Nếu đề xuất dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu được đồng ý, các chuyên gia cho rằng, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản Phú Quốc.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản lấy ý kiến các Bộ xây dựng, tư pháp, tài chính, kế hoạch và đầu tư về đề nghị dừng làm quy hoạch đặc khu kinh tế của UBND tỉnh Kiên Giang.
Theo Tờ trình của UBND tỉnh Kiên Giang do Phó chủ tịch tỉnh Mai Anh Nhịn ký gửi Thủ tướng Chính phủ, tháng 8/2018, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng trở thành đặc khu kinh tế.
Tỉnh Kiên Giang đã thực hiện một số thủ tục lập quy hoạch, tuy nhiên đến nay dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội dự kiến thời gian thông qua nên việc lập quy hoạch đảo Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và lập hội đồng thẩm định. Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2004 đến nay đã không còn phù hợp với thực tế phát triển huyện đảo Phú Quốc.
Hơn nữa, theo Luật quy hoạch, việc xây dựng quy hoạch cấp huyện sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh nhưng nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội của đảo Phú Quốc hiện đã vượt quy hoạch được duyệt.
Vì vậy, nếu chờ quy hoạch tỉnh được lập theo Luật quy hoạch sẽ khó khăn cho Phú Quốc trong định hướng tiếp các mục tiêu, phương hướng phát triển, cản trở quá trình thu hút kêu gọi đầu tư vào đảo Phú Quốc.
Do đó, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị được lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đảo Phú Quốc theo hướng quy hoạch khu kinh tế Phú Quốc.
Kiên Giang cũng muốn được cho phép áp dụng hình thức lựa chọn và chỉ định thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch và được thực hiện cơ chế tự thỏa thuận khi xem xét giá trị hợp đồng và thực hiện thanh toán với tư vấn nước ngoài. UBND tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm về kết quả lựa chọn tư vấn đảm bảo năng lực, kinh nghiệm, uy tín để lập quy hoạch.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá đề xuất này của Kiên Giang rất mới nhưng nó nằm trong một sự cân nhắc về điều kiện và thời điểm để hình thành đặc khu ở Việt Nam. Đứng về mặt chủ quan, tỉnh Kiên Giang đề nghị tạm dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế là một chính kiến và một sự dũng cảm.
"Nếu chỉ dựa vào mong muốn và ý chí chủ quan mà thiếu những nghiên cứu nghiêm túc, khách quan có thể đó là sự vội vàng và không đi đến đích. Cho nên đề nghị của tỉnh Kiên Giang chỉ là đề nghị làm chậm lại quá trình xem xét mục tiêu Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế chứ về lâu dài sẽ tiếp tục nghiên cứu", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá.
Ông Châu cũng nhìn nhận, đã có một làn sóng đầu cơ >bất động sản tại Phú Quốc khi có thông tin huyện đảo này sẽ trở thành đặc khu kinh tế. Và nhiều nhà đầu tư, đội quân lướt sóng đã có mặt để tìm kiếm cơ hội. Với đề xuất tạm dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu của tỉnh Kiên Giang sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và nó sẽ thiết lập lại mặt bằng giá để chấn chỉnh tình hình đầu tư trên địa bàn. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan chức năng đấu tranh với các hoạt động đầu cơ.
"Như vậy những nhà đầu tư lướt sóng, những nhà đầu cơ cuối cùng (những người mua đất và lưu lại với giá cao) trong thời gian vừa qua có thể sẽ bị thiệt hại. Đó cũng là cái giá phải trả bởi đầu tư nhằm mục đích lướt sóng, đầu cơ, hưởng chênh lệch giá thì không bền vững", ông Châu nói.
Đồng quan điểm với ông Châu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định, đề nghị này của Kiên Giang ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. "Chúng tôi cho rằng các ưu đãi của đặc khu không có gì nhiều lắm ngoài sự phê duyệt đặc biệt, thẩm quyền xử lí đặc biệt hơn", ông Đính nói.
Theo ông Đính, nếu trở thành đặc khu thì những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Phú Quốc cũng không khác hiện nay nhiều lắm. Ví dụ ở đó vẫn giao đất đến 70 năm, những ưu đãi về thuế, chính sách, hỗ trợ...
"Thực ra, bản chất của Phú Quốc là đặc khu hay không là đặc khu thì vẫn là khu vực tiềm năng về phát triển du lịch và kinh tế. Tuy nhiên trong giai đoạn vừa qua có sự bùng nổ quá mạnh về các hoạt động đầu tư vào những khu vực nằm ngoài quy hoạch. Đó là những đầu tư nhỏ lẻ, manh mún. Sau khi Phú Quốc đình chỉ những hoạt động đó lại, một lượng tiền khá lớn của những nhà đầu tư kiểu này đã bị đọng lại. Về tâm lí, tôi nhận định các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ choáng váng", ông Đính đưa ra nhận định.
Về dài hạn, ông Đính cho rằng, trở thành đặc khu hay không thì Phú Quốc vẫn phát triển. Tuy nhiên để phát triển bền vững, tỉnh Kiên Giang cần có một quy hoạch tốt hơn, rõ hơn và đặc biệt là quản lý chặt chẽ hơn để các hoạt động đầu tư tốt hơn.
Từ cuối năm 2012, đề án lập đặc khu kinh tế Phú Quốc được UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất lên Chính phủ với mong muốn phát triển đảo Phú Quốc thành đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc Trung ương.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn - Quảng Ninh, Bắc Vân Phong - Khánh Hòa và Phú Quốc - Kiên Giang theo định hướng mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.