Cơ quan chức năng đang cố gắng hết sức để có thể cứu bé trai thoát khỏi hố sâu đã không may rơi xuống, với hi vọng ‘còn nước còn tát’.
Chia sẻ trên VietNamNet, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc giải cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông là thời gian.
Chiều 1/1, tại hiện trường vụ bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông sâu 35m ở công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn đã thông tin với báo chí về vụ việc này.
Ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết, sau khi nhận tin được tin báo vụ việc này, ông đã có mặt tại hiện trường và huy động mọi nguồn lực thiết bị, con người để cứu cháu bé.
“Tuy nhiên, đây là sự cố rất hy hữu. Chúng tôi đã huy động thêm các phương tiện từ nơi khác đến hiện trường cứu hộ với phương châm “còn nước còn tát”, để cứu hộ cháu bé một cách tốt nhất”, ông Tuấn cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khó khăn nhất đối với lực lượng cứu hộ là thời gian. “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để giải cứu cháu bé. Thời gian là “nút thắt” trong việc giải cứu nên chúng tôi phải cố gắng vượt thời gian”, ông Tuấn cho biết thêm.
Theo cơ quan chức năng, việc giải cứu cháu bé gặp khó khăn do miệng trụ bê tông quá nhỏ, chỉ 25cm, nhân viên cứu nạn không thể thả dây để leo xuống; đồng thời việc mở rộng hố mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho việc giải cứu nạn nhân. Lực lượng chức năng đã bơm oxy và chuyền nước xuống cho bé trai.
Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết, sau khi nhận tin báo về vụ việc này, ngành chức năng tỉnh đã huy động hàng trăm người và nhiều phương tiện đến hiện trường giải cứu bé trai.
“Ban đầu, lực lượng chức năng dùng máy khoan địa chất của công trình để làm đất tơi ra, nhưng tiến độ quá chậm. Sau đó, chúng tôi quyết định điều máy khoan nhồi và phương tiện này đang trên đường tới hiện trường. Hy vọng máy khoan nhồi giúp quá trình giải cứu bé trai sẽ nhanh hơn”, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp nói và cho hay, khi lực ma sát giữa thân trụ bê tông với đất giảm đến mức thấp nhất, cứu hộ sẽ dùng cần cẩu nhổ cột lên.
Theo Thanh Niên, trước đó, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 31.12.2022, em T.L.H.N (10 tuổi, ngụ tại địa phương) cùng 3 bạn chung xóm vào địa điểm công trình thi công cầu Rọc Sen chơi. Lúc chạy quanh công trình đang thi công, N. bị lọt xuống trụ bê tông rỗng, có đường kính (lọt lòng) chưa đến 30 cm đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m.
Phát hiện sự việc, các em đi cùng với N. tri hô để người dân gần đó ứng cứu nhưng không thành công.
Khi hay tin con trai gặp nạn, anh Thái Văn Tấn Tài và chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (cha và mẹ bé Nam) hoảng hốt chạy đến hiện trường.
Anh Tài kể, lúc anh đến hiện trường thì vẫn nghe tiếng kêu cứu của con, song, khoảng 10 phút sau thì không còn nghe tiếng của cháu bé. Từ lúc còn gặp nạn đến hiện tại, anh Tài vẫn túc trực tại hiện trường với gương mặt thất thần. Còn chị Mỹ đã ngất xỉu nhiều lần từ lúc con trai rơi xuống cột bê tông. Theo tìm hiểu, bé Nam là con thứ hai trong gia đình có hai anh em.
Được biết, dự án xây dựng tuyến đường ĐT-857 có chiều dài 44,8 km đi qua các huyện Thanh Bình, Cao Lãnh và Tháp Mười (Đồng Tháp) có tổng mức đầu tư 2.180 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 7.2022. Trên toàn tuyến có 27 cây cầu được xây dựng.