Từng dính tới “lùm xùm” tại dự án thủy điện Tà Thàng công suất 60MW, thuộc xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai nhưng Vietracimex vẫn được chọn làm chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Ô Môn II có tổng mức đầu tư 26.000 tỷ đồng khiến dư luận lo lắng?
Vì sao Vietracimex được chọn?
Cụ thể, liên danh Vietracimex - Tập đoàn Marubeni vừa được Bộ Công thương đề xuất giữ vai trò chủ đầu tư Dự án >Nhiệt điện Ô Môn II có tổng mức đầu tư 26.000 tỷ đồng, sau khi cam kết huy động đủ vốn mà không cần Chính phủ bảo lãnh.
Để thực hiện dự án Nhiệt điện Ô Môn II, Bộ Công thương đã có công văn số 2493/BCT-ĐL ngày 10.4.2019 trình lên Thủ tướng Chính phủ về 2 đề xuất. Thứ nhất, giao cho liên danh Vietracimex - Tập đoàn Marubeni làm chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Ô Môn II.
Thứ hai, các Bộ, ban ngành liên quan cho ý kiến về việc điều chỉnh công suất Dự án Nhiệt điện Ô Môn II thành 1.050 MW (+- 10%) kèm theo tiến độ vận hành vào năm 2023-2024.
Văn phòng Chính phủ sau khi nhận được đề xuất từ Bộ Công thương đã ngay lập tức có văn bản gửi Bộ Xây Dựng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính...cùng các ban ngành, trưng cầu ý kiến về đề xuất của Bộ Công Thương để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng, lựa chọn chủ đầu tư cho dự án Ô Môn II.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II là một trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn theo quy hoạch điện VII điều chỉnh (với công suất 750 MW), tổng mức đầu tư dự kiến là 26.000 tỷ đồng, dự kiến vận hành năm 2026.
Trong số 4 dự án, Nhiệt điện Ô Môn I đã đi vào vận hành dưới sự quản lý của EVNGENCO II, Nhiệt điện Ô Môn III đang được EVN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư, Nhiệt điện Ô Môn IV do EVN làm chủ đầu tư. Riêng dự án Nhiệt điện Ô Môn II với số vốn đầu tư 26.000 tỷ vẫn đang trong quá trình đề xuất thực hiện đầu tư.
Cùng với Liên danh Vietracimex - Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản), Tổng Công ty phát điện II EVNGENCO2 cũng được đề xuất trở thành chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện Ô Môn II. Tuy nhiên, sau khi xem xét và đánh giá, Bộ Công thương quyết định đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao dự án cho Liên danh Vietracimex - Marubeni thực hiện.
Năng lực Vietracimex như thế nào?
Trong 2 đề xuất chủ đầu tư, EVNGENCO2 có kinh nghiệm thực hiện dự án nhưng lại không có được năng lực tài chính vững vàng như Liên danh Vietracimex - Marubeni và có nhiều rủi ro trong quá trình huy động vốn. Trong khi đó, Liên danh Vietracimex - Marubeni cam kết thu xếp đủ vốn cho dự án Nhiệt điện Ô Môi II mà không cần Chính phủ đứng ra bảo lãnh.
Cùng là những nhà đầu tư kinh nghiệm, năng lực tài chính vượt trội hơn của Liên danh Vietracimex - Marubeni là một trong những lý do khiến Bộ Công thương đề xuất Chính phủ giao dự án cho đơn vị này. Tuy nhiên, Bộ cũng cho rằng cần lấy ý kiến các cơ quan chuyên ngành liên quan như Bộ Xây Dựng, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp… để đánh giá cụ thể về năng lực của Liên danh Vietracimex - Marubeni.
Theo tờ trình mà Bộ Công Thương gửi lên Thủ tướng Chính Phủ, Vietracimex là đơn vị chuyên về đầu tư, sản xuất, kinh doanh đa ngành ( với những ngành nghề chính bao gồm đầu tư xây dựng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, nhà máy nguồn điện…). Ước tính, vốn điều lệ của Vietracimex rơi vào khoảng 5.510 tỷ đồng với hơn 20 công ty thành viên trực thuộc.
Vietracimex hiện đang điều hành và quản lý nhiều dự án thủy điện như Tà Thàng (Lào Cai, công suất 60 MW), Bắc Mê (Hà Giang, công suất 45 MW) đang hoạt động và dự án Mỹ Lý – Nậm Mê (Nghệ An) đang trong giai đoạn đầu tư; dự án năng lượng tái tạo như dự án điện mặt trời Hồng Phong 1A (150 MW) và Hồng Phong 1B (100 MW) tại Bình Thuận, dự kiến phát điện cuối quý II/2019, dự án điện gió Hoà Thăng 1.2 (100 MW) tại Bình Thuận, dự kiến khởi công quý III/2019.
Marubeni là tập đoàn hàng đầu về thương mại và đầu tư Nhật Bản, với tổng số vốn ước đạt 65 tỷ USD. Năm 2017, doanh thu của tập đoàn này rơi vào khoảng 72 tỷ USD, lãi ròng 2 tỷ USD. Tại Việt Nam, Marubeni bắt đầu hoạt động kinh doanh từ 1991, tập trung vào các lĩnh vực như xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển hạ tầng. Marubeni hiện là nhà xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng của Việt Nam như thuỷ sản, cà phê và cũng là nhà phân phối lớn các mặt hàng như ngũ cốc, các sản phẩm hóa dầu…
Marubeni từng tham gia đầu tư, thực hiện nhiều dự án điện BOT/IPP trên thế giới với tổng công suất ước đạt 41.000 MW. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, Marubeni đã tham gia đầu tư và cung cấp thiết bị cho nhiều dự án như: các dự án điện than Na Dương (110 MW), Hải Phòng 1 (600 MW), Hải Phòng 2 (600 MW), Nghi Sơn 1 (600 MW), Thái Bình 1 (600 MW) và Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (1.200 MW do Manubeni nắm 50% - KEPCO 50% là chủ đầu tư) đang xây dựng, các nhà máy điện khí chu trình hỗn hợp gồm Nhơn Trạch 1 (450 MW), Phú Mỹ 2 -1 (450 MW), Phú Mỹ 2 – 1 mở rộng (440 MW), Phú Mỹ 4 (450 MW).
Vào tháng 3.2019, Vietracimex đã ký cùng Marubeni biên bản họp thể hiện mong muốn hợp tác cùng tham gia dự án Nhiệt điện Ô Môn 2 với tổng mức đầu tư 26.310 tỷ đồng. Cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay thương mại là 20/80.
Với nhu cầu vốn ứng đối 5.262 tỷ đồng, Vietracimex tự tin đảm bảo khả năng thu xếp nguồn vốn mà không cần sự bảo lãnh của Chính phủ, nhờ các nguồn thu từ những dự án đã đi vào hoạt động.
Bộ Công thương dự kiến, dòng tiền và Vietracimex thu về từ các dự án đang hoạt động năm 2020 rơi vào khoảng 1.428,8 tỷ đồng, trong đó chi cho Ô Môn II là 789,3 tỷ đồng. Năm 2021, tổng dòng tiền thu vào là 1.677 tỷ đồng, chi cho Ô Môn II là 1.578,6 tỷ đồng. Năm 2022, tổng dòng tiền thu vào là 2.058,7 tỷ đồng, chi cho Ô Môn II là 2.104,8 tỷ đồng. Năm 2023, tổng dòng tiền thu vào là 1.509,5 tỷ đồng, cho cho Ô Môn II là 789,3 tỷ đồng.
Còn lại, khoản vốn vay 21.048 tỷ đồng của Vietracimex đã được Ngân hàng ING của Hà Lan đồng ý hỗ trợ.
Trong công văn trình lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giao cho Liên danh Vietracimex – Marubeni tiến hành dự án Ô Môi II, Bộ Công thương đồng thời yêu cầu “Liên danh Vietracimex - Tập đoàn Marubeni cần làm rõ tỷ lệ góp vốn, quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia đối với dự án cũng như cam kết việc đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng và quy định pháp luật hiện hành”.