Trong số 39 dự án trên địa bàn Thủ đô Hà Nội bị chấm dứt hoạt động và đưa vào diện rà soát do chậm triển khai vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo, 2 dự án xây dựng Trung tâm thương mại (TTTM) từ chợ truyền thống Ngã Tư Sở và Nghĩa Tân đã bị “khai tử”.
Còn dự án chợ và TTTM Thành Công, quận Ba Đình hiện đã dùng dằng chậm triển khai 4 năm nay do vấp phải sự phản đối của tiểu thương nhưng không biết vì lý do gì mà Hà Nội vẫn chỉ đưa dự án vào diện rà soát báo cáo.
Bài học từ biến chợ truyền thống thành TTTM
Dự án TTTM Thành Công là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng, kết hợp với chợ được xây dựng trên khu đất 4.000m², ngay tại khu đất hiện là chợ Thành Công, thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Từ năm 2007, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt danh mục dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội, trong đó có chợ Thành Công (quận Ba Đình). UBND quận Ba Đình phê duyệt kết quả trúng thầu từ tháng 3-2012.
Theo quyết định này, liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ cao và Công ty cổ phần đầu tư T&M VN (liên danh Decotech - T&M Việt Nam) là đơn vị trúng thầu.
Tuy nhiên, vào tháng 10-2014, khi chủ đầu tư thực hiện khoan khảo sát địa chất đã bị các hộ tiểu thương phản ứng. Các tiểu thương cho rằng, chợ là nơi mưu sinh của hơn 500 hộ kinh doanh buôn bán, muốn xây dựng phải lấy ý kiến của các hộ kinh doanh, phải được sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, họ không nhận được thông báo hay thăm dò ý kiến nào từ phía chính quyền địa phương.
Bên cạnh nỗi lo mưu sinh cho bản thân và gia đình, nhiều người còn ái ngại rằng chợ Thành Công sẽ theo gót những mô hình TTTM chuyển đổi đang “chết yểu” như chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da, chợ Mơ… vì rơi vào tình cảnh ế ẩm.
Sáng 30-11, ghi nhận của PV Báo CAND, chợ Thành Công đã khá xuống cấp, xập xệ. Mặc dù không phải là ngày mưa nhưng nền chợ nhớp nháp, đọng nước. Ở một số ngành hàng do nền chợ xuống cấp nên mùi hôi bốc lên khiến nhiều người không khỏi ái ngại. Những gian hàng kinh doanh thực phẩm chín được bày bán ngay trên nền chợ ẩm thấp khiến nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện hữu.
Theo ông Nguyễn Trọng Khanh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý chợ số 2, hiện chợ Thành Công có hơn 400 hộ kinh doanh với khoảng 30 ngành hàng. Chợ được xây dựng từ năm 1995. Hiện nay, nền chợ đã hư hỏng nặng. Các khu kinh doanh hàng thủy sản, hàng ăn uống, hàng thịt và đồ hộp đều đã xuống cấp. Vừa qua, Ban quản lý chợ đã tu sửa lại nóc chợ cho khỏi bị dột.
“Mong muốn của các tiểu thương là giữ lại chợ Thành Công truyền thống, không xây dựng TTTM. Tuy nhiên, cần phải nâng cấp, cải tạo để chợ khang trang, sạch đẹp”, ông Khanh cho biết.
Biến chợ thành TTTM là không phù hợp
Sau gần 10 năm triển khai, dự án xây dựng TTTM chợ Ngã Tư Sở, Hà Nội cũng đã chính thức bị thu hồi. Trước đó, năm 2009, UBND thành phố đã ra Quyết định số 98/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng TTTM chợ Ngã Tư Sở. Quy mô dự án theo dự kiến ban đầu có tổng diện tích đất 11.225m² (trong đó diện tích giai đoạn 1 là 8.159m²), tầng cao công trình tối đa 25 tầng, có 3 tầng hầm.
Quý 1/2010, chủ đầu tư đã thực hiện dựng 790 ki ốt dọc đường Láng để bố trí chợ tạm cho các tiểu thương. Năm 2010, UBND thành phố đã có quyết định thu hồi 8.497m² đất để thực hiện giải phóng mặt bằng xây dựng TTTM chợ Ngã Tư Sở.
Đến năm 2011, UBND thành phố đã có Thông báo số 74/TB-UBND yêu cầu nhà đầu tư điều chỉnh thiết kế chiều cao công trình và các công việc có liên quan khác. Dự án đã tạm dừng để nhà đầu tư thực hiện các thủ tục điều chỉnh.
Tuy nhiên năm 2014, UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi Quyết định số 98/QĐ-UBND, chính thức chấm dứt hoạt động dự án sau nhiều năm dùng dằng và làm ảnh hưởng không ít tới hoạt động kinh doanh của nhiều tiểu thương.
Sau khi dự án bị “khai tử”, chủ đầu tư dự án đã đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét hoàn trả chi phí mà chủ đầu tư đã bỏ ra khi thực hiện dự án này.
Được biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã đưa ra hai phương án với chủ đầu tư dự án.
Thứ nhất, giao Sở Tài chính chủ trì, chỉ định công ty xác định giá, thẩm định chi phí của đại diện liên danh chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, báo cáo UBND thành phố xem xét việc hoàn trả chi phí mà liên danh đã đề nghị.
Phương án thứ hai, giao chủ đầu tư là liên danh hai công ty gồm Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng công trình văn hóa tiếp tục triển khai xây dựng chợ Ngã Tư Sở phù hợp với quy hoạch theo hướng không kết hợp TTTM mà thay vào đó là công trình bãi đỗ xe để phục vụ chợ và khu vực xung quanh dự án.
Tương tự, chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) được phê duyệt xây dựng thành chợ, văn phòng và TTTM Nghĩa Tân do Công ty CP Thương mại Cầu Giấy làm chủ đầu tư. Sau khi bị tiểu thương phản đối dữ dội, dự án không triển khai được và bị bỏ bê nhiều năm. Theo ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy thì dự án đã chấm dứt cách đây nhiều năm và đến tháng 8-2018 Hà Nội đã đưa vào danh sách dự án chấm dứt hoạt động.
Hà Nội từng một thời rầm rộ triển khai hàng loạt dự án biến chợ truyền thống thành TTTM nhưng mô hình này nhanh chóng “chết yểu” bởi hoạt động không hiệu quả. Giữ chợ truyền thống không chỉ là lưu giữ nét đẹp văn hóa của Thủ đô mà còn mang lại hiệu quả mưu sinh cho nhiều hộ gia đình, phục vụ phần đông đối tượng là người dân có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nhiều chợ truyền thống của Hà Nội đang bị xuống cấp, cần thiết phải xây dựng lại với phương thức xã hội hóa để đảm bảo về môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ.