Trong khoảng 4 tháng đường ống cứu hoả liên tiếp bị bục ở 2 toà nhà dự án An Bình City của Công ty CP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Geleximco), theo chuyên gia xây dựng đã đến lúc đánh động chất lượng thi công công trình có vấn đề.
Như VietNamNet đã phản ánh, ngày 16/2 vừa qua, họng ống cứu hoả ở tầng 21 toà nhà A4 dự án An Bình City bị bục khiến nước chảy ngập hành lang, tràn vào nhiều căn hộ. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự cố này ở dự án.
Trước đó, vào tháng 10/2018, đường ống cứu hoả toà nhà A5 cũng bị bục khiến người dân lâm vào cảnh “bì bõm” lội nước giữa lưng chừng trời ở chung cư được giới thiệu là cao cấp.
Như vậy, chỉ trong khoảng 4 tháng đường ống cứu hoả liên tiếp bị bục ở 2 toà nhà khiến cư dân tại đây bất an, lo lắng.
Trao đổi với PV VietNamNet, TS. Lê Văn Thịnh, Nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, đã đến lúc đánh động chất lượng thi công công trình có vấn đề.
Theo ông Thịnh, một khi đường ống cứu hoả đã bục như thế phải đánh giá nguyên nhân khách quan và đồng bộ.
“Thứ nhất, có thể do lỗi thiết kế. Bản thân nhà thầu thiết kế họ tính toán về mặt áp lực không chính xác dẫn đến bục đường ống.
Thứ hai, có thể do thi công. Có nghĩa là chất lượng không đảm bảo. Chỗ nào bục thì đó là chỗ xung yếu nhất. Cụ thể ở đây phải xem xét phần mối nối họng đường nước cứu hoả (bằng ren, keo…)” – ông Thịnh phân tích.
Cũng theo vị này, việc thi công còn thể hiện trong quá trình thi công có thể họ không kiểm tra áp lực hoặc kiểm tra áp lực không cẩn thận.
“Theo lý thuyết, nhà thầu thi công mà kiểm tra áp lực thì chắc chắn không xảy ra chuyện này. Và tôi cho rằng, trong quá trình thi công sau khi lắp đặt ống xong việc kiểm tra áp lực là không chặt chẽ. Phải tuân thủ quy định thử áp lực đường ống bằng 1,5 lần áp lực làm việc trước khi chuyển sang công việc tiếp theo. Đó là mấu chốt chứ họ cứ bảo làm đàng hoàng thì chắc chắn không xảy ra chuyện này” – ông Thịnh nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý một điều quan trọng là quy trình vận hành.
“Theo nguyên tắc khi bàn giao công trình nhà thầu thi công phải bàn giao cho chủ đầu tư quy trình vận hành, quy trình bảo trì. Cũng rất có khả năng là việc vận hành của đơn vị quản lý toà nhà là không đúng. Có thể công tác bảo trì không thực hiện ngay sau khi nghiệm thu.
Tôi cũng xin nhấn mạnh thời điểm để tính bảo hành và bảo trì là trùng nhau, nghĩa là sau khi đã được nghiệm thu. Chứ không phải hết bảo hành rồi mới bảo trì. Nhiều người đang nhầm lẫn vấn đề này”- Nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nói.
Nghiệm thu PCCC có vấn đề?
Nêu tại biên bản cuộc họp với cư dân ngay sau khi sự cố xảy ra ngày 16/2, đại diện Geleximco – chủ đầu tư cho hay, về chất lượng và hồ sơ kiểm định của hệ thống PCCC tại chung cư An Bình City toà bộ hệ thống được thi công theo đúng thiết kế thẩm duyệt của cơ quan chức năng, đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng bởi Cục PCCC và Cục Giám định.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh công tác nghiệm thu của cơ quan PCCC phải xem xét lại.
“Đây không phải là bục đường ống cấp nước sinh hoạt mà là đường ống nước cứu hoả. Trách nhiệm của cơ quan PCCC là phải kiểm tra chuyện này, kiểm tra cả áp lực. Công trình đưa vào hoạt động như vậy thì ít nhất đã có diễn tập về phương án PCCC ít nhất hệ thống phải vận hành 1 lần. Họ nói rằng đã nghiệm thu nhưng cách thức nghiệm thu kiểu gì? Tôi kiến nghị phía cơ quan PCCC đến tất cả các toà nhà cho vận hành kiểm tra lại áp lực” – ông Thịnh nêu ý kiến.
Trong khi đó, ThS. KTS Cao Hoàng Anh – Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây Dựng & đầu tư ACA nhận định, bục đường ống cứu hỏa được giải thích do hiện tượng va đập thủy lực, đó là hiện tượng biến đổi áp suất đột ngột (tăng hoặc giảm) khi vận tốc dòng chảy thay đổi đột ngột. Trường hợp này đường ống lâu ngày không sử dụng, áp lực nước lớn tác động lên thành ống và mối nối lỏng lẻo nên dẫn đến bục mối nối đường ống cứu hỏa.
“Dự án mới hoàn thành thi công bàn giao nhà chưa lâu, 4 tháng đường ống cứu hoả liên tiếp bị bục ở 2 toà nhà. Nếu thiết kế PCCC đúng yêu cầu đã được phê duyệt, chủng loại vật tư đúng thiết kế, nguyên nhân còn lại do quá trình thi công, giám sát và nghiệm thu có sai sót” – ông Hoàng Anh đánh giá.
Vị Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây Dựng & đầu tư ACA giải thích: "Thứ nhất, khi thi công các mối nối, công nhân không lắp đặt theo đúng quy trình thi công hoặc thiếu công đoạn. có thể do chưa làm sạch mối nối , mối nối bám bụi, gỉ , có dầu …nối hai đầu đường ống ren ẩu, lỏng chưa khớp, và nhiều thiếu sót khác.
Thứ hai, trước khi sử dụng công trình có lẽ quy trình nghiệm thu PCCC đặc biệt là thử áp lực nước chưa được thực hiện đầy đủ, nếu được thử áp lực nước đầy đủ từ đó kiểm tra xem xét toàn bộ đường ống, đặc biệt là các mối nối, khi đó các mối nối rò nước sẽ lộ ra được sửa chữa ngay thì hiện tượng bục nước sẽ không xảy ra".
Nêu vấn đề không chỉ ở một, hai dự án, Nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nhấn mạnh: “Các công trình đưa vào sử dụng cần chú ý công tác thi công, công tác giám sát, công tác nghiệm thu phải rất chặt chẽ. Tất cả phải được ghi nhận bằng biên bản nghiệm thu. Anh nghiệm thu phải đo kiểm chứ không phải cứ bảo có được nghiệm thu. Phải lưu ý về phương pháp cách thức nghiệm thu ra sao”.