Việc UBND tỉnh Bình Thuận giao nhiều ha đất có vị trí “độc nhất vô nhị” cho doanh nghiệp không qua đấu giá khiến người dân lo ngại thất thu cho ngân sách nhà nước.
Hàng loạt dự án mà Bình Thuận giao cho doanh nghiệp không thông qua đấu giá có thể kể đến: Năm 2017 UBND tỉnh Bình Thuận ký một loạt văn bản giao gần 123ha dự án ở phường Đức Long, TP. Phan Thiết cho Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trường Phúc Hải; hay như dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương, do Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và Hoá chất Việt Nam làm chủ đầu tư, thuộc địa bàn các xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam), xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết), tỉnh Bình Thuận.
Để có được dự án này thì Bình Thuận phải chấp nhận "hy sinh", đốn bỏ 7,17 ha cây dương 25 năm tuổi, tươi tốt, chắn sóng, ngăn gió, có nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Điều đáng nói, dự án này khi giao cho doanh nghiệp UBND tỉnh Bình Thuận cũng không tổ chức qua đấu giá đất.
Tương tự là có thể kể đến việc UBND tỉnh Bình Thuận giao 4.766,8m2 đất sạch có vị trí 4 mặt tiền tại phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết cho Công ty TNHH Giáo dục và Đầu tư Hòa Thắng thuê 50 năm vào năm 2017; hay như việc giao 92.600m2 đất sạch do Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý cho Công ty Cổ phần Tân Việt Phát thực hiện dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát. Hai dự án nói trên đều được UBND tỉnh Bình Thuận giao đất không thông qua đấu giá.
Trước thông tin các dự án giao đất không thông qua đấu giá nói trên, nhiều bạn đọc đã lên tiếng bày tỏ những lo lắng trong công tác quản lý đất đai ở Bình Thuận.
Bạn đọc N.A cho rằng: Việc giao đất không thông qua đấu giá khiến nhà nước thất thu phần lớn tiền ngân sách. N.A đưa ra dẫn chứng, mới đây tỉnh Đồng Nai tiến hành đấu giá 2 khu đất tại huyện Long Thành và TP Long Khánh thu về hàng ngàn tỷ cho >ngân sách nhà nước. Điều đáng nói số tiền này cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.
Cụ thể, khu đất hơn 23,4 ha tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành được quy hoạch thực hiện khu dân cư có giá khởi điểm 914 tỷ đồng, thông qua đấu giá CTCP Bất động sản STC Golden Land (Hà Nội) đã trúng đấu giá với số tiền hơn 1.626 tỷ đồng, gấp 1,8 lần giá khởi điểm.
Hay như khu đất 21,3 ha tại TP Long Khánh được quy hoạch thành đất ở đô thị và đất thương mại dịch vụ có giá khởi điểm 659 tỷ đồng. CTCP Bất động sản Mỹ (Hà Nội) đã trúng đấu giá với số tiền 1.229 tỷ đồng, gấp 1,9 lần giá khởi điểm.
“Trong nhiều trường hợp ở nhiều địa phương đã hình thành nên các “nhóm lợi ích” đất đai. Thông qua sự hợp tác này, nhà đầu tư phát triển, doanh nghiệp có thể lấy đất để thực hiện dự án với chi phí thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường. Tuy nhiên, mặt trái là nhà nước lại thất thu hàng trăm, nghìn tỷ từ những khu đất vàng. Có thể thấy Đồng Nai là một trong những địa phương làm tốt việc đấu giá đất…”, bạn đọc H nói.
“Có thể thấy việc giao đất không thông qua đấu giá, khiến ngân sách nhà nước bị thiệt hại. Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc điều tra, làm rõ những bức xúc này…”, một bạn đọc nói.
Liên quan đến việc giao đất không thông qua đấu giá, mới đây Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai ở nhiều địa phương. Tại Khánh Hòa, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận về việc chuyển đổi >nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác; kiểm tra, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại một số dự án ở tỉnh Khánh Hoà giai đoạn 2010-2017. Theo đó, cả 35 dự án được thanh tra thì tất cả đều bị sai.
Điển hình như dự án The Arena (Khu du lịch nghỉ dưỡng Trần Thái), phường Cam Nghĩa, TP.Cam Ranh, do Công ty cổ phần Trần Thái làm chủ đầu tư; diện tích đất thuê liên tục thay đổi qua nhiều lần điều chỉnh (27,24ha lên 29,29ha) 8.852 m2. Dự án đang thực hiện, chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý.
Thanh tra Chính phủ cho biết UBND tỉnh Khánh Hoà lựa chọn chủ đầu tư không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là vi phạm Điều 54 Luật Đầu tư năm 2005 cùng với đó dự án đã được cấp CNĐT từ năm 2009 nhưng đến nay sau 10 năm nhưng tiến độ rất chậm.
Cụ thể, từ ngày 19/12/2009 đến ngày 15.5.2014 dự án đã được điều chỉnh 2 lần chứng nhận đầu tư (CNĐT). Sau gần 3 năm kể từ ngày cấp CNĐT lần đầu (tháng 12/2009) thì dự án mới được UBND tỉnh Khánh Hoà phê duyệt QHCT 1/500. Trong giai đoạn 2013-2017 dự án lại tiếp tục được UBND tỉnh Khánh Hoà điều chỉnh QHCT 1/500 thêm 5 lần nữa. Trong đó lần thứ 5 diện tích thực hiện dự án đã được tăng lên 29,29ha (trước đó là 27,4ha)…
”