Bản thân những người làm bố làm mẹ, không có ai thực sự ác hay xấu xa. Họ thúc ép con học hành, thi cử và đỗ đạt cao vì họ tin rằng có quyền lực, có địa vị là tốt nhất.

Q.Duyên (Dịch) 21:23 01/04/2022
Năm 2018, bộ phim Sky Castle được lên sóng và gây bão tại Hàn Quốc cùng nhiều quốc gia khác vì bức tranh xã hội được phản ánh quá chân thực. Bộ phim mở ra với bối cảnh xa hoa, tráng lệ và hào nhoáng của những cặp vợ chồng thành đạt địa vị cao, sống trong khu nhà đắt đỏ bậc nhất Hàn Quốc. Họ thiết đãi nhau những bữa tiệc xa xỉ, sử dụng những không gian sinh hoạt đẳng cấp biệt lập với thế giới bên ngoài và tung hô lẫn nhau, khoe mẽ thành tích những người vợ, người chồng, những đứa con đạt được. Và những người mẹ trong những gia đình này dám làm đủ thứ với tham vọng đưa con cái vào trường Đại học danh tiếng nhất Hàn Quốc và giữ được truyền thống vị thế xã hội gia tộc.
Những bậc cha mẹ tham vọng trong Sky Castle
Và mọi chuyện trở nên rắc rối khi 1 trong 4 gia đình này đổ vỡ mà không ai rõ nguyên nhân vì sao, tiếp đó là 1 gia đình có xuất thân "bình dân" khác chuyển đến thay thế. Với tính cách và công việc của mình, người mẹ và ông bố của gia đình này đã “bới tung” và bóc trần vỏ bọc thật giả của các gia đình trong khu Sky Castle, nhiều sự thật được hé lộ và dẫn người xem đến nhiều câu chuyện ẩn giấu phía sau.
Những đứa trẻ ngày ngày tranh đấu vì tham vọng của cha mẹ trong Sky Castle
Một đứa trẻ sinh ra tại Hàn Quốc sẽ thường được chia ra làm hai nhóm. Nhóm “thìa vàng” là những đứa trẻ có bố mẹ giàu có, ở tầng lớp trên xã hội. Nhóm “thìa gỗ” hay “thìa đất” là nhóm được sinh ra từ những gia đình trung lưu đầy khủng hoảng và biến động tại Hàn Quốc.
Tiêu chuẩn xếp hạng 'thìa' cho những đứa trẻ sinh ra tại Hàn Quốc
Những đứa trẻ này phải vất vả học tập suốt ngày đêm để vào được một trường đại học, phải vượt qua hàng loạt cuộc thi và chứng chỉ để có thể tìm được một công việc ổn định trong xã hội Hàn Quốc. 
Kể từ khi thành lập Hàn Quốc, quốc gia này đang phải trải qua sự suy giảm việc làm tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Trước đây, miễn là bạn chăm chỉ, bạn sẽ có thể đi học đại học và có một công việc tốt, nhưng bây giờ, ngay cả khi bạn tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu Hàn Quốc, bạn có thể sẽ không có được 1 việc làm tử tế. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thế hệ 20 đạt 9,5% vào năm 2018 và tỷ lệ thất nghiệp trung bình tại Hàn Quốc vào tháng 4 năm 2019 đạt mức cao kỷ lục 4,4% trong 19 năm.
Bản thân những người làm bố làm mẹ, không có ai thực sự ác hay xấu xa. Họ thúc ép con học hành, thi cử và đỗ đạt cao vì họ tin rằng có quyền lực, có địa vị là tốt nhất.
Người có tiếng nói, có sức ảnh hưởng ai mà không nghĩ là điều tốt và ghen tị chứ, có chăng là cuộc đời họ phải đánh đổi những gì để có được điều đó? Sự tự do? Tuổi trẻ trải nghiệm? Những người bạn? Tình yêu?,... Có phải ai cũng sẵn sàng làm thế không? Có người mù quáng tin và muốn làm bằng mọi giá nên phải nhận kết cục bi thảm. Nhưng cũng có người là vì hùa theo người khác, vì thấy người ta làm thế nên mình cũng phải làm vậy, nếu không thì sẽ thua kém lắm, xấu hổ lắm.
Cũng có người đã từng sống 1 cuộc đời y nguyên với cha mẹ mình, là ông bà của những đứa trẻ này, rồi lại áp dụng 1 cách máy móc lên chúng, là thế hệ tiếp theo. Những đứa trẻ lại có cách chống đối của riêng chúng: đứa bỏ học, đứa bỏ nhà, đứa thì ăn cắp vặt để... xả stress, đứa thì chọn cách ra đi, rời bỏ trần thế trong lúc bố mẹ chúng đang hân hoan, sung sướng nhất.
 
Theo Chosun
Q.Duyên (Dịch) | Theo Phụ nữ sức khỏe