Đồ giữ nhiệt là "vũ khí" để bảo vệ cơ thể trước cái lạnh. Tuy nhiên, mặc đồ giữ nhiệt sai cách, không chỉ khiến người mặc không cảm thấy ấm mà còn có thể gây cảm giác khó chịu, thậm chí lạnh hơn.

Hải Anh 11:03 19/12/2024

Mặc đồ giữ nhiệt bên ngoài các lớp quần áo khác

Một trong những sai lầm thường gặp khi sử dụng đồ giữ nhiệt, đặc biệt với áo giữ nhiệt là mặc chúng như lớp đồ bên ngoài. Quần áo giữ nhiệt hoạt động dựa trên việc hấp thụ hơi ẩm từ bề mặt cơ thể, sau đó chuyển đổi thành năng lượng nhiệt để giữ ấm. Nếu áo giữ nhiệt không tiếp xúc trực tiếp với da, quá trình hấp thụ hơi ẩm sẽ không diễn ra, khiến hiệu quả sinh nhiệt bị giảm sút đáng kể.

Vì vậy, hãy mặc quần áo giữ nhiệt ở bên trong cùng, để chúng tiếp xúc trực tiếp với làn da. Điều này giúp quần áo phát huy tối đa khả năng giữ ấm của mình.


Ảnh minh họa (Nguồn: Getty)

Chọn sai kích cỡ đồ giữ nhiệt

Một sai lầm của nhiều người trong mùa đông là chọn quần áo giữ nhiệt quá rộng so với cơ thể. Khoảng cách lớn giữa da và lớp áo giữ nhiệt sẽ làm giảm hiệu quả hấp thụ hơi ẩm. Hơn nữa, không khí lạnh có thể lọt vào, khiến người mặc cảm thấy lạnh hơn dù đã mặc nhiều lớp.

Nhưng nếu chọn đồ giữ nhiệt quá chật cũng không tốt cho cơ thể. Chúng có thể gây cản trở tuần hoàn máu, khiến tay chân dễ bị lạnh hơn. Ngoài ra còn giảm độ thoáng khí, khiến cơ thể đổ mồ hôi nhưng không thoát hơi kịp, dẫn đến cảm giác ẩm ướt và lạnh hơn. Do đó, hãy chọn quần áo giữ nhiệt vừa vặn, ôm nhưng không gây hằn ngứa hay khó chịu.

Mặc đồ giữ nhiệt khi tập thể dục hoặc vận động mạnh

Việc mặc đồ giữ nhiệt khi vận động mạnh như tập thể dục có thể khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Khi quá nhiều mồ hôi thấm qua lớp áo giữ nhiệt, cơ chế hấp thụ hơi nước của quần áo sẽ bị gián đoạn. Điều này không những không giữ ấm mà còn khiến người mặc cảm thấy ẩm ướt và lạnh hơn.

Do đó, hãy hạn chế mặc đồ giữ nhiệt khi vận động mạnh, nhất là những bộ đồ giữ nhiệt bó sát. Thay vào đó, hãy mặc quần áo thoáng khí, thấm hút mồ hôi tốt khi tập luyện. Tập xong hãy thay đồ khô thoáng và đồ giữ nhiệt để đảm bảo cơ thể được giữ ấm đúng lúc, khi không còn vận động mạnh nữa.

Ngoài ra, còn một số sai lầm khi mặc đồ giữ nhiệt mà người mặc cần phải tránh khác. Ví dụ như không mặc đồ khi chưa khô hẳn, mặc đồ giữ nhiệt khi trời chưa đủ lạnh, dùng đồ giữ nhiệt trôi nổi không rõ nguồn gốc hay không chủ quan mặc đồ giữ nhiệt mà mặc quá ít quần áo.


Ảnh minh họa (Nguồn: Pexels)

"Công thức" mặc đồ tăng khả năng giữ ấm cơ thể

Để mặc ấm trong mùa đông, có thể áp dụng công thức lớp ngoài chọn áo khoác lông vũ, áo bông, áo khoác len, áo lông thú nhân tạo, áo có khả năng chống gió để tạo ra lớp không khí càng dày càng tốt.

Lớp giữa dùng các vật liệu mềm mại, phồng như fleece, lông cừu mỏng, áo lót lông vũ để tạo thêm lớp không khí. Nếu áo khoác đã chống lạnh và gió, có thể bỏ qua lớp giữa.

Lớp trong chọn quần áo giữ nhiệt, áo nhanh khô như đồ thể thao có khả năng thấm hút và thoáng khí, tránh hơi ẩm từ quá trình trao đổi chất của cơ thể tích tụ trong quần áo, làm giảm khả năng giữ nhiệt.

Cần lưu ý, việc chọn chất liệu lớp trong có nên là 100% cotton hay không còn tùy thuộc vào hoàn cảnh sử dụng. Nếu chỉ mặc hàng ngày, không vận động nhiều, lớp trong bằng cotton là một lựa chọn tốt. Nhưng nếu vận động nhiều, tránh mặc cotton vì sẽ thấm nhiều mồ hôi làm ẩm ướt, dính vào da không thoải mái và ảnh hưởng đến khả năng giữ ấm.

Lông cừu là chất liệu tốt để mặc bên trong. Ngoài ra có thể chọn đồ pha trộn giữa acrylic, polyester với modal, cotton, viscose, sợi tre có khả năng thấm hút, lại giữ ấm và giá cả cũng hợp lý hơn. Nên tránh những loại áo lót có lông dài bên trong, nhìn có vẻ ấm áp, nhưng lông dài sẽ giữ nước trên bề mặt da, không thoải mái cho cơ thể.

Đối với quần, chỉ nên mặc hai lớp là đủ. Bên trong giữ nhiệt, bên ngoài chống gió.

Việc giữ ấm không phải chỉ là mặc nhiều lớp, mà là biết cách mặc để tạo ra lớp không khí, từ đó giữ ấm cơ thể từ đầu đến chân.

Theo Phương Anh/Gia đình Việt Nam