Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc tổ chức bán đấu giá tài sản bị kê biên của Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng, đồng thời kiến nghị xử lý đối với các cá nhân có sai phạm.
Bán đấu giá không minh bạch
Liên quan việc Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra nội dung phản ánh của bà Vũ Thị Kiều Oanh trong việc bán đấu giá tài sản bị kê biên của Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng (gọi tắt là Công ty Gia Sàng), nguồn tin củaTiền Phong cho biết, trước đấy ngày 30/7/2018, Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành Kết luận thanh tra số 28/KL-TTr xác minh những nội dung tố cáo của bà Oanh đối với việc tổ chức thi hành án và bán đấu giá tài sản.
Kết luận của thanh tra Bộ Tư Pháp chỉ rõ nội dung tố cáo của bà Oanh là có một phần cơ sở. Trong đó là việc chấp hành viên ban hành Quyết định số 04/QĐ-CCTHA về việc sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án là trái pháp luật, kê biên tài sản không phải tài sản thế chấp cho Ngân hàng Công thương nhưng lại đảm bảo thi hành án cho ngân hàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình bà Oanh là người đã dùng tài sản của mình bảo lãnh cho Công ty Gia Sàng vay tiền của Ngân hàng Đông Á.
Điều đáng nói, hoạt động bán đấu giá tài sản không khách quan, minh bạch, cụ thể là đưa vào quy chế bán đấu giá những điều kiện bắt buộc trái pháp luật với người tham gia đấu giá.
Ngoài ra, kết luận thanh tra chỉ rõ, trong quá trình tổ chức thi hành các bản án đối với người phải thi hành án là Công ty Gia Sàng, Chi cục thi hành án dân sự (THADS) thành phố Thái Nguyên có một số tồn tại, vi phạm như: Không kê biên những tài sản không phải là tài sản thế chấp của Ngân hàng Công thương để đảm bảo thi hành án cho Ngân hàng Đông Á mà lại tổ chức kê biên tài sản của người bảo lãnh; trả lại đơn yêu cầu của Ngân hàng Đông Á khi Công ty Gia Sàng còn tài sản để bảo đảm thi hành án là không thực hiện đúng Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
“Việc làm nói trên làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Hộ, bà Oanh là người bảo lãnh cho Công ty Gia Sàng vay tiền của Ngân hàng Đông Á”, kết luận của thanh tra Bộ Tư pháp chỉ rõ.
Thanh tra Bộ Tư pháp cũng đề nghị Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên tiếp tục thi hành buộc Công ty Gia Sàng phải trả lại gia đình bà Oanh, ông Hộ số tiền 4 tỷ đồng đã trả cho Ngân hàng Đông Á thay Công ty Gia Sàng và tiến hành.
Thanh tra Bộ Tư pháp yêu cầu Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên tổ chức họp kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân, có hình thức xử lý kỷ luật người có trách nhiệm, liên quan tương xứng với hành vi sai phạm.
Loạt vi phạm, thiếu sót yêu cầu kiểm điểm, xử lý
Tại kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp cũng chỉ ra trong quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản bị kê biên, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tỉnh Thái Nguyên có nhiều vi phạm, thiếu sót: Ký phụ lục hợp đồng sau khi đã tổ chức bán đấu giá tài sản; quy chế bán đấu giá quy định thời gian đấu giá không cụ thể, rõ ràng, quy định hình thức đấu giá không có sự thống nhất của người có tài sản bán đấu giá; thiếu trách nhiệm trong việc quản lý hồ sơ bán đấu giá tài sản; bán đấu giá tài sản khi có một người đăng ký nhưng lại đang có khiếu nại về quá trình thi hành án, bán đấu giá tài sản.
Những tồn tại, vi phạm nói trên của Trung tâm phần nào là nguyên nhân dẫn đến tố cáo của bà Oanh với nội dung tố việc bán đấu giá không khách qua, minh bạch. Thanh tra Bộ Tư pháp cho rằng Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tỉnh Thái Nguyên phải xem xét, xác định trách nhiệm cá nhân và có hình thức xử lý nghiêm, tương xứng với các vi phạm.
“Quá trình thanh tra chưa phát hiện được sự thông đồng, dìm giá của người mua đấu giá với Trung tâm và những vi phạm nói trên chưa đủ căn cứ để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là huỷ kết quả bán đấu giá theo Nghị định 110/2013 của Chính phủ”- Thanh tra Bộ Tư pháp cho hay.
Được biết, không chỉ yêu cầu làm rõ về bán đấu giá tài sản bị kê biên của Công ty Gia Sàng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình còn yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra làm rõ việc thu hồi đất của Công ty Gia Sàng cho Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) thuê để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà máy luyện cán thép nhưng sau đó lại chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng khu đô thị Thái Hưng Eco City tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên.
Như Tiền Phong phản ánh, trước đó tháng 7/2016, Công ty Thái Hưng đã trúng đấu giá tài sản của Công ty Gia Sàng với số tiền gần 57 tỷ đồng. Trước cổ đông và người lao động thép Gia Sàng, Công ty Thái Hưng cam kết: sẽ thực hiện đúng các điều kiện khi tham gia đấu giá, bao gồm đầu tư xây dựng cải tạo và khôi phục sản xuất Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo an ninh trật tự trên địa phương.
Ngày 23/9/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định 2448/QĐ-UBND về việc thu hồi gần 21,4ha đất của Công ty Gia Sàng cho Công ty Thái Hưng thuê; Ngày 25/12/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ cho Công ty Thái Hưng nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500 Dự án Thái Hưng Eco City. Chỉ sau đó 2 ngày (tức ngày 27/12/2017) Quy hoạch chi tiết Dự án Thái Hưng Eco City chính thức được phê duyệt. Đến ngày 29/10/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên chính thức cho phép Công ty Thái Hưng chuyển mục đích sử dụng gần 21,4ha đất của Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng sang mục đích xây dựng khu đô thị mới Thái Hưng Eco City để xây dựng dự án >bất động sản nghìn tỷ.
Dự án Thái Hưng Eco City do Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng (gọi tắt là Công ty Thái Hưng) làm chủ đầu tư. Dự án tọa lạc tại mặt tiền Quốc lộ 37, nối liền 2 tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang, thuộc phường Gia Sàng. Đây là khu đất gồm gần 22ha đất chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (đất nhà máy thép Gia Sàng - PV) và hơn 13ha đất mở rộng thêm. Dự án có tổng mức vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Các hạng mục chủ yếu như khu nhà phố thương mại (shophouse), nhà liền kề, nhà ở biệt thự, nhà ở xã hội, khu trường học, khu dịch vụ thương mại..., hiện dự án đang trong quá trình xây dựng hạ tầng nhưng trên thị trường lâu nay các sàn bất động sản đang chào bán các sản phẩm nhà liền kề.