Việc lấp đoạn sông Cầu Tràm (còn gọi là rạch Trị Yên) dài 1,2km, kéo theo ngập lụt, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở Long An, chỉ là hậu quả trước mắt. Tác động lâu dài vẫn là điều khôn lường, nếu thiếu đánh giá tác động môi trường từ các nhà chuyên môn.
Cần xem lại đánh giá tác động môi trường
Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM), việc lấp hay tạo mới sông rạch nói chung, đều phải dựa vào khoa học và có sự đánh giá tác động tốt và tác động xấu. Điều này được thực hiện thông qua ý kiến của các sở ngành; ý kiến của người dân qua việc quy hoạch dự án (Luật Quy hoạch); điều tra lập báo cáo tác động môi trường. Như trường hợp lấp Sông Đồng Nai thì sai về quy hoạch, sai về báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Luật sư Phượng cho rằng, việc lấp kênh rạch (lấp hoàn toàn dòng chảy) và chỉnh dòng chảy của các tuyến sông, suối, kênh, rạch được thực hiện tại nhiều địa bàn. Ngoài ra, có thể thực hiện ngay tại các dự án đầu tư, được thực hiện theo quy định pháp luật, tùy theo loại công trình.
“Ở góc độ chung, việc quản lý thực hiện thông qua việc đánh giá tác động môi trường (các vùng bị ảnh hưởng: vùng cận kề, vùng hạ lưu…) và quy hoạch (ngay tại địa bàn).
Ở mức độ chuyên ngành, việc quản lý thực hiện thông qua các cơ quan chuyên ngành như: Sở Giao thông Vận tải (nếu có chức năng giao thông thủy và thoát nước), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nếu công trình thủy lợi) và các cơ quan chức năng khác như: Sở Tài nguyên và Môi trường (xác định phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ), UBND quận huyện quản lý chung tại địa phương.
Do đó, dù được UBND tỉnh hoặc UBND huyện thông qua việc phê duyệt dự án, phê duyệt quy hoạch của dự án, mà nhận thấy việc thực hiện dự án có tác động tiêu cực đến vùng dự án hoặc vùng liên quan đến dự án, thì cần kiểm tra về báo cáo tác động môi trường, việc lấy ý kiến về quy hoạch có thể có sự chưa chính xác, chưa phù hợp thực tế nên có những ảnh hưởng như vậy”, luật sư Phượng phân tích.
Đảm bảo dòng chảy lưu thông là chưa đủ
Luật sư Trần Thái Bình, Công ty luật LNT & Partners, cho rằng, trong vấn đề quản lý sông ngòi, về Luật thì hiện có Luật Tài nguyên nước. Điều 31 của Luật này có quy định về Hành lang bảo vệ nguồn nước. Trong đó, có mục UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
Từ quy định này, mỗi tỉnh sẽ phải lập quy hoạch về mạng lưới đường sông, kênh rạch, thủy lợi. Đồng thời sẽ ban hành quyết định về phân cấp quản lý công trình thủy lợi, trên địa bàn tỉnh. Quyết định này sẽ phân sông rạch ra thành các cấp 1, 2, 3 và các cơ quan tương ứng từ Trung ương đến địa phương sẽ được phân công quản lý.
Nghị định 43, năm 2015 cũng có quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, để hướng dẫn các tỉnh, về việc quản lý hành lang đường sông. Dựa trên quy định đó, các tỉnh sẽ có quy hoạch cụ thể đối với từng sông rạch.
Theo luật sư Trần Thái Bình, nếu việc lấp sông rạch là do doanh nghiệp hoặc cá nhân làm, thì cần phải xem xét họ có sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước không? Để chấp thuận thì cơ quan nhà nước cũng phải dựa trên các quy hoạch và pháp lý về sông rạch.
Trong các quy định về quản lý dòng chảy, quản lý hành lang an toàn sông rạch, thì sẽ có quy định sông rạch đó cấp mấy? Có liên quan tới tỉnh khác hay không? Điều kiện lưu thông, giao thông như thế nào? Khi lấp, chặn, thay đổi dòng chảy sẽ ảnh hưởng tới những vấn đề về tự nhiên và xã hội. Do đó, cần có những ý kiến đánh giá của các chuyên gia cũng như phải có đánh giá về tác động môi trường, xã hội. Chứ không phải chính quyền muốn làm là làm.
“Việc đánh giá tác động môi trường tùy thuộc vào cấp độ của sông rạch sẽ có cơ quan tương ứng tiến hành thẩm duyệt. Cụ thể như con sông, rạch chảy qua các tỉnh khác nhau thì phải cấp Trung ương phê duyệt.
Việc nắn chỗ này, thay đổi chỗ kia mà vẫn đảm bảo dòng chảy lưu thông là chưa đủ. Việc này còn liên quan tới nhiều vấn đề khác về môi sinh, môi trường, về thủy triều… Việc nắn dòng như vậy có gây ra tình trạng sạt lở 2 bên bờ hay không? Việc này cần có sự đánh giá của các cơ quan chuyên môn, không chỉ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đó thôi, mà phải có cơ quan khoa học như viện nghiên cứu họ đánh giá về những tác động này”, luật sư Bình nêu quan điểm.
Liên quan đến việc lấp rạch Trị Yên, luật sư Bình cho rằng, việc lấp rạch, chuyển dòng chảy như vậy, về nguyên tắc phải có đánh giá tác động môi trường. Thứ 2 là phải có sự bàn bạc, thống nhất với những người dân quanh khu vực đó, vì dự án ảnh hưởng tới >đời sống của họ.
“Nói chung, những dự án phát triển hạ tầng hay các dự án >bất động sản ảnh hưởng tới đời sống của người dân quanh khu vực, cũng phải có thủ tục đánh giá, lấy ý kiến nhân dân. Cần làm rõ dự án này có những thủ tục đó hay không?
Việc chính quyền đánh giá đoạn rạch Trị Yên bị bồi lắng, sạt lở… chỉ là đánh giá 1 chiều. Như tôi đã nói, cần phải có ý kiến chuyên môn ở góc độ khoa học của các chuyên gia. Chứ không phải là Sở Tài nguyên và Môi trường thấy đúng là đúng”, luật sư Bình nhận định.