm vào tai phải, bẻ gãy 4 cây răng, dập môi và gối chân phải. Một ngày sau đó, anh Bình bị Toàn và Hùng đánh gây thương tích trên cơ thể tại vùng bả vai phải và gãy một một cây răng. Tuy nhiên, qua làm việc với công an, anh Bình và ông Trung không yêu cầu xử lý hình sự mà yêu cầu bồi thường tiền thuốc điều trị.
Theo lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời, sau khi tiếp nhận sự việc, Công an thị trấn Sông Đốc đã 3 lần yêu cầu Hà điều ghe vào bờ để làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, bà Hà chưa đưa ghe vào bờ, nên công an chưa xử lý được Toàn và 2 nghi can còn lại.