Tại Hội thảo về Công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, đại diện Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hapulico tiếp tục đề xuất: “thực hiện việc thành lập ban quản trị bằng hình thức lấy ý kiến văn bản” và khẳng định công ty này đã thực hiện thành công sau khi xin chủ trương và được Bộ Xây dựng đồng ý.
Theo ông Ngô Quốc Doanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hapulico giới thiệu, doanh nghiệp này đang thực hiện quản lý vận hành cụm nhà chung cư Hapulico gồm 6 toà nhà chung cư cao từ 17-24 tầng. Tuy nhiên, thực tế đưa cụm toà nhà này vào vận hành và hoạt động đã có nhiều phát sinh khó giải quyết.
Nêu lý do về việc tổ chức hội nghị nhà chung cư không thành công, ông Doanh cho rằng: “Với khu chung cư có số lượng căn hộ lớn lên tới trên 1.000 căn hộ thì việc bố trí hội trường họp, địa điểm họp, kiểm tra tư cách đại biểu tham dự sao cho phù hợp, thuận tiện là rất khó. Cư dân tại mỗi chung cư là một xã hội thu nhỏ, do đó thời gian sinh hoạt của mỗi người là không như nhau”.
Cũng theo đại diện Hapulico này, việc tổ chức họp có thể thực hiện được bằng nhiều hình thức khác nhau như họp trực tuyến, họp bằng lấy ý kiến văn bản nhiều người. “Việc họp bằng hình thức lấy ý kiến văn bản để thông qua nội dung theo quy định của pháp luật thì chúng tôi thấy đây là hình thức đảm bảo được quyền lợi của đại đa số cư dân và thực hiện mang tính khả thi nhất. Áp dụng bằng hình thức này đơn vị chúng tôi đã thực hiện thành công tại Hapulico sau khi xin chủ trương và được Bộ Xây dựng đồng ý”, ông Doanh nêu.
Lấy dẫn chứng thêm về lời trình bày trên, ông Doanh cho biết: “Trên thực tế, nếu các khu đô thị lớn như Vin City Oceanpark Gia Lâm quy mô 420ha, Vincity Sportia Tây Mỗ 280ha, Landmark 81 TP HCM… mà tổ chức họp trực tiếp tại hội trường hoặc phòng họp để tổ chức Hội nghị nhà chung cư thì không khả thi trên thực tế”, ông Doanh khẳng định.
Ngoài đề xuất thay đổi hình thức họp, đại diện Hapulico cũng đề nghị Bộ Xây dựng phải bổ sung quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện của các thành viên ban quản trị. Đồng thời, tăng cường vai trò của chủ đầu tư vào công tác quản lý vận hành. Chức vụ trưởng ban quản trị toà nhà nên được chủ định là người đại diện chủ đầu tư; ưu tiên chủ đầu tư tham gia vào công tác vận hành…; quy định cụ thể, chi tiết về hồ sơ bàn giao. Từ những lập luận trên vị Phó giám đốc Hapulico này đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi cách thức họp như đề xuất của công ty để đạt hiệu quả vìa bản chất cuộc họp cũng là làm sao lấy được nhiều ý kiến đóng góp của cư dân trong khu nhà chung cư. “Nếu tổ chức họp theo phương thức truyền thống thì không thể thực hiện được tại các dự án có quy mô lớn”.
Trước đó, nhiều cư dân sống tại chung cư Hapulico đã liên tục phản ánh những bất cập trong việc sử dụng và quản lý chung cư này. Đặc biệt, cư dân còn tố cáo chủ đầu tư đã thực hiện việc tổ chức hội nghị trung cư lần đầu để thành lập ban quản trị bằng hình thức “lấy ý kiến văn bản” dựa trên văn bản cá biệt của Bộ Xây dựng là không đúng quy định của pháp luật.
Trả lời kiến nghị của cư dân Hapulico, ngày 19.10.2018, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có văn bản trả lời đơn của công dân Hapulico, cho biết, theo quy định tại Khoản 2, Điều 102, luật Nhà ở, thì hội nghị nhà chung cư được tổ chức họp để quyết định đề cử, bầu, bãi miễn các thành viên ban quản trị nhà chung cư; thông qua, bổ sung, sửa đổi nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư…
Tại khoản 3, Điều 12 về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm Thông tư số 02/2016 do Bộ Xây dựng cũng nêu rõ điều kiện về số lượng người tham dự cuộc họp tối thiếu là 75% khi triệu tập nghị lần đầu và 50% khi triệu tập lần 2. Nếu không đủ số lượng người thì UBND phường nơi có nhà chung cư tổ chức hội nghị lần đầu.
Đặc biệt, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 29.10, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết văn bản 26/BXD-QLN ngày 8.2.2017 của Bộ Xây dựng là văn bản hành chính cá biệt. “Văn bản này không chứa quy phạm pháp luật, tức là không chứa những quy tắc xử sự chung mang tính bắt buộc chung phải thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần với các cơ quan, tổ chức, cá nhân”, ông Ba khẳng định.
Như vậy có thể thấy, việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị là yêu cầu bắt buộc. Việc tổ chức hội nghị chung cư lần đầu và thành lập ban quản trị cụm chung cư Hapulico qua hình thức lấy phiếu ý kiến chủ sở hữu căn hộ không có trong quy định của Thông tư 02/2016 của Bộ xây dựng.
Dự án Khu trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp Hapulico số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hapulico làm chủ đầu tư. Dự án gồm 6 tòa nhà với hơn 800 căn hộ dân đang sinh sống.
Sau nhiều năm không thành lập được cụm nhà chung cư, ngày 8.2.2017, Bộ Xây dựng có Công văn số 26/BXD-QLN do Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản Nguyễn Trọng Ninh ký cho rằng đề xuất của Công ty Hapulico là “phù hợp” theo quy định pháp luật. Từ đó, Ban quản trị chung cư Hapulico được thành lập theo hình thức “lấy phiếu ý kiến chủ sở hữu căn hộ” và được UBND quận Thanh Xuân ban hành Quyết định công nhận vào ngày 17.7.2017, với 18 thành viên, nhiệm kỳ hoạt động 3 năm.
Tuy nhiên, ngay sau khi ban quản trị chung cư được thành lập và vận hành, nhiều cư dân Hapulico đã phản đối bằng cách gửi đơn, kiến nghị tới nhiều cơ quan chức năng quận Thanh Xuân bởi lý do nhiều thành viên ban quản trị là người của chủ đầu tư, không đại diện cho cư dân.