Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa trao 1.000 “sổ hồng tượng trưng” cho 16 dự án. Điều đáng nói, các dự án này không nằm trong danh sách 63 dự án đã được "réo tên" từ lâu.
Theo danh sách 63 dự án bị “treo” sổ hồng (gồm 30.402 căn) thì đa phần là của các “ông lớn” trong ngành >bất động sản như: Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh 13 dự án, Công ty CP Tập đoàn Novaland 11 dự án, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai 7 dự án…
Đánh giá về sự kiện trao 1.000 sổ hồng vừa rồi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng, đây là chuyển động tích cực bước đầu. Tuy nhiên, ghi nhận của HoREA, một số chủ đầu tư được nhận sổ hồng lần này cho biết là dự án của công ty có đầy đủ thủ tục pháp lý, lẽ ra phải được >cấp sổ hồng sớm hơn, nhưng đến nay mới được cấp.
Hiệp hội cho rằng, việc tổ chức lễ trao 1.000 sổ hồng cho chủ đầu tư không thực sự cần thiết và tốn kém thêm ngân sách nhà nước, vì các doanh nghiệp và người mua nhà chỉ mong được sớm được nhận sổ hồng. Mặt khác, 1.000 căn nhà được cấp sổ hồng lần này, không nằm trong số 30.402 căn, thuộc 63 dự án tồn đọng từ lâu chưa được cấp sổ hồng, mà dư luận đang bức xúc.
HoREA cũng đánh giá, trong 8 tháng rưỡi đầu năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường mới chỉ cấp sổ hồng cho 8.605 cá nhân là khách hàng mua nhà tại các dự án nhà ở thương mại. Nếu so sánh với số liệu 30.402 căn nhà chưa được cấp sổ hồng mà Hiệp hội đã báo cáo, thì tỷ lệ cấp chỉ đạt 27,4%, số lượng nhà còn “treo” chiếm tỷ lệ lên đến hơn 72,6%. Nếu tính đầy đủ trên số lượng nhà ở của hơn 100 dự án mà Sở Tài nguyên và Môi trường còn đang thụ lý, thì tỷ lệ cấp sổ hồng còn thấp hơn nữa.
Tại buổi lễ trao 1.000 sổ hồng tượng trưng, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường cho rằng, có hàng chục dự án bị “treo” sổ hồng chỉ vì bị “tắc” tiền sử dụng đất của dự án, doanh nghiệp.
“Vừa qua, UBND TP.HCM đã có Công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính để xem xét tháo gỡ vướng mắc trong việc thẩm định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính trên địa bàn TP. Trong đó xác định 7 vấn đề còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tổ chức thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá và thời hạn hiệu lực của Chứng thư thẩm định giá, việc xác định giá đất trong quá khứ, vướng mắc trong các phương pháp xác định giá đất khi thực hiện thẩm định giá, việc định giá đất đối với một số vị trí có lợi thế sinh lợi cao, ở vị trí đắc địa và khó khăn trong việc cấn trừ các khoản chi phí tạo lập đất vào nghĩa vụ tài chính”, ông Thắng phát biểu.
Việc tháo gỡ “tắc” như thế nào thì còn xem xét. Người dân có quyền đặt ra câu hỏi: Vậy khi nào họ mới được nhận sổ hồng? Tại sao khi xây dựng và mở bán dự án chủ đầu tư không đề cập chuyện “tắc” này?. Họ không cần biết giữa chủ đầu tư và Nhà nước “tắc” ở đâu, họ chỉ biết giao dịch với chủ đầu tư mà thôi. Bởi nhà đã giao, dân đã ở ổn định nhiều năm, đã đóng tiền sử dụng đất, thậm chí sẵn sàng đóng thêm, đóng trước... nhưng không thể có được sổ hồng. Điều này khiến quyền lợi của hàng vạn hộ dân bị ảnh hưởng, gây bức xúc mất lòng tin trong dân, thậm chí đã từng xảy ra nhiều vụ khiếu nại, tụ tập khiếu kiện.