Song song với việc lo ngại dự án bị “băm nát”, nhiều cư dân sống tại Khu Đoàn ngoại giao (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) còn phản đối việc xây dựng bệnh viện ung bướu trong khu đô thị này… tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

11:29 18/05/2019

Khu đô thị Ngoại giao đoàn nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư. Suốt một thời gian dài vừa qua, dự án đã gây xôn xao dư luận vì chủ đầu tư “tự ý” điều chỉnh quy hoạch hàng loạt ô đất theo hướng chuyển công năng, tăng mật độ xây dựng khiến cư dân bất bình.

Cư dân tại đây đã mang băng rôn xuống đường, tuần hành phản đối việc điều chỉnh quy hoạch. Mới đây, các cư dân Đoàn ngoại giao tiếp tục mang băng rôn phản đối việc xây dựng bệnh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản.

Cư dân Khu Đoàn ngoại giao căng băng rôn phản đối việc xây dựng bệnh viện ung bướu. 

Theo nhiều cư dân ở đây, Hợp đồng mua nhà tại Khu Đoàn ngoại giao được ký kết căn cứ theo quy hoạch được phê duyệt năm 2010, nhưng khi Hancorp - chủ đầu tư khu đô thị cấp 1, đề xuất điều chỉnh quy hoạch mà thiếu tham khảo ý kiến của cư dân là không đúng quy trình pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, luật Kinh doanh >bất động sản, luật Nhà ở và sẽ kéo theo các nguy cơ tranh chấp khiếu kiện giữa các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng, tiềm ẩn gây bất ổn.

Đặc biệt, người dân ở đây lo lắng việc xây dựng bệnh viện ung bướu giữa lòng khu đô thị có hàng chục nghìn dân sẽ gây ra hệ lụy về >sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, công trình bệnh viện ung bướu được xây sát khu xử lý nước thải cho toàn bộ khu Đoàn ngoại giao sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện cũng như nguồn nước sau xử lý của toàn khu.

Nhiều người lo ngại sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, đặc biệt sẽ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, hiện tại Khu Đoàn ngoại giao có chưa đầy 1/3 dân cư về ở, nhưng đã thường xuyên xảy ra tình trạng mất điện. Việc điều chỉnh quy hoạch ô đất ĐMKT1 không xây trạm biến áp, khiến người dân lo lắng về tình trạng điện quá tải và có nguy cơ cháy nổ cao.

Ngoài ra, các cư dân cũng nhận định, việc xây dựng bệnh viện ung bướu tại Khu Đoàn ngoại giao là hoàn toàn bất hợp lý. Bởi lẽ, vị trí công trình này nắm sát ngay trụ sở của các Đại sứ quán, các cơ quan đại diện nước ngoài và các tổ chức quốc tế, đối diện Công viên Hòa Bình. Việc xây dựng bệnh viện tại đây, có nhiều nguy cơ gây mất an toàn đối với các hoạt động đối ngoại quốc gia. 

Người dân lo lắng việc xây dựng bệnh viện ung bướu tại Khu Đoàn ngoại giao sẽ gây ô nhiễm môi trường... và gây áp lực cho hạ tầng khu đô thị này. 

“Chỉ đến khi dự án bệnh viện ung bướu khởi công xây dựng, thì bà và các cư dân tòa nhà Khu Đoàn ngoại giao mới ngỡ ngàng. Họ bất ngờ vì một ô đất ĐMKT1 ban đầu có chức năng xây dựng đầu mối kỹ thuật, hạ tầng phục vụ cho Khu Đoàn ngoại giao, bây giờ bỗng biến thành Bệnh viện Ung bướu. Trước đó, họ không hề biết gì đến việc chủ đầu tư Khu Đoàn ngoại giao xin điều chỉnh quy hoạch dự án và ô đất trên”, bà Dung – một cư dân Khu Đoàn ngoại giao bức xúc.

Ngay sau đó, hàng trăm cư dân Khu Đoàn ngoại giao đã có đơn thư gửi đến các cấp chính quyền địa phương và chủ đầu tư Khu Đoàn ngoại giao là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), đề nghị trả lời rõ ràng việc điều chỉnh quy hoạch trên. Các cư dân cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch này có nhiều khuất tất, không công khai minh bạch.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là dù toàn bộ cư dân Khu Đoàn ngoại giao đều bày tỏ ý kiến phản đối việc xây dựng công trình bệnh viện ung bướu từ năm 2017, nhưng chủ đầu tư dự án là Công ty CP Phát triển Công nghệ y học Việt Nam - Nhật Bản vẫn vẫn đang thi công rầm rộ.

Trong khi cư dân đang phản đối, dự án bệnh viện này vẫn thi công rầm rộ. 

Theo tìm hiểu, Bệnh viện ung bướu được xây dựng trên ô đất ký hiệu ĐMKT1 có diện tích khoảng 4.801m2. Tại quyết định về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Khu Đoàn Ngoại giao (năm 2010), đất xây dựng các công trình kỹ thuật đầu mối bao gồm 2 lô đất có ký hiệu ĐMKT1, ĐMKT2. Lô đất ĐMKT1 có chức năng trạm biến thế điện có diện tích đất 4.801m2, không xác định chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Nay điều chỉnh thành ô đất ký hiệu BV có chức năng đất công cộng đô thị (bệnh viện U bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản) với mật độ 40%, tầng cao trung bình 12 tầng+ 2 tầng hầm.

Tại ô đất ĐMKT1, ngày 2.6.2016, UBND TP Hà Nội đã có quyết định chủ trương đầu tư chấp thuận cho Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ y học Việt Nam – Nhật Bản (Công ty Vija Metech JSC) thực hiện dự án đầu tư Trung tâm ung bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 1.3.2017, UBND TP có quyết định chấp nhận điều chỉnh chủ trương đầu tư Trung tâm ung bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản tại ô đất ĐMKT1 thành dự án Bệnh viện U bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản. Chỉ một ngày sau đó, Công ty Vija Metech JSC đã tổ chức lễ động thổ bệnh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản.

Công ty Vija Metech JSC được thành lập vào tháng 3.2016 do ông Vũ Xuân Hợp làm Chủ tịch HĐQT và ông Hàn Đức Việt làm giám đốc. Công ty này có vốn điều lệ 26 tỷ đồng do 3 cổ đông sáng lập gồm: ông Hàn Đức Việt (sở hữu 55%), ông Vũ Đức Hợp (Sở hữu 25%) và bà Lê Thị Bích Trân (20%).

Liên quan tới việc xây dựng Bệnh viện ung bướu quốc tế đang bị cư dân phản đối, lãnh đạo Hancorp cho biết, khu đất có ký hiệu ĐMKT1 được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch thành công trình Dự án Bệnh viện Ung bướu. Trong quy hoạch ban đầu của cả Khu Đoàn ngoại giao thì khu đất này là dành làm khu đất đầu mối kỹ thuật – tức là ngành điện sẽ đầu tư đặt trạm điện, trạm biến thế… tại đây và Hancorp xây dựng xong hạ tầng thì bàn giao lại cho UBND TP Hà Nội.

Theo quy hoạch của ngành điện trước đây thì ô đất này sẽ được đặt trạm điện 110kV cung cấp cho khu Ngoại giao đoàn và cung cấp cho cả khu vực Tây hồ Tây. Thế nhưng quy hoạch của ngành điện bây giờ có thay đổi, trạm điện không được đặt tại khu đất này nữa mà được chuyển sang một khu đất khác nhưng vẫn đảm bảo việc cấp điện cho khu vực. Vậy nên, khi không bố trí đặt trạm điện vào đây nữa thì UBND thành phố đã bố trí đặt một công trình khác.

Theo Trần Kháng/Dân Việt