Ngân hàng siết vốn, nhiều địa phương dừng phân lô, bán nền, những nơi từng sốt đất bởi dòng tiền đầu cơ đã “hạ nhiệt” rõ rệt.
"Cắt cơn" sốt đất
Thị trường >bất động sản nhiều tỉnh thành từ năm 2021 đến nay đã liên tục xuất hiện các cơn sốt đất, giá cả “nhảy múa”, tăng nóng từng ngày. Hiện tượng này được ghi nhận tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và lan rộng trên khắp cả nước, phải kể đến các tỉnh: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đắk Nông, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, hạn chế đầu cơ, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã có động thái siết vốn cho vay để kinh doanh bất động sản, thuế áp giá cao theo thị trường. Đồng thời, nhiều địa phương như Hà Nội, Bình Phước, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc… đã đồng loạt ra văn bản chỉ đạo, tạm dừng cấp quyền sử dụng đất để chặn phân lô, bán nền, “thổi giá” đất tràn lan. Vì vậy, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương bắt đầu hạ nhiệt và dần ổn định trở lại.
Thời gian gần đây, thị trường ven đô có dấu hiệu chững lại rõ rệt, không còn cảnh ô tô kéo nhau nườm nượp về xem đất và giao dịch. Nhiều khu vực từng là điểm nóng hồi đầu năm 2021 giờ đã hạ nhiệt, mức giá chưa có dấu hiệu tăng lên. Trong đó, gần đường 420 Hòa Lạc, giá đất vẫn dao động từ 10-12 triệu đồng/m2. Đồng Mô (Ba Vì, Hà Nội) giá khoảng trên dưới 10 triệu đồng/m2 tùy khu vực. Khu vực đường tỉnh 466 Yên Bình (Thạch Thất, Hà Nội) vẫn giá từ 9-11 triệu đồng/m2.
Thậm chí, nhiều chủ đất bắt đầu rao bán cắt lỗ nhưng cũng gặp khó trong thanh khoản. Đầu tư lô đất 80m2 tại Thạch Thất, Hà Nội từ giữa năm 2021, anh Hải Đăng (ở quận Đống Đa, Hà Nội) đã rao bán 3 tháng nay mà chưa có khách mua.
“Lô đất này có giá 1,5 tỷ đồng. Thấy bạn bè mua đất Thạch Thất đều có lãi, tôi mạnh dạn vay thêm ngân hàng 700 triệu đồng để đầu tư. Bây giờ thấy đất khu vực này có dấu hiệu bất ổn, tôi rao bán 1,4 tỷ đồng nhưng chưa thoát được hàng, trong khi hàng tháng vẫn phải gồng gánh khoản nợ cả gốc lẫn lãi”, anh Đăng kể.
Tại Vĩnh Phúc, nhiều môi giới >nhà đất cũng thừa nhận, sau khi "lệnh" siết phân lô tách thửa được thực hiện, những nhà đầu tư ăn theo cơn sốt đất từng tạo sóng thì nay lại “bán tháo”, thoát nhanh trong vòng xoáy giảm nhiệt của thị trường. Có mảnh đất được nhanh chóng sang tay cho chủ mới, có mảnh khiến nhà đầu tư kẹt vốn vì giá neo ở mức quá cao.
Sau một số điều chỉnh tích cực, giá bất động sản đã "hạ nhiệt". (Ảnh: PLO)
Tương tự ở khu vực miền Trung, dự án cao tốc Bắc - Nam đã làm cho thị trường bất động sản tăng phi mã và đang dần hạ nhiệt. Sau thời gian đất nền “dậy sóng”, thời điểm này thị trường bất động sản ở địa bàn Nghệ An xuất hiện tình trạng nhiều giao dịch bị “bỏ cọc”, các phiên đấu giá đất thưa vắng người tham gia.
“Kịch bản” thị trường trong thời gian tới ra sao?
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, trong bối cảnh rủi ro lạm phát, dù bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng không đồng nghĩa việc mua bất động sản trong giai đoạn này sẽ lời trên diện rộng. Đặc biệt ở những khu vực đất nền tăng giá mạnh trong 2 năm qua, nhưng nơi đó chưa thể triển khai kinh doanh khai thác ở mức phổ biến.
Một nguyên nhân khác là sau những cơn sốt đẩy giá lên, các nhà đầu tư chưa thể tham gia ngay mà nên chờ đợi thị trường tự điều chỉnh xuống một ngưỡng hợp lý. Thanh khoản của một số khu vực đang thiếu tích cực và yếu dần, vì vậy, các nhà đầu tư phải tự điều chỉnh hoạt động trong những tháng còn lại của năm.
Nhận định về tình hình thị trường, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ bất động sản Việt Nam, khẳng định bất động sản thời gian tới sẽ "hạ nhiệt". Trong bối cảnh dòng vốn đang đổ mạnh vào thị trường, giao dịch diễn ra thuận lợi, nhưng chỉ cần việc siết tín dụng thì chắc chắn việc mua bán sẽ bị gián đoạn.
“Thị trường bất động sản có độ trễ lớn nên hiện tại việc khó bán, giảm giá chưa rõ ràng nhưng thời gian tới hiện tượng này sẽ tăng mạnh”, ông Điệp nhận định
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia kinh tế cho rằng thực tế, trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục sau khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, đẩy mạnh đầu tư công để phát triển mạnh các công trình trọng điểm về hạ tầng, giao thông, cùng với đó là các chủ đầu tư triển khai hàng loạt dự án lớn khắp nơi nên giá bất động sản khó lòng hạ nhiệt trong một sớm một chiều.
Đồng thời, người mua nhà có nhu cầu ở thực đều tìm kiếm những khu giá cả hợp lý, chủ đầu tư uy tín. Do đó, những dự án đáp ứng được tiêu chí về giá cả, pháp lý vẫn sẽ có thanh khoản tốt. Đây là yếu tố khiến thị trường thời gian tới dù hạ nhiệt nhưng tốc độ giảm giá bất động sản có thể không nhanh bằng lúc tăng giá.