Nhìn vào tiểu sử công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, người ta phải thốt lên hai từ “ngán ngẩm”. Vì người cha khởi đầu từ nghèo khó trở nên giàu, đến đời ông vì ăn chơi quá mức, khiến cho dòng họ chính thức khánh kiệt, con cái rơi vào nghèo khổ.
Nghe danh Công tử Bạc Liêu chắc ai cũng từng nghe qua câu “đốt tiền nấu trứng, tỏ ra mình giàu”. Vào cái thời ấy, nhà ông Trần Trinh Huy có gia sản đồ sộ và ăn chơi thoải mái, không phải lo nghĩ. Người ta còn bảo xứ Bạc Liêu trước đây 10 thửa ruộng thì 9 thửa là của nhà ông. Chính vì cái sự giàu có ấy, nhưng không chịu tu chí làm ăn nên của ăn của để trong nhà cũng “đội nón” ra đi. Cái mác danh “Công tử Bạc Liêu” cũng từ ấy mà ra đời.
Những năm đầu 1900, Ông Trần Trinh Trạch là đại điền chủ giàu nhất Nam Kỳ, sinh được người con tên là Trần Trinh Huy (1900-1974). Ông Trần Trinh Huy còn có cái tên khác là Ba Huy - ông là con thứ 3 trong nhà. Là một công tử ăn chơi khét tiếng miền Nam thập niên 30, 40 lúc bấy giờ.
Ông Trần Trinh Trạch làm ra bao nhiêu của cải, để rồi đứa con Trần Trinh Huy có sẵn một núi tiền để ăn chơi vô độ, nổi danh là Công tử Bạc Liêu trong vùng. Sau tất cả những gì người cha làm ra đều bị người con phá hết.
Sinh ra trong nhung lụa, tiền tiêu thoải mái, không còn phải lo lắng, được học nhiều, có lẽ vì thế mà Trần Trinh Huy không thấu hiểu được nỗi vất vả của người cha Trần Trinh Trạch. Đâu phải tự dưng mà gia đình lại có được cơ ngơi khang trang như vậy.
Thực ra, cha của Trần Trinh Huy là ông Trần Trinh Trạch đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt mới có được cơ ngơi đồ sộ, khiến bao nhiêu người ghen tỵ. Xuất thân là một người nghèo, cậu bé chăn trâu, chỉ là một thằng ở trong một gia đình giàu có, lo việc cho trâu ăn cỏ và sắp xếp về chuồng đúng giờ.
Tuy nhiên, nhờ một cơ duyên mà giúp ông Trần Trinh Trạch có thể phất lên. Ông được ông chủ gia đình giàu có cho đi học tại trường Pháp thay cho con trai của mình. Bởi với tư tưởng phong kiến của các địa chủ, phú hộ lúc bấy giờ, họ không muốn cho con em họ học thứ văn hóa Tây phương đó. Vì thế, họ đã cho người ở đợ trong nhà đi học thay cậu chủ. May mắn là ông Trạch – cậu bé chăn trâu được chọn học thay cho cậu chủ. Nhưng nhờ vậy, cuộc đời cậu bé chăn trâu Trạch đã đổi thay.
Ông Trạch đã chăm chỉ học hỏi, từ cậu bé nhà nghèo mà học hành giỏi giang, sau đó xin được một chân thư ký ở ủy ban tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ. Nhờ làm việc ở ủy ban tỉnh Bạc Liêu nên ông thường hay tiếp xúc cùng những phú hộ giàu có. Vì vừa thông minh, lanh lợi nên ông được ông bá hộ Phan Văn Bì – cũng là bá hộ giàu có bấy giờ để ý đến.
Chính ông Bì đã tạo điều kiện cho thầy ký Trạch làm quen với con gái mình. Sau đó đã gả con gái cho ông Trạch và chia một số đất đai, gia sản để ông quản lý. Trần Trinh Trạch có tài năng thiên bẩm và sự đam mê làm giàu hơn người. Vợ chồng ông Trạch ngày càng ăn nên làm ra. Trái ngược với sự phất lên của vợ chồng ông Trạch thì các đứa con còn lại của ông bá hộ Bì lại mê cờ bạc, rượu chè, lâm vào nợ nần, phải bán dần đất để ăn chơi tiếp. Họ không bán cho người ngoài, khi có chuyện cần tiền là họ chạy tới vợ chồng thầy ký Trạch. Cứ như vậy, đất đai dần lọt hết vào tay vợ chồng ông Trạch. Ông Trạch cũng trở thành ông hội đồng - người giàu nhất Bạc Liêu.
Ông hội đồng Trạch là từng trải nhiều biến cố, là người có ăn học nên ông hiểu thế nào nếu con của mình không quản lý tốt tài sản. Vì vậy, ông rất kỳ vọng vào cậu con thứ 3 - Trần Trinh Huy. Vì Huy thông minh, học hành giỏi giang. Ông đưa con mình sang Pháp du học, mong rằng con mình sẽ học rộng thành tài, về quản lý gia sản của mình.
Tuy nhiên, không giống như kỳ vọng của ông Trạch, >cậu Ba Huy khi đến Pháp du học lại đua đòi. Cậu không chuyên tâm học hành, thay vào đó thích nhảy đầm, học đủ các bằng thời thượng lúc bấy giờ: bằng lái xe hơi, bằng lái xe máy… Thỉnh thoảng cậu mới đi nông trường học hỏi kỹ thuật, cách quản lý của người Tây. Thời gian còn lại cậu chỉ lo vào việc vui chơi nên có một người vợ Tây bên Pháp và có một người con.
Cuối năm 1926, khi ấy cậu Ba Huy kết thúc việc du học và về nước. Lúc ấy cậu 26 tuổi. Ông Trạch và vợ đã mua ngay con xe hơi đời mới nhất là chiếc Peugeot cho cậu. Lúc này, cậu Ba Huy cũng lập tức trổ tài lái xe của mình, với vận tốc gần 100km/h từ Sài Gòn về Bạc Liêu.
Nổi tiếng với sự ăn chơi không có giới hạn, nhưng ông cũng rất tài tình. Vì vậy, khi nghe cha mình muốn giao toàn bộ tài sản để ông quản lý. Cậu ba Huy đã giao kèo với ba rằng bản thân được toàn quyền quyết định, ông hội đồng Trạch không được phép xen vào và phải tuân thủ quy trình quản lý. Mọi thu chi đều phải có sổ sách rõ ràng. Thậm chí khi lấy tiền, ông hội đồng Trạch cũng phải xin phép cậu ba Huy.
Vì được du học ở nước ngoài về nên tư tưởng mới mẻ của cậu Ba Huy - công tử Bạc Liêu rất tiến bộ. Ông cho cả con gái đi học để biết ra ngoài xã hội làm việc. Ông cũng là người đầu tiên tổ chức các cuộc thi hoa hậu miệt vườn ở miền Nam lúc bấy giờ. Từ đó chọn ra các cô nhân tình của mình từ những thí sinh đi thi.
Chính cậu Ba Huy cũng là người đề xuất cha mình mở ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam. Ngân hàng được mở ra, nhiều bá hộ giàu có đều góp vốn và gửi tiền vào đó.
Đồng thời, ông cũng là người tư vấn các quan trưởng mở các hội chợ ở các làng quê Việt Nam. Thương gia, nông dân cùng nhau mua sắm, vui chơi.
Với thú vui của mình, cậu Ba huy cũng sở hữu chiếc máy bay tư nhân đầu tiên Việt Nam. Vừa để ứng cứu và chăm coi ruộng lúa tốt hơn, vì ruộng đồng mênh mông, bạt ngàn, vừa thể hiện đẳng cấp ăn chơi của mình với bằng lái máy bay học bên Pháp. Nghe nói chiếc máy bay lúc đó được mua với giá 100kg vàng.
Có thể nói cậu Ba Huy vừa là người có tài nhưng cũng nhiều tật. Ông có 3 người vợ chính thức và có đến hàng trăm người tình bên ngoài. Vì thế có hàng chục người con bên ngoài khác nhau, đều được liệt vào gia phả và phân chia tài sản.
Hơn thế nữa, ông hội Đồng Trạch cũng không thể ngờ rằng, cậu con trai mà ông đặt nhiều kỳ vọng và trao cho cả sản nghiệp, cũng chính là người tàn phá gia sản với tốc độ còn nhanh hơn thời gian trước đó ông gầy dựng nên.
Hiện nay, người ta cho rằng Công tử Bạc Liêu do ăn chơi mà trở nên phá sản, khó khăn, khánh kiệt khi về già. Nếu như người cha có ý chí làm giàu và đã giàu tới tột đỉnh giàu sang, đến khi nằm xuống vẫn là một trong những người giàu nhất Nam Kỳ. Thì trái ngược lại, Ba Huy - người ông đặt nhiều kỳ vọng nhất lại tự tay phá hủy những gì ông Hội Đồng Trạch gây nên.
Đến khi Công tử Bạc Liêu - Cậu Ba Huy nằm xuống thì khối tài sản khổng lồ cũng đã vơi đi gần hết. Để cho đời con cháu quay lại sống nghèo khổ, bần hàn. Giường như trước đó Ông Hội Đồng Trạch cũng đã linh cảm được sự tàn lụi của gia tộc. Suốt cuộc đời ông đã dùng bao thủ đoạn để làm giàu, để thu gom hàng trăm ngàn lô đất đai ở xứ Bạc Liêu và vùng lân cận. Vào lúc cuối đời ông đã quay sang làm từ thiện để “tích đức” lại cho cháu con. Ông cũng xé hết giấy nợ của các tá điền.
Qua đây có thể thấy được, tiểu sử công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy chìm ngập trong giàu sang nhung lụa. Nhưng rồi tất cả cũng tựa như khói mây và bay đi mất vì ăn chơi sa hoa và không biết cách quản lý tài sản của mình tốt.