Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá cả bất động sản không phản ánh đúng giá trị thực, không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân; thị trường bất động sản phát triển thiếu minh bạch.
Tồn kho giảm mạnh
Theo báo cáo gửi các đại biểu quốc hội của Bộ Xây dựng, >thị trường >bất động sản năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 nhìn chung phát triển khá ổn định. Giá nhà ở trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 không có nhiều biến động lớn.
Tuy nhiên, sau 3 năm tăng trưởng liên tục (từ 2013 đến 2016), thị trường bất động sản 2017 có xu hướng chững lại, tồn kho giảm mạnh.
Tính đến ngày 20.8.2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 23.692 tỉ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý 1/2013 đã giảm 104.856 tỉ đồng (tương đương 81,57%); so với tháng 12.2016 giảm 7.331 tỉ đồng (23,63%); so với 20.12.2017 giảm 1.690 tỉ đồng (6,66%); so với 20.7.2018 giảm 158 tỉ đồng.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay đã có khoảng 25.639 căn hộ condotel, officetel, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn căn condotel, officetel do các địa phương thẩm định, cấp phép theo thẩm quyền.
Về tình trạng sốt ảo, làm giá, đẩy giá đất lên cao thu lợi bất chính tại một số địa phương trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang “có biện pháp kiên quyết và có hiệu lực để chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, rừng, môi trường và xây dựng, ngăn chặn tình trạng mua bán đất đai và xây dựng trái phép đang diễn ra phức tạp tại Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn bảo đảm trật tự xã hội, không để cò đất, xã hội đen mua bán đất lộng hành đẩy giá lên cao trên địa bàn”.
Các địa phương cũng đã có một số động thái nhằm ngăn chặn việc giá đất tăng đột biến, ngăn chặn việc tách thửa, giao dịch khiến thị trường bất động sản tại các khu vực nêu trên đang dần ổn định trở lại.
Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc tiếp tục tăng đều qua các năm, năm 2017 đạt khoảng 23,4m2sàn/người (tăng 0,6m2 sàn/người so với năm 2016). Tính đến hết tháng 8.2018, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,7m2 sàn/người (tăng 0,3m2 sàn/người so với năm 2017).
Chương trình nhà ở xã hội tại khu vực đô thị trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 186 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 75.700 căn, với tổng diện tích hơn 3.785.000m2. Đang tiếp tục triển khai 206 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn, với tổng diện tích khoảng 8.435.000m2.
Nhà ở xã hội đang “tắc”
Vẫn theo báo cáo, lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn. Đến hết tháng 20.8.2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 23.692 tỉ đồng.
Cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Trong thời gian qua, có nhiều >dự án bất động sản nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình bất động sản này lớn và đa dạng; trong khi đó, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.
Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa bất động sản không phản ánh đúng giá trị thực, không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Giới đầu cơ hoạt động công khai, thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Thị trường bất động sản phát triển >thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều nơi chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin cho trong việc giao dự án bất động sản, dễ phát sinh tiêu cực.
Thị trường bất động sản phát triển chưa có sự kiểm soát hiệu quả từ phía các cơ quan nhà nước. Chưa có hệ thống quản lý và thống kê dữ liệu về sở hữu bất động sản, giao dịch bất động sản đồng bộ.
Sau khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng của Chính phủ đã giải ngân hết, việc triển khai chương trình nhà ở xã hội đã bị ách tắc. Hiện có 206 dự án với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000m2 ngừng thi công, chậm tiến độ, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường hầu như không có.
Việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn do Chương trình hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội không thuộc danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách trung ương.
Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Thanh tra các dự án thế chấp ngân hàng
Thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung các luật liên quan theo hướng tăng cường vai trò trách nhiệm của các địa phương đối với việc quy hoạch, cấp phép đầu tư và tiến độ xây dựng các dự án bất động sản, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Cùng với đó là việc nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung chính sách thuế để góp phần bình ổn thị trường, chống đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản theo hướng giao cho Chính phủ thực hiện thẩm quyền điều chỉnh mức thuế giao dịch bất động sản để kịp thời bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động lớn.
Tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản của hệ thống ngân hàng thương mại đối với các dự án bất động sản, kịp thời có các giải pháp phòng chống những rủi ro cho hệ thống ngân hàng; Kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng...
Bộ cũng cho biết sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và công bố công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, án không thực hiện bảo lãnh, chưa nộp tiền sử dụng đất, chậm tiến độ, chưa nghiệm thu chất lượng công trình...