Mới chỉ kiểm kiểm đếm đất đai của 276 hộ dân ở Đồng Nai, song có tới 179 hộ không thể kiểm kê được vì đất vắng chủ.
Để kịp tiến độ khởi công vào đầu năm 2020, công tác kiểm kê đất đai của Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã sớm được triển khai. Thế nhưng, việc kiểm kê mới chỉ bắt đầu thì đã phát sinh nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Giai đoạn 1 của Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Sân bay Long Thành có quy mô 1.165ha đất, trong đó khoảng 1.000ha do Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý, còn lại là đất của các hộ gia đình, cá nhân khoảng 165ha với 455 hộ.
Vừa qua, UBND huyện Long Thành đã tiến hành đo đạc, kiểm đếm đối với các hộ có đất bị thu hồi, nhưng chỉ kiểm đếm được 276 hộ, còn 179 hộ chưa được kiểm đếm. Lý do là chủ hộ không đến, đi vắng; sai thông báo thu hồi đất do thông tin địa chính không khớp với giấy tờ đất đai, giấy tờ về nhân thân (CMND, hộ khẩu…) do các hộ dân cung cấp; chủ sử dụng không xác định được ranh thửa đất, không xác định được chủ sử dụng đất, mua bán, cho tặng bằng giấy tay…
Đất vắng chủ nên việc đo đạc, kiểm đếm gặp khó khăn. Đây là hậu quả của việc >Dự án Sân bay Long Thành “treo” suốt hàng chục năm, nhưng việc mua bán, sang nhượng, tách thửa đất bị cấm hoàn toàn. Nhiều người không thể chờ đợi ngày nhận tiền đền bù đã bỏ đi nơi ở mới, bán đất bằng giấy tay hoặc tìm cách lách luật bán dưới hình thức ủy quyền.
Ông Hoàng Hữu Minh, Phó chủ tịch UBND xã Bình Sơn, huyện Long Thành cho biết: “Có trường hợp mua bán bằng giấy tay, theo quy định thì không được chuyển nhượng. Khi đi khảo sát, đo đạc phải kiếm được chủ chính nên gây khó khăn. Chưa có văn bản nào hướng dẫn việc đó”.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành, tính chung toàn dự án sân bay sẽ có khoảng 5.200 trường hợp thuộc diện thu hồi đất, nhưng qua rà soát hồ sơ thì chỉ có gần 2.800 trường hợp có địa chỉ, hơn 1.000 trường hợp địa chỉ không rõ ràng và số đất vắng chủ có thể lên tới khoảng 1.500 trường hợp.
Dân chưa hết lo
Trên trục đường ĐT769 dẫn vào vùng lõi dự án sân bay, 2 khu vực rừng cao su đang được đốn hạ. Đây là 2 khu tái định cư, mỗi khu có diện tích khoảng 282ha, sẽ là nơi ở mới của những gia đình nhường đất làm sân bay. Đất sạch đã có, cơ quan chức năng đang khẩn trương để có thể khởi công 2 khu tái định cư này ngay trong năm 2019. Nhưng với người dân phải di dời thì vẫn chưa hình dung được cuộc sống ở khu tái định cư sẽ như thế nào.
Vợ chồng ông Võ Minh Tâm (65 tuổi, ấp Suối Trầu 1, xã Bình Sơn) có 3 người con trai đều đã lập gia đình, sinh con đẻ cái. Hơn 3ha đất canh tác vợ chồng ông khai phá trước đây lẽ ra đã được chia đều cho 3 người con để xây dựng cuộc sống riêng, nhưng do vướng dự án sân bay, hơn chục năm nay ông Tâm chỉ có thể tách hộ khẩu cho các con, còn chia đất cho từng người thì không được phép.
Ông Tâm biết, theo chủ trương khi di dời ông sẽ được đền bù, được bố trí nơi ở mới trong khu tái định cư. Nhưng 3 gia đình nhỏ của 3 người con sẽ không được cấp suất tái định cư chính mà chỉ được “suất phụ”, đồng nghĩa với việc phải đóng thêm tiền
“Như tôi không tách được cho các con thì chắc chắn sẽ phải đóng hạ tầng cơ sở. Như vậy sẽ rất thiệt thòi. Nếu tách được thì đỡ, số tiền hạ tầng cơ sở sẽ nhẹ hơn, còn không tách được sổ thì chắc chắn số tiền hạ tầng sẽ cao hơn”, ông Võ Minh Tâm nói.
Những trường hợp như gia đình ông Tâm ở Bình Sơn không hiếm. Có thể đây sẽ là một vướng mắc mới cho công tác đền bù, bố trí tái định cư. Bởi quỹ đất trong 2 khu tái định cư cho dự án sân bay là có hạn, trong khi hơn chục năm qua, những gia đình mới như các con ông Tâm là rất nhiều.
Thêm vào đó, do chưa có bảng giá đền bù, hỗ trợ nên người dân vẫn rất băn khoăn, không biết sẽ nhận được bao nhiêu tiền để lo cho cuộc sống mới dù ngày di dời đã cận kề.
Bà Bùi Thị Lệ Thu, ấp Suối Trầu 1, xã Bình Sơn nói: “Tôi có 3ha đất, hàng năm vợ chồng tôi vẫn lao động, cuộc sống vẫn bình thường. Hiện giờ, giá đền bù có thể không đòi hỏi được bằng như người dân khu bên ngoài, nhưng cũng phải tương đương để chúng tôi không bị thiệt thòi”.
Theo Ban chỉ đạo Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ đã bố trí hơn 11.000 tỷ đồng cho UBND tỉnh Đồng Nai để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng dự án. Nhưng đến thời điểm này, số tiền giải ngân mới chỉ đạt khoảng 2% nguồn vốn đã bố trí.
Vẫn biết đây là một dự án rất lớn và chưa có tiền lệ, song nếu các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương không sớm có giải pháp quyết liệt, giải quyết những vướng mắc phát sinh, ổn định >đời sống, tâm lý cho người dân, thì khả năng tiến độ toàn dự án sẽ bị ảnh hưởng là rất lớn.