Đánh giá về những hệ lụy do hiện tượng "sốt đất" vào dịp đầu năm 2021 gây ra chuyên gia Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, hiện tượng này đã gây ra những tàn phá nền kinh tế, xã hội và công ăn việc làm của người dân.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, trong thời gian qua, từ “sốt đất” được nói đến ở khắp nơi, cũng là vấn đề nóng được cả Nhà nước và dư luận xã hội quan tâm. Đó cũng là chủ đề của buổi >Tọa đàm BĐS mùa Xuân lần thứ I do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) tổ chức vào sáng 26/3.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, mặc dù Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam nhưng thị trường bất động sản, giá bất động sản, "sốt" đất vẫn nóng. Đặc biệt, giá bất động sản tại một số thành phố không giảm, ngược lại còn tăng.
Lý giải điều này ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng có hai nguyên nhân: Thứ nhất, kênh đầu tư >bất động sản vẫn rất hấp dẫn và là kênh đầu tư mà người Việt tin tưởng, chỉ sau vàng và chứng khoán.
Thứ hai, nguồn cung bất động sản tại một số địa phương, như các thành phố lớn còn thiếu hụt đã đẩy giá bất động sản tăng cao.
"Đáng chú ý, "sốt" đất không chỉ ở các khu vực có quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng, mà "cơn sốt" còn xảy ra ở những vị trí không nằm trong quy hoạch, đất thổ cư trong làng xóm, thậm chí đất phi nông nghiệp như đất trồng rừng...
Những cơn sóng đó xuất hiện chủ yếu bởi các thông tin quy hoạch như sân bay, đường cao tốc giao thông, dự án của doanh nghiệp lớn.
Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng "sốt đất" đã tàn phá kinh tế, xã hội, công ăn việc làm của người dân… Những "cơn sốt" đất chúng ta đã chứng kiến ở Ba Vì, hay như mới đây ở Bình Phước... là những ví dụ điển hình", Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.
Trước thực tế đó chuyên gia Nguyễn Mạnh Hà cũng cho rằng, trong những "cơn sốt" đất, ngoài cái lợi vẫn có những thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư non trẻ, thiếu kinh nghiệm, đầu tư theo số đông.
Đồng quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, trước hết chúng ta cần cảnh giác với câu chuyện "sốt" đất nền, nó luôn là nguồn cơn của "sốt" giá bất động sản. Giá tiếp tục tăng nhưng không ai bán cả, giá tăng cao nhưng không ai bán.
"Kinh tế thực của Việt Nam có thể không đạt được tốc độ phát triển nhanh như mong muốn của Nhà nước. Cùng với đó, các nguy cơ về bùng nổ tài chính có thể xảy ra. Tôi cho rằng, không nên đua theo dòng tiền của đất nền "sốt" ảo bởi có thể dẫn đến đổ vỡ bất động sản", TS Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.
Cũng liên quan việc tăng giá đất ngay từ đầu năm, >TS. Cấn Văn Lực bổ sung thông tin cho hay, dự báo hết quý I/2021, cổ phiếu bất động sản sẽ tăng khoảng 15%, một phần do cộng hưởng "sốt" đất. Còn với lĩnh vực xây dựng, năm ngoái đã có sự tăng rất tốt, toàn ngành giá trị gia tăng tăng 6,5%, góp phần quan trọng trong GDP. Riêng chứng khoán, giá chứng khoán của các doanh nghiệp xây dựng niêm yết năm 2020 tăng 27%, và quý I/2021, đến thời điểm hiện tại tăng 31%. Chúng ta thấy rõ ràng rằng thị trường đang đánh giá lĩnh vực bất động sản và xây dựng tương đối khả quan.
Chia sẻ thêm về vấn đề liên quan đất đai, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ những vướng mắc trong Luật Đất đai. Cụ thể, theo GS Đặng Hùng Võ, từ năm 2016 - 2020, Chính phủ đã chỉ thị 4 lần về sửa đổi Luật Đất đai. Tuy nhiên từ 2016 đến nay, Luật Đất đai vẫn chưa được sửa, và có lẽ đến 2023 mới có thể thực hiện sửa.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay Luật còn rất nhiều bất cập lớn, cản trở phát triển kinh tế. Cơ hội phát triển của Việt Nam khá lớn nhưng đất đai cứ bị ách tắc với những quy định cũ. Ta có thể tóm lại các vấn đề của Luật Đất đai như sau:
Một là đất nông nghiệp, hiện nay vẫn chưa thực hiện tích tụ, tập trung đất đai có hiệu quả. Đây là câu chuyện phức tạp và cần có thay đổi. Hiện nay, chuyển nhượng đất đai tại nông thôn gần như không làm thủ tục mà giấy tay là chính.
Vấn đề thứ hai là phát triển nhà ở, hiện nay cũng có nhiều ách tắc. Hà Nội và TP.HCM là hai thị trường lớn nhất mà giai đoạn 2019 - 2020, mỗi năm chỉ phê duyệt được vài dự án. Đến tận gần đây, Chính phủ mới có Nghị định 148 gỡ vướng cho các dự án.
Vấn đề thứ 3 là ách tắc đối với các >dự án bất động sản du lịch. Luật Đất đai hiện hành chưa có dòng nào về loại hình này.
Vấn đề thứ 4 là chuyện người nước ngoài mua đất tại Việt Nam. Làm sao chúng ta ngăn chặn được những hiện tượng mua chui số lượng lớn như báo chí truyền thông đã đưa tin?
Điều quan trọng là những bất cập này tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và nó làm méo mó thị trường.
"Tình trạng sốt đất xảy ra một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền. Các quốc gia trên thế giới họ dùng hình thức phân lô bán nền chỉ để giải quyết nhà ở ở đô thị, không đưa vào thương mại. Đưa đất nền vào thương mại là điều rất tối kỵ.
Về nguyên tắc, thị trường bất động sản phải khai thác giá trị đầu tư trên đất chứ không phải chờ tăng giá đất để gặt hái lợi nhuận. Đầu tư bỏ tiền vào bất động sản để tăng giá bán đi là một hành động làm hại nền kinh tế", GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.