Đặt niềm tin vào căn hộ được quảng cáo cao cấp, hạng sang, nhưng nhận nhà thì khách hàng vỡ mộng, vì thực tế không phải như vậy. Làm sao để không biến mình thành nạn nhân của những dự án dùng chiêu trò này?
Đừng thấy dát vàng mà tưởng hạng sang
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chưa có thống kê về tình trạng quảng cáo một đằng, giao nhà một nẻo. Tuy nhiên, chỉ cần theo thống kê các dự án được báo chí phản ánh, thì số dự án quảng cáo là cao cấp nhưng thực tế bàn giao lại chỉ thuộc hạng trung bình là khá nhiều. Nguyên nhân của việc này là do các quy định về việc đánh giá thứ hạng căn hộ, của các dự án hình thành trong tương lai, chưa được thiết thực, đầy đủ.
“Hiện chúng ta vẫn đang loay hoay trong việc xếp hạng căn hộ, nhiều khi không biết thế nào là hạng sang, thế nào là căn hộ trung cấp. Việc đánh giá này phụ thuộc vào cảm quan của người mua và giá bán của căn hộ.
Trong khi đó, bản thân nhiều người mua nhà thực sự không thể đánh giá được thứ hạng của căn hộ, thường nghe người ta nói là cao cấp, là hạng sang thì thì biết vậy. Còn giá bán thì lại phụ thuộc vào từng thời điểm của thị trường. Có khi là căn hộ trung cấp nhưng khi sốt, giá bán có thể bị đẩy lên cao ngang với căn hộ hạng sang khiến người mua nhầm tưởng đó là căn hộ hạng sang”, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, đánh giá.
Cũng theo ông Quang, thông thường, ở các nước phát triển, ngoài căn hộ mẫu sẽ có hình ảnh 3D toàn bộ tòa nhà, từ sảnh, cầu thang, hành lang rồi vào trong nhà, thậm chí cả hệ thống PCCC cũng được thể hiện chi tiết, cho khách hàng dễ xem và đánh giá.
“Còn ở Viêt Nam thì căn hộ mẫu thường chỉ có bên trong căn hộ. Do đó, nhiều khi chỉ thấy nội thất sang chảnh hoặc có vài chỗ dát vàng thì gọi là căn hộ hạng sang, nhưng thực tế không phải như vậy. Căn hộ sang hay không sang còn phụ thuộc vào nhiều tiêu chí khác”, ông Quang chia sẻ.
Khách hàng không nên quá tin vào lời quảng cáo
Chủ tịch HoREA cho rằng, Bộ Xây dựng mới chỉ có quy định về việc xếp hạng >chung cư tại Thông tư 31/2016/TT-BXD. Về cơ bản nếu là căn hộ cao cấp thì ít nhất phải đạt được chuẩn A của quy định này. Bởi, chuẩn A là chuẩn cao nhất về xếp hạng căn hộ hiện nay.
“Chủ đầu tư có thể quảng cáo căn hộ của họ là siêu sang, căn hộ dát vàng, căn hộ cung đình hay căn hộ hoàng gia… Còn là khách hàng thì trước hết phải xem xét căn hộ đó có đạt được chuẩn A hay không? Nếu căn hộ đạt được chuẩn A, hoặc trên chuẩn A thì có thể gọi là căn hộ cao cấp.
Tuy nhiên, việc đánh giá này chỉ có thể thực hiên sau khi dự án đã hoàn thành, nên cũng rất khó cho khách hàng, trong việc tránh bị lừa, khi mua những căn hộ được quảng cáo là cao cấp”, ông Châu nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý Nhà Toàn Cầu (Global Home) cho rằng: “Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, quy định phân hạng mang tính tham chiếu, tự nguyện và được diễn ra sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Còn trước khi dự án hoàn thành, vì một số lý do chủ đầu tư có thể quảng cáo với những mỹ từ như: Cao cấp, hạng sang.
Các cụm từ cao cấp hay hạng sang, không nằm trong quy định về phân hạng, mà chỉ có hạng A,B,C theo thông tư 31/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Do đó, việc chủ đầu tư quảng cáo là hạng sang nhưng khi bàn giao nhà chỉ ở hạng trung bình, thì cũng không vi phạm quy định”.
Theo ông Thành, người mua nhà cần phải đánh giá lại lời quảng cáo, không nên quá tin vào lời quảng cáo của chủ đầu tư. Đồng thời, phải xem kỹ bản vẽ công trình, danh mục trang thiết bị bên trong và ngoài căn hộ, xem xét uy tín của chủ đầu tư và sự cam kết của chủ đầu tư về dự án. Cam kết bằng văn bản mới có giá trị ràng buộc về chất lượng công trình có đúng như quảng cáo hay không.