Sau khi giao hơn 113/160ha tái định cư ở Thủ Thiêm cho các doanh nghiệp phân lô bán nền bất chấp quyết định của Thủ tướng, UBND TP.HCM lại quyết định thu hồi hơn 90ha ở Nam Rạch Chiếc P. An Phú, Q.2 với danh nghĩa phục vụ tái định cư Thủ Thiêm!? Nhưng cho đến nay, phần lớn diện tích trên được “chuyển đổi mục đích” để hàng loạt chủ đầu tư phân lô hoặc xây căn hộ kiếm lời mà trường hợp dự án Gem Riverside là một ví dụ điển hình...
Đất tái định cư được chuyển nhượng làm căn hộ cao cấp
Tháng 9/2002, ông Vũ Hùng Việt, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký Quyết định số 3617/QĐ-UB thu hồi 902.607m2 đất (hơn 90ha) tại P. An Phú (còn gọi là khu Nam Rạch Chiếc) để “giao cho Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm xây dựng khu tái định cư phục vụ bồi thường giải phóng mặt bằng Khu đô thị mới Thủ Thiêm”.
Đến tháng 11/2003, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 4902/QĐ-UB về phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất khu dân cư Nam Rạch Chiếc. Trong đó phân chia khu này thành nhiều phần, bao gồm khu nhà ở chung cư cao tầng, khu nhà ở biệt thự, công trình công cộng…
Theo thời gian, khi mà ở đây ngày càng vắng bóng dân Thủ Thiêm về tái định cư thì các dự án thương mại, chung cư cao cấp mọc lên ngày càng nhiều. Không chỉ vậy những lô đất đẹp còn được nhanh chóng chuyển nhượng và chủ đầu tư lợi dụng “vẽ” thêm diện tích, cảnh quan và lách luật huy động vốn kiếm lợi hàng ngàn tỷ đồng.
Căn cứ vào quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 năm 2011 của UBND Q.2 do ông Tất Thành Cang khi đó làm Chủ tịch UBND Q.2 ký, khu dân cư do Công ty Nam Rạch Chiếc làm chủ đầu tư được xác định gồm 5 chung cư cao tầng ký hiệu từ CC1 đến CC5. Riêng 2 khu CC1-CC5 (tổng diện tích khoảng 42.000m2), tổng số căn hộ là 1.516 + 786 = 2.302 căn.
Tháng 6/2017, UBND TP.HCM ra quyết định chấp thuận đầu tư dự án (giai đoạn 2) khu chung cư cao tầng CC1 và CC5 thuộc khu dân cư Nam Rạch Chiếc do Công ty Nam Rạch Chiếc làm chủ đầu tư. Nhưng chưa đầy 2 tháng sau, đến cuối tháng 7/2017, dự án này đã được UBND TP.HCM chấp thuận để Công ty Nam Rạch Chiếc chuyển nhượng cho CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh, nay là CTCP Tập đoàn Đất Xanh. Động thái này khá bất ngờ nhưng không hề khó hiểu vì thực tế ở Thủ Thiêm và nhiều nơi ở TP.HCM những năm qua cho thấy làm gì có chỗ đắc địa như thế mà người ta lại dành cho bà con tái định cư. Cũng chẳng lạ khi mà quỹ đất béo bở ấy lại được chuyển nhượng “thần tốc” với các thủ tục sang tên đổi chủ không thể nào nhanh hơn.
Cực kỳ khó cho rằng đây là một vụ chuyển nhượng “ngẫu nhiên” vì từ hơn 1 năm trước khi được UBND TP.HCM cho phép chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Nam Rạch Chiếc vào tháng 7/2017 nhưng tháng 2/2016, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Đất Xanh đã ký Nghị quyết HĐQT thống nhất, đồng ý việc vay 1.325 tỷ đồng từ VietinBank Thủ Thiêm để đầu tư dự án “Khu căn hộ cao cấp Q.2” do công ty nhận chuyển nhượng một phần dự án thuộc dự án khu trung tâm Nam Rạch Chiếc tại P. An Phú! Việc UBND TP.HCM giao Công ty Nam Rạch Chiếc làm chủ đầu tư rồi chuyển nhượng ngay cho Đất Xanh chỉ là “hợp thức hóa” qua các động thái trên của cả ba bên.
Sau khi quảng bá rầm rộ và “vẽ” lên các tiện ích, cảnh quan cho bãi đất trống, Đất Xanh đổi tên thành >Gem Riveside. Kỳ lạ nhất là UBND TP.HCM chỉ chấp thuận cho chuyển nhượng gần 4,3ha nhưng dự án Gem Riverside của Đất Xanh lại được quảng cáo có quy mô 6,7ha. Họ đã “đi tắt đón đầu” hay quảng cáo sai sự thật? Còn nếu có thật thì 2,4ha đất ấy lấy ở đâu ra vì không thể “từ trên trời rơi xuống”! Chưa dừng lại ở đó diện tích sàn xây dựng được tăng lên thêm hơn 42.000m2 so với quy hoạch 1/500 được duyệt. Nếu bán với giá bình quân 35 triệu đồng/m2 như Đất Xanh đã rao thì họ sẽ “kiếm” thêm gần 1.500 tỷ đồng quá dễ dàng!?
Ngay từ khi chưa xong móng cọc, Đất Xanh đã làm hàng loạt động thái lách luật để thu tiền khách hàng. Đất Xanh không trực tiếp bán căn hộ cho khách hàng mà ủy quyền cho Công ty môi giới Khang Hưng, một công ty con của họ đứng ra nhận tiền của khách hàng dưới nhiều hình thức rồi chỉ gửi thông báo xác nhận của chủ đầu tư!
Người viết đã nhiều lần trong vai khách hàng tìm hiểu mua căn hộ Gem Riverside và tiếp cận với nhân viên kinh doanh tự xưng là của Đất Xanh từ khi dự án này chưa đủ điều kiện mở bán. Các nhân viên đã cung cấp đầy đủ các thông tin về giá bán, tiến độ đóng tiền, cách thức ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn. Trong đó văn bản về phương thức thanh toán do bà Phạm Thị Nguyên Thanh, Giám đốc Kinh doanh Đất Xanh ký.
Tại lễ mở bán dự án Gem Riverside ngày 8/7/2018, Đất Xanh cho biết đã có gần 98% số căn hộ đã được bán cho khách hàng!? Nhưng vào thời điểm này, chủ đầu tư dự án Gem Riverside vẫn chưa làm xong phần móng! Luật Kinh doanh Bất động sản quy định rõ: Một dự án chỉ được mở bán khi đã làm xong móng đối với chung cư và phải có văn bản chấp thuận đủ điều kiện bán hàng của Sở Xây dựng. Tuy nhiên, Đất Xanh đã bất chấp pháp luật và điều này dễ dẫn đến hậu quả khách hàng sẽ chịu nhiều rủi ro khi mua nhà tại dự án này.
Cho đến nay, TP.HCM vẫn chưa biết tìm đâu ra đất để giải quyết cho người dân Thủ Thiêm bị thu hồi oan uổng và giao làm dự án. Bên cạnh đó bà con bị mạo danh thu hồi đất ở Nam Rạch Chiếc để làm khu tái định cư Thủ Thiêm vẫn đang khiếu kiện khắp nơi. Nhưng phũ phàng thay, hàng chục hecta đáng lẽ phải là khu tái định cư và phục vụ cho các lợi ích cộng đồng thì nay đã rơi vào tay các doanh nghiệp sau nhiều vụ chuyển nhượng, đổi mục đích do chính UBND TP.HCM cho phép.
Giờ đây người hưởng lợi nhiều nhất là những chủ đầu tư như Đất Xanh với các dự án giống Gem Riverside. Còn người dân và UBND TP.HCM nhiệm kỳ này đang gánh chịu mọi hậu quả do cách làm khuất tất, thiếu trách nhiệm của lãnh đạo TP.HCM các nhiệm kỳ trước. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần kiểm tra lại tính hợp pháp, hợp lý của những vụ chuyển nhượng như dự án Gem Riverside để trả lời trước dư luận xem đất công và tài sản, tiền bạc có nguồn gốc công sản có bị thất thoát hay không?
Dự án Gem Riverside được Đất Xanh quảng cáo rầm rộ với diện tích 6,7ha, gồm 12 khối nhà với chiều cao 34-35 tầng, tổng cộng 3.175 căn hộ. Giá bán từ 35-45 triệu đồng/m2 tùy vị trí nhưng trên thực tế xung quanh vẫn còn khá nhiều cây cỏ, kênh rạch tù đọng.