Việc doanh nhân Nguyễn Phương Hằng liên tục livestream và chửi bới giới nghệ sĩ, theo chuyên gia Lâm Bá Nam có thế thấy: Xã hội ngày càng bị băng hoại về mặt ngôn từ, băng hoại về mặt ứng xử thông qua lời nói như thế.
Bà Nguyễn Phương Hằng nổi lên như một hiện tượng và liên tục có những phát ngôn đụng chạm giới showbiz. Bà dùng những lời lẽ hết sức gắt gỏng, thái độ hằn học để bốc “phốt” những diễn viên, ca sĩ, người mẫu không vừa lòng bà. Chưa kể một số livestream bà còn dùng ngôn từ tục tĩu hơi khó nghe khiến dân mạng mệt mỏi.
Mỗi livestream của bà Phương Hằng đều thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, có khi đạt đỉnh hơn 500.000 người theo dõi trực tuyến. Những nội dung đa số xúc phạm danh dự, nhân phẩm và moi móc thông tin cá nhân đời tư của người khác. Đôi khi chính sự tung hô a dua của khán giả càng khiến bà livestream chăm chỉ hơn và gây ảnh hưởng đến một số cá nhân bị bà cho lên sóng.
Chia sẻ trên báo chí mới đây ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho rằng, những thông tin bà đưa ra "Đúng sai thì pháp luật còn phải xác minh, nhưng không thể nào cứ tiếp diễn việc một cá nhân thoải mái lên diễn đàn mạng để thóa mạ, chửi bới người khác, việc này "là không chấp nhận được".
Bà Nguyễn Phương Hằng cũng từng bị Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM phạt 7,5 triệu đồng vì phát ngôn sai sự thật việc ông Võ Hoàng Yên được tỉnh Bình Thuận bao che.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lâm Bá Nam - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học (2010-2014); Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV (2006-2009); Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam (2013 đến nay) cho biết trên Tri Thức và Cuộc sống rằng: “Ông bà ta đã dạy “lời nói đọi máu”. Lời nói phản ánh tư cách, nhân cách con người. Ông bà ta cũng đã dạy “học ăn, học nói”. Tuy nhiên, lạ nhất qua các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống và không chính thống, nữ doanh nhân và nghệ sĩ người ta nói nhưng lại quên hết điều đó. Họ nói cho thỏa mãn nhu cầu trong bản thân họ, cho cái tôi của họ. Nhưng điều quan trọng hơn, các giá trị văn hóa thông qua lời nói, ngôn ngữ bị lạm dụng một cách không thể hình dung được”.
“Tùy thuộc vào nhận thức của người phát ngôn và người nhận thông tin. Ở đây vấn đề không phải là có học hay không có học mà vấn đề ở chiều sâu văn hóa. Đừng có nói người có học phát ngôn cho đúng chuẩn mực về mặt thông tin, giao tiếp con người với con người hay giao tiếp con người với cộng đồng. Vấn đề là họ nhận thức về điều đó như thế nào. Thông qua phát ngôn liên quan đến việc bản thân mỗi cá nhân có biết tôn trọng mình hay không và ứng xử của cá nhân với cộng đồng là như thế nào”, ông Nam cho biết thêm.
Theo ông Nam, “người dân khi được cung cấp thông tin chuẩn xác, họ sẽ có nhận thức, nhận xét và lựa chọn thông tin tiếp cận một cách đúng đắn. Với tư cách một người cần được tiếp cận thông tin, tôi cũng có cảm giác như vậy”.
Theo ông thì người Việt hay a dua đám đông nên cần định hướng và phân luồng những thông tin tốt và có ích trước khi mang đến khán giả.
Nói về vụ nữ doanh nhân Phương Hằng, các nền tảng mạng xã hội "xuyên biên giới" tiếp tay tán phát thông tin nội dung lệch chuẩn, gây mất trật tự xã hội, PGS.TS. Lâm Bá Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét xử lý.
Chia sẻ trên Kiến Thức, LS Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thông tin rằng pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân. Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của công dân tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả của xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, luật sư Cường còn nêu lên ý kiến của mình: “Với nội dung clip và biểu hiện cảm xúc của bà Hằng trong các buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng, hành vi của bà Hằng là xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhiều người khác, kết luận thiếu căn cứ, đưa thông tin sai sự thật, chưa có kiểm chứng lên mạng xã hội. Do đó, việc bà Hằng bị kiện, thậm chí bị tố cáo, tố giác tội phạm là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra”.
Theo Ông Cường, mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, việc bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến phải trên cơ sở pháp luật, tôn trọng pháp luật và tôn trọng các quyền tự do cơ bản khác của công dân.
Ngoài ra vị luật sư cũng cho biết thêm: “Đối với các hành vi vi phạm pháp luật chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền kết luận là hành vi của ai đó có vi phạm pháp luật hay không. Bởi vậy, không cá nhân nào được lợi dụng quyền tự do ngôn luận để thay cơ quan chức năng quy kết hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân, không được chửi bới, sỉ nhục, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Việc bày tỏ thái độ, quan điểm, lối sống, thực hiện các quyền tự do ngôn luận không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân... Nếu người nào thực hiện quyền tự do của mình đi quá giới hạn sẽ xâm phạm đến quyền tự do của người khác”.
Đã đến lúc cư dân mạng cần chọn lọc thông tin bổ ích và cân nhắc khi xem những nền tảng >giải trí trên mạng xã hội để góp phần thanh lọc nội dung bẩn trên Youtube, Facebook. Khán giả có quyền được xem những gì họ thích tuy nhiên không nên cổ súy cho những nội dung livestream mang ngôn ngữ văng tục, chửi bới để trả lại sự trong sáng và lịch sự cho văn hóa nghe và nhìn trên mạng xã hội.