Việc ồ ạt đầu tư xây dựng khách sạn khiến lượng phòng khách sạn tại tỉnh Khánh Hòa đã tăng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của khách du lịch.
Gần 1 năm trở lại đây, giá phòng lưu trú tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã giảm sâu, có những phòng giảm đến 60% so với cùng thời điểm năm trước. Trên các trang mạng xã hội, các đại lý lữ hành, nhiều khách sạn thông báo giảm giá đến 70% so với giá niêm yết. Có khách sạn quảng cáo 4 sao, sau khi giảm chỉ còn hơn 600.000 đồng lưu trú một ngày đêm. Có những căn hộ du lịch nằm trên đường Phạm Văn Đồng được quảng cáo chỉ hơn 500.000 đồng mỗi phòng.
Theo ông Lê Văn Sơn, Tổng Giám đốc khách sạn Liberty Central Nha Trang, Chi hội trưởng Chi hội Khách sạn kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang- Khánh Hòa, mấy năm trước khi lượng khách Trung Quốc và Nga đến Nha Trang tăng mạnh, lượng phòng không đủ đáp ứng nhu cầu nên nhiều nhà đầu tư đã ồ ạt mua đất xây khách sạn. Cung vượt cầu nên nhiều doanh nghiệp đã hạ giá bán dẫn đến chất lượng không đảm bảo.
“Mọi người đua nhau để hạ giá, đua nhau để kiếm khách, chắc chắn rằng các khách sạn sẽ giảm chất lượng rất nhiều. Ví dụ như hiện giờ có 1 căn hộ 5 sao, bán có 415.000 đồng/phòng/ngày, trừ chi phí 20% cho Agoda, trừ tiền ăn sáng 140.000 cho 1 phòng, cộng thêm điện, nước, chăn, ga mền gối cùng các chi phí khác. Coi lại cái phòng đó không còn đồng nào nữa” - ông Lê Văn Sơn cho biết.
Năm qua, lượng khách đến Khánh Hòa tăng khoảng 16% nhưng lượng phòng tăng đến 30%. Đến cuối năm 2018, tỉnh Khánh Hòa có khoảng 40.000 phòng lưu trú, dự kiến tăng thêm 10.000 phòng trong năm nay. Mặt khác, du lịch Khánh Hòa đang chịu sự cạnh tranh gay gắt khi các hãng lữ hành mở thêm nhiều tour tuyến mới đưa khách đến các tỉnh lân cận. Công suất phòng giảm sâu, nhiều doanh nghiệp đua nhau hạ giá dẫn đến nhiều hệ lụy như: giảm chất lượng dịch vụ, gây mất niềm tin của khách hàng, chậm thu hồi vốn, nguy cơ vỡ nợ…
Tại Hội nghị đối thoại nhằm tìm giải pháp ổn định giá dịch vụ lưu trú, nhiều ý kiến của các thành viên Hiệp hội Du lịch đề nghị hiệp thương đưa ra giá sàn để tránh phá giá, giữ chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng việc đưa ra giá sàn là bất khả thi.
“Mỗi đơn vị kinh doanh có những chiến lược bán hàng khác nhau, đặc biệt sản phẩm dịch vụ hoàn toàn khác nhau. Chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, nó nói lên giá trị của sản phẩm, người ta sẽ định giá giá trị sản phẩm để bán ra thị trường. Thống nhất một nền giá quan điểm là chưa phù hợp lắm và chưa phù hợp với cơ chế thị trường” - bà Lê Thị Hồng, Phó Tổng giám đốc Khu du lịch Champa nêu ý kiến.
Hiện nay, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa đang mất cân đối, lượng phòng khách sạn quá nhiều nhưng lại thiếu các dịch vụ vui chơi, >giải trí, thương mại phục vụ du khách. Các nhà đầu tư cũng chưa quan tâm đến việc xúc tiến, quảng bá, đưa khách đến Nha Trang.
Bên cạnh đó, lượng khách sạn lại tập trung quá nhiều tại một số phường ven biển, khu trung tâm thành phố Nha Trang dẫn tới tình trạng hạ tầng bị quá tải, môi trường bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang- Khánh Hòa cho rằng, thay vì cùng bắt tay giữ giá, các doanh nghiệp nên bắt tay quảng bá để thu hút khách; các khách sạn cũng cần xây dựng thương hiệu của riêng mình để tránh bị ép giá.
“Hiện nay, chưa có thống nhất chung của Hiệp hội, theo cá nhân, để giải quyết về vấn đề giá thì nghiêng về giải pháp đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường khách đến thì lúc đó sẽ giải quyết được vấn đề giá. Nhất là các dịch vụ phụ trợ ngoài khách sạn ra. Thực tế, khách sạn đang nhiều sẽ khó khăn về thị trường, muốn có khách thì phải đa dạng sản phẩm, đi làm thị trường, đi kiếm khách” - ông Thành nói.
Theo ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, thực trạng các doanh nghiệp đua nhau hạ giá ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Nha Trang nhưng các doanh nghiệp cũng không thể thông qua Hiệp hội du lịch để bắt tay quy định giá sàn. Làm như vậy sẽ vi phạm luật cạnh tranh. Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, chất lượng dịch vụ.