Nhiều dự án chung cư ở Sài Gòn đang trải qua những ngày cuối năm 2018 trong căng thẳng khi cư dân liên tục căng băng rôn “tố” chủ đầu tư có nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng, không giữ đúng cam kết hợp đồng, công tác vận hành, thu phí quản lý có nhiều bất cập.
Chủ đầu tư “cắt” bớt vật liệu?
Mới đây, nhiều cư dân đang sinh sống tại chung cư The Goldview (số 346 Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM) đã tập trung căng băng rôn để yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần May diêm Sài Gòn và đơn vị phát triển dự án là Công ty TNR Holding Việt Nam (thành viên của Công ty TNG Holding Việt Nam) giải quyết những bức xúc đang diễn ra tại chung cư này.
Những nội dung mà cư dân phản ánh được ghi rõ trên băng rôn như: “Yêu cầu đối thoại với Chủ tịch Công ty May diêm Sài Gòn”, “TNR cắt bớt thiết bị so với hợp đồng Goldview”, “Phản đối TNR thu phí cao-Quản lý tồi”, “Yêu cầu chủ đầu tư cải thiện tình hình an ninh và an toàn phòng cháy chữa cháy”, “Căn hộ cư dân The Goldview thiếu nhiều thiết bị so với hợp đồng”…
Một cư dân The Goldview cho biết, dự án đưa cư dân vào ở từ cuối năm 2017 nhưng đến nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập liên quan đến quản lý lỏng lẻo, hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa thực sự an toàn, nhiều khu vực rác thải còn tồn đọng gây mất vệ sinh, nhiều thiết bị trong căn hộ nhận bàn giao bị thiếu so với hợp đồng ký kết… Trong khi đó, mức phí dịch vụ cư dân phải đóng ở mức rất cao.
Dù đưa vào sử dụng hơn một năm nhưng đến nay, nhiều hạng mục ở chung cư The Goldview vẫn đang thi công ngổn ngang như trung tâm thương mại, nhà trẻ, phòng tập thể dục…
Trước đó, vào sáng 15/12, hàng chục cư dân đang sinh sống tại dự án >chung cư The Park Residence (đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cũng đã tụ tập căng băng rôn để phản đối chủ đầu tư về hàng loạt bất đồng tại đây.
Được biết, dự án này ban đầu do Công ty Phú Hoàng Anh làm chủ đầu tư sau đó thì lần lượt các Công ty cổ phần kinh doanh Quốc tế MIK và Alpha Holdings tham gia với vai trò đơn vị phát triển dự án.
Nhiều cư dân The Park Residence cho biết, trong quá trình xây dựng từ năm 2009 cho đến khi đưa cư dân vào ở đầu năm 2018, dự án liên tục chậm tiến độ thi công. Chủ đầu tư nhiều lần hứa hẹn sẽ đền bù tiền phạt chậm tiến độ cho khách hàng nhưng đến nay vẫn chưa trả khoản tiền này.
Trong quá trình nhận nhà, cư dân cũng phát hiện chủ đầu tư tự ý thay đổi nhiều vật liệu hoàn thiện căn hộ không tương xứng với chất lượng và giá trị những vật liệu đã cam kết trong hợp đồng.
Ngoài ra, cư dân cũng bức xúc vì dự án đã đi vào sử dụng gần 2 năm nhưng chủ đầu tư không chứng minh được các giấy tờ nghiệm thu công trình, nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy… nhiều hạng mục công cộng đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện cho cư dân.
Dù công tác quản lý của chung cư The Park Residence còn nhiều bất cập thế nhưng cư dân vẫn phải đóng mức phí quản lý cao. Chủ đầu tư dự án cũng chưa có bất kỳ thông báo nào về việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản trị.
Tranh chấp chung cư ngày càng phức tạp
Tranh chấp tại các chung cư là chủ đề không hề mới nhưng là bài toán chưa tìm được lời giải suốt nhiều năm qua. Nhiều chuyên gia khuyến cáo, tình trạng này sẽ còn bùng nổ và diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tại TP.HCM hiện có khoảng 1.200 chung cư cao tầng, TP Hà Nội có khoảng 800 chung cư, tổng cộng các thành phố trong cả nước có khoảng 3.000 chung cư. Trong số này có 108 chung cư đang xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, chiếm khoảng 3%.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới tình trạng tranh chấp tại các chung cư vẫn diễn ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của cư dân mà còn gây mất an ninh trật tự xã hội. Tại Việt Nam, >tranh chấp chung cư chủ yếu diễn ra trong việc thành lập ban quản trị nhà chung cư; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành; xác định diện tích sử hữu chung - riêng; quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì; công tác phòng cháy chữa cháy chung cư…
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, những cơ sở pháp luật liên quan đến quản lý vận hành chung cư hiện nay đã khá chặt chẽ và đầy đủ. Chẳng hạn, Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng quy định khá rõ về quản lý chung cư, trong đó có nội dung quan trọng như sử dụng quỹ bảo trì, diện tích sử dụng chung – riêng. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư cùng những chế tài xử phạt rõ ràng.
“Do đó, tranh chấp chung cư chủ yếu liên quan đến chủ đầu tư và cư dân. Nếu chủ đầu tư có trách nhiệm, đạo đức và làm ăn bài bản, thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng thì cư dân sẽ không phản đối. Ngược lại, cư dân cũng cần sáng suốt, đòi hỏi chính đáng, bởi đã có tình trạng một nhóm nhỏ cư dân vì lợi ích riêng mà cố tình kích động số đông gây áp lực với chủ đầu tư gây tranh chấp kéo dài”, vị luật sư này nói.
Nếu như trước đây, tranh chấp chung cư thường thấy ở các chung cư giá rẻ, bình dân thì nay nhiều chung cư được gắn mác “cao cấp” lại đang nở rộ tranh chấp.
Theo Hiệp hội >bất động sản TP.HCM ( HoREA), nguyên nhân chính là do việc các chủ đầu tư tự ý phong cấp dự án, rồi quảng cáo sai sự thật khi chào bán cho khách hàng. Do đó, sau khi khách hàng nhận nhà ở những dự án này thì phát hiện ra chất lượng không giống như quảng cáo ban đầu nên đấu tranh, tố cáo chủ đầu tư.
HoREA nhận định, hiện nay rất ít >dự án bất động sản đạt chuẩn cao cấp, đảm bảo chất lượng và đẳng cấp về quy hoạch, thiết kế, các tiện ích và dịch vụ. Nhiều công trình chung cư cao tầng được chủ đầu tư tự phong dự án cao cấp nhưng chưa hề được Sở Xây dựng hoặc đơn vị đánh giá độc lập công nhận.
HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung các hướng dẫn quy định tiêu chí của chung cư cao cấp, hạng sang và siêu sang cho căn hộ đã xây dựng hoặc hình thành trong tương lai để tránh tình trạng tự phong “cao cấp” một cách tùy tiện như hiện nay.