“Xẻ thịt” đất công bán cho khách hàng, Công ty Thuận Lợi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, tội Cố ý vi phạm các quy định về sử dụng đất, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Như Công lý và Xã hội đã thông tin, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển (Công ty Thuận Lợi) ngang nhiên san lấp, làm hạ tầng, phân lô trên đất công và bán cho khách hàng thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.
Khu đất công mà Công ty Thuận Lợi “xẻ thịt” bán cho khách hàng, qua sự môi giới của Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại và Xây dựng Địa ốc Kim Oanh (Công ty Địa ốc Kim Oanh) có diện tích 7.551m2 nằm xen cài trong Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 - Khu B, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát.
7.551m2 đất công nói trên, thuộc thửa đất số 1441, tờ bản đồ số 59, phường Mỹ Phước, có mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm đã được cơ quan chức năng phê duyệt nằm trong danh mục quỹ đất công ích và giao cho UBND phường Mỹ Phước quản lý, sử dụng.
Liên quan đến việc xử lý 7.551m2 đất công nằm xen cài trong Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4, phường Mỹ Phước, ngày 25/7/2019, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 3635/UBND- KTN về việc thu hồi Văn bản số 3457/UBND- KTN ngày 16/7/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo đó, trên cơ sở kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bình Dương thống nhất thu hồi Văn bản liên quan đến giao đất công ích tại Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 phường Mỹ Phước. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Dương cũng giao UBND thị xã Bến Cát tiến hành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng… (nếu có) theo quy dịnh của pháp luật tại Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 do Công ty Thuận Lợi làm chủ đầu tư.
Trước đó, cũng liên quan đến sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất công, nhiều cá nhân đã vướng vòng lao lý không chỉ tại Bình Dương mà còn ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại Công ty chế biến cây công, nông nghiệp xuất khẩu tỉnh Bình Dương (Công ty Sobexco), hàng loạt cán bộ và các đối tượng liên quan đã bị truy tố, xét xử.
Theo đó, Công ty Sobexco được UBND tỉnh Bình Dương giao quản lý 706ha đất vườn điều tại xã An Tây, huyện Bến Cát. Đến năm 1997, Công ty Sobexco thanh lý 650ha đất trồng điều để vay vốn lấy tiền trồng cây cao su. Tuy nhiên, dự án thua lỗ, khiến công ty này nợ kéo dài.
Để giải quyết tình thế “khủng hoảng”, sau khi được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý, Công ty Sobexco đã bán 658ha cao su, 706ha đất được giao và những người mua vườn cao su được UBND huyện Bến Cát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, gây thất thoát tiền thuế.
Năm 2007, khi Nhà nước tiến hành giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp An Tây, những người đã mua đất lại được tiền bồi thường về đất gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 131 tỷ đồng.
TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt bị cáo Cao Minh Huệ (65 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương) 12 năm tù, Phan Văn Trung (55 tuổi, nguyên trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bến Cát) 11 năm tù, Đỗ Văn Sâm (61 tuổi, nguyên cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Bến Cát) 10 năm tù.
Hay như sự việc xảy ra tại xã Kroong, Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, làm rõ việc các lãnh đạo xã Kroong tự ý bán đất khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép.
Theo đó, năm 2002, UBND xã Kroong đã tự ý quy hoạch phân lô, giao “đất dự phòng” của Nhà nước cho các hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở có thu tiền sử dụng đất mà không có chủ trương của cấp có thẩm quyền cho phép. Đến nay rất nhiều hộ gia đình xây dựng nhà ở, cũng có nhiều trường hợp chuyển nhượng qua nhiều người. Cơ quan chức năng cũng xác định, 16 lô chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 4 lô đang xảy ra tranh chấp; 2 lô đã được cấp giấy tờ.
Như vậy, hành vi “xẻ thịt” đất công, bán cho khách hàng của Công ty Thuận Lợi sẽ bị xử lý sao? Trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngành chức năng trong việc để Công ty Thuận Lợi ngang nhiên san lấp, làm hạ tầng, phân lô trên đất công? Câu trả lời xin dành cho UBND tỉnh Bình Dương.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Tấn Thuấn - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh xoay quanh sự việc này.
PV: Thưa luật sư, việc tự ý san lấp mặt bằng, làm hạ tầng, phân lô trên đất công, sau đó bán cho khách hàng…của Công ty Thuận Lợi đã vi phạm các quy định của pháp luật ra sao?
LS: Qua sự việc cho thấy, Công ty Thuận Lợi đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai năm 2013, vi phạm quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất…
Theo Khoản 1, Điều 188, Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện: Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại Khoản 1, Điều 168 của Luật Đất đai 2013; Đất không có tranh chấp; Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; Trong thời hạn sử dụng đất.
Ở đây, Công ty Thuận Lợi chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất; Chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính; Chưa lập dự án, chưa có bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/500 được phê duyệt… đã tự ý bán cho khách hàng là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Đất đai 2013.
PV: Đối chiếu với các quy định của Bộ Luật hình sự, hành vi “bán đất công” của Công ty Thuận Lợi đã vi phạm ra sao?
LS: Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, hành vi “bán đất công” của Công ty Thuận Lợi có dấu hiệu của Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo Điều 228, Bộ luật Hình sự.
PV: Mặc dù chưa được giao đất, cho thuê đất, chưa có quyền sử dụng đất, nhưng Công ty Thuận Lợi đã phân lô, bán cho khách hàng, nhiều khách hàng đã làm đơn phản ánh, tố cáo hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty Thuận Lợi. Luật sư nhìn nhận như nào về vấn đề này?
LS: Theo như sự việc khách hàng phản ánh thì hành vi của những người có thẩm quyền ở Công ty Thuận Lợi khi lấy đất công chưa có quyền sử dụng bán cho khách hàng có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Cơ quan chức năng có thẩm quyền cần vào cuộc để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Đồng thời cần điều tra làm rõ các sai phạm của Công ty Thuận Lợi, xử lý theo quy định của pháp luật.