Cơ sở hạ tầng chưa hoàn thành, chưa được cấp CNQSDĐ nhưng dự án Khu dân cư Nam cảng cá Phan Thiết đã được rao bán rầm rộ với cái tên mỹ miều Khu đô thị - Thương mại - Nghỉ dưỡng Vietpearl City Phan Thiết và đã thu tiền đến 95% giá trị nền đất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của hàng trăm khách hàng. Ngành chức năng địa phương không thể nói không biết, không có trách nhiệm đối với việc này.
Như Báo Người Tiêu Dùng đã đưa tin, chủ đầu tư dự án Khu đô thị - Thương mại - Nghỉ dưỡng Vietpearl City Phan Thiết (tọa lạc trên địa bàn 2 phường, Đức Long và Lạc Đạo, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) là CTCP Thuỷ Sản Việt Nam - Phan Thiết (Vietpearl Group) vừa bị tố bội tín, “găm giữ” tiền tỷ của khách hàng. Cụ thể, mặc dù đã nhận 95% tiền giá trị nền đất và trễ hạn giao nền đất cho khách hàng gần 1 năm nhưng phía chủ đầu tư vẫn giữ thái độ im lặng, không có động thái đền bù hợp đồng hoặc giao đất, giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thậm chí, khách hàng còn không được tiếp cận nền đất đã mua.
Ngày 19/12, phóng viên Báo Người Tiêu Dùng đã có mặt tại tỉnh Bình Thuận để xác minh thông tin phản ánh của người dân. Thực tế cho thấy, hiện trạng dự án hiện nay còn hết sức ngổn ngang. Một số hạng mục công trình chưa hoàn thành. Thậm chí, dù chưa giao nền đất cho khách hàng nhưng hạ tầng đã xuống cấp rõ rệt.
Đối chiếu sơ đồ quy hoạch đính kèm trong hợp đồng ký với khách hàng và thực tế hiện hữu dự án cho thấy, con đường vành đai tiếp giáp khu dân cư hiện hữu của người dân địa phương đến nay vẫn chưa được tiến hành thi công. Một phần dự án “dính” vào khu dân cư hiện hữu, người dân cho biết vẫn chưa có bất kỳ thông báo nào liên quan đến việc di dời, giải toả, đền bù cho dân để phát triển đúng quy hoạch dự án. Hệ thống cây xanh vốn đã "nghèo nàn" nay gần như chết rụi, không còn sức sống khiến mặt bằng dự án hoang tàn. Nhà điều hành giữa trung tâm dự án cũng không có người làm việc, chỉ là một phòng trống.
Đáng chú ý, tại một số nền đất đã phân lô sẵn không hề có ký hiệu hoặc tên nền để người mua xác định rõ đâu là đất của mình đã mua, đầu là phần đất trống. Trong khi, hợp đồng thu tiền 95% giá trị nền đất của khách hàng (khoảng 1,3 tỷ đồng) thì chỉ là hợp đồng cọc, không phải hợp đồng mua bán sang nhượng. Vì vậy, theo các chuyên gia >bất động sản, việc này rất dễ dẫn đến tình trạng một mảnh đất bán cho nhiều người, mà thời gian qua báo chí cũng như ngành chức năng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo rủi ro liên quan đến các giao dịch là bất động sản đất nền.
Theo hồ sơ khiếu nại của người tiêu dùng, tính đến thời điểm này, phía chủ đầu tư đã trễ hẹn giao nền cho các khách hàng đến gần một năm, nhưng chính chủ đầu tư cũng chưa có đầy đủ giấy tờ về mặt pháp lý. Như vậy, chủ đầu tư và cả đơn vị phân phối dự án này dựa vào đâu, lấy tư cách gì để rao bán và thu tiền của khách hàng? Việc rao bán, thu tiền khi chưa đủ điều kiện các ngành chức năng địa phương có được biết hay không?
Liên quan đến vấn đề này, trả lời với phóng viên, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, giao dịch giữa khách hàng và chủ đầu tư là quan hệ dân sự nên tỉnh không can thiệp vào. Tuy vậy, tỉnh sẽ phân công các ngành chức năng tìm hiểu, xác minh các vấn đề liên quan đến pháp lý dự án và sẽ có câu trả lời cụ thể cho báo chí, cũng như người mua dự án. Riêng đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Thuận thì tỏ ra thờ ơ, né tránh khi cũng cho rằng đây là giao dịch dân sự giữa người dân và chủ đầu tư nên hai bên tự làm việc với nhau.
Với câu trả lời như trên, phải chăng quan hệ mua bán giữa chủ đầu tư, nhà phân phối và khách hàng nằm ngoài phạm vi quản lý của tỉnh Bình Thuận mặc dù dự án được thẩm định, phê duyệt và cấp phép bởi tỉnh này?. Kể cả việc tổ chức rao bán, thu tiền đến 95% giá trị nền đất dự án khi chưa đủ điều kiện pháp lý “đẩy” phần thiệt về phía người dân? Vậy, trách nhiệm thanh tra, giám sát và quản lý của địa phương ở đâu trong vụ việc này?