Cty cổ phần địa ốc Hồng Phát (HP) đã chi hơn 1.000 tỉ đồng phát triển dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa. Vì chọn nhầm đối tác, dẫn tới tranh chấp hơn 10 năm nay, dự án vẫn “đắp chiếu”, không thể triển khai...
Góp 15,6 triệu USD, đòi đứng tên sổ đỏ dự án 140 triệu USD (?)
Năm 2005, Cty HP được tỉnh Long An cấp phép đầu tư dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa. Dự án có quy mô 500ha, tại huyện Đức Hoà, với vốn đầu tư 140 triệu USD.
Ngày 1.6.2007, HP ký kết “Thoả thuận khung” với Cty China Polycy Limited (viết tắt CPL, trụ sở tại British Virgin Islands (BVI) cùng thực hiện dự án.
Theo “Thoả thuận khung”, 2 bên sẽ ký kết hợp đồng thành lập “Cty liên doanh”, với vốn điều lệ 21,4 triệu USD (HP góp 30% bằng giá trị QSDĐ; CPL góp 70% bằng tiền mặt). CPL tạm ứng 15,6 triệu USD (số tiền này được tính vào tiền góp vốn của CPL khi thành lập Cty liên doanh) để trả cho chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Do chính sách đất đai thay đổi, chi phí đền bù, tái định cư tăng... Riêng tiền sử dụng đất, từ 100.000 đồng/m2 tăng lên 300.000 đồng/m2 (tháng 2.2008). Ước tính tiền sử dụng đất phát sinh, HP phải đóng thêm 465 tỉ đồng (27 triệu USD).
Ngoài ra, khu tái định cư cho dân, theo yêu cầu của chính quyền địa phương phải thực hiện luôn trong giai đoạn 1 (thay vì giai đoạn 2, như “Thoả thuận khung”), với phát sinh trên 4,5 triệu USD,...
HP đề nghị CPL bổ sung vốn tạm ứng... Tuy nhiên, CPL từ chối và ra điều kiện chỉ xem xét thanh toán tiếp, khi dự án đã có Giấy chứng nhận QSDĐ do Cty liên doanh đứng tên.
Theo bà Thái Thị Hồng Hậu - Phó Tổng Giám đốc Cty HP: “Điều kiện CPL đưa ra vô lý. Bởi dự án mới đền bù ở giai đoạn 1 (273ha); còn giai đoạn 2 (220ha), chưa triển khai gì, thì ai cấp sổ đỏ cho toàn dự án 500 ha và đứng tên Cty liên doanh?”.
Đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, dự án vẫn bị... đóng băng
Dù bị đối tác bỏ rơi, HP vẫn tự tìm nguồn tài chính bồi thường mặt bằng. Tháng 6.2009, Cty HP được UBND tỉnh Long An cấp 13 sổ đỏ, với tổng diện tích 232,6ha. CPL lại gửi đơn lên Bộ Công an tố cáo HP “chiếm đoạt 15,6 triệu USD”. Qua xác minh, Bộ Công an khẳng định 15,6 triệu USD, HP sử dụng vào dự án là có thật, không bị chiếm đoạt.
Vụ việc đưa lên Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC) phán xử vào tháng 8.2010. VIAC kết luận: “Hai Cty tiếp tục thực hiện “thoả thuận khung” để thành lập “Cty liên doanh”. HP nhiều lần đề nghị CPL ngồi lại đàm phán, thoả thuận, cùng tiếp tục thực hiện dự án, thành lập Cty liên doanh; chia sẻ chi phí phát sinh, mà theo thống kê của HP là tăng thêm 34 triệu USD.
Nhưng CPL vẫn không đáp ứng. Theo ông Lương Văn Trung – đại diện cho CPL: “CPL không phản đối các chi phí liên quan trực tiếp, hợp lý. Chi phí đó theo đúng thoả thuận là do Cty liên doanh trả. Tuy nhiên, hiện nay HP yêu cầu CPL phải trả trước khi ký hợp đồng liên doanh. HP coi đây là điều kiện tiên quyết để ký hợp đồng liên doanh. Đây là không đúng thoả thuận và không phù hợp với thông lệ tài chính”.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) - cho rằng: “Hai bên chưa thống nhất chi phí đã đầu tư của HP. Cơ quan nhà nước không thể làm thay được việc này. Tuy nhiên, có nhiều cách để xác định chi phí nào là thực tế, là hợp lý. Hiện dự án có được mảnh đất như vậy là rất đáng quý. Vì lợi ích đại cục, các bên nên ngồi bàn thảo, chấp nhận các chi phí và sau đó thành lập liên doanh, vì các bên đều mong muốn thành lập liên doanh”.
Mặc dù vậy, hiện 2 bên vẫn bất đồng, dự án không thể triển khai, dù Cty HP đã tốn kém hơn 1.000 tỉ đồng để giải phóng, bồi thường, ra được 13 sổ đỏ, với diện tích 232,6ha.
Theo đại diện Cty HP: “HP vẫn là chủ đầu tư chính của dự án. Tuy nhiên, sự vụ trên khiến chúng tôi vô cùng khó khăn... Thay vì có thể dùng 13 sổ đỏ thế chấp vay vốn ngân hàng để triển khai dự án; vì tranh chấp, mà Văn phòng đăng ký đất đai không cho phép đăng ký giao dịch bảo đảm; càng khiến cho dự án bế tắc, chưa tìm ra lối thoát’.